Tập trung điều trị, tiếp tục phủ vắc-xin phòng Covid-19

.

Để kiểm soát Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố yêu cầu ngành y tế phối hợp các địa phương tập trung hai nhiệm vụ trọng tâm là điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 và tổ chức tiêm vắc-xin cho những đối tượng chưa tiêm.

Ngành y tế và các địa phương tiếp tục tiêm phủ vắc-xin cho người dân từ 12 tuổi đang cư trú trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Tiêm vắc-xin cho người dân tại Cung thể thao Tiên Sơn. Ảnh: KIM LIÊN
Ngành y tế và các địa phương tiếp tục tiêm phủ vắc-xin cho người dân từ 12 tuổi đang cư trú trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Tiêm vắc-xin cho người dân tại Cung thể thao Tiên Sơn. Ảnh: KIM LIÊN

Hiện công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đang triển khai song song giữa tập trung tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà. Trong khi đó, đối với công tác tiêm chủng, các đơn vị, địa phương đang lên danh sách để tiêm cho các đối tượng chưa tiêm trong thời gian sớm nhất.

Triệu chứng nhẹ nhưng không chủ quan

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, đến thời điểm hiện tại, có hơn 2.000 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị, trong đó tập trung chủ yếu tại hai cơ sở y tế chính là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến tại Khu ký túc xá phía tây. Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 12, ngành y tế giao các địa phương chủ động điều trị thí điểm F0 tại nhà. Đến nay, đang có 24 trường hợp F0 điều trị tại nhà, do nhân viên y tế cơ sở trực tiếp theo dõi hằng ngày.

Về tình hình bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, có khoảng 35% bệnh nhân không có triệu chứng, trên 64% bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và dưới 1% số ca mắc có triệu chứng vừa. “Nếu so với các đợt dịch trước, tỷ lệ bệnh nhân nặng, có triệu chứng giảm đáng kể. Nguyên nhân được xác định là do việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đã làm giảm rõ rệt nguy cơ, mức độ trở nặng của bệnh nhân.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người đã tiêm vắc-xin không mắc Covid-19 hoặc không trở nặng”, bác sĩ Nhân cho biết. Theo báo cáo, có trên 47% số ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng thời gian qua là những người đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Chính vì vậy, ngành y tế đề nghị người dân không lơ là, chủ quan trong việc thực hiện 5K, đặc biệt là mang khẩu trang để hạn chế tối đa sự lây lan của virus.

Trên thực tế, vì số ca mắc Covid-19 ở dạng nhẹ nên hiện nay có tình trạng người mắc Covid-19 tự ý tìm mua các loại thuốc trôi nổi trên mạng xã hội hoặc các đơn thuốc chuyền tay nhau dạng cảm cúm. Điều này được khuyến cáo hết sức nguy hiểm.

“Theo quy định, hiện nay, nếu phát hiện mắc Covid-19 phải báo cáo địa phương, nhân viên y tế cơ sở để được hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cho cộng đồng. Bên cạnh đó, nhân viên y tế sẽ đánh giá nguy cơ ban đầu cho bệnh nhân để quyết định việc điều trị tại nhà hay chuyển lên cơ sở y tế điều trị. Nếu người mắc Covid-19 tự ý điều trị sẽ không tự đánh giá được tình trạng bản thân hoặc nguy hiểm hơn là bỏ qua cơ hội được can thiệp, chữa trị kịp thời theo phác đồ của y tế và có thể trở nặng, để lại di chứng về sau”, bác sĩ Nhân khuyến cáo.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, hiện ngành y tế đang khảo sát, đánh giá lại việc điều trị F0 tại nhà. Dự kiến trong thời gian tới, song song với điều trị tại các cơ sở y tế, người mắc Covid-19 sẽ được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, việc điều trị tại nhà cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên y tế cũng như sự phối hợp của người bệnh.

“Ngành y tế đã tập huấn cho nhân viên y tế cơ sở đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trong việc phối hợp với nhân viên y tế tham gia quá trình điều trị F0 tại nhà. Chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không tùy tiện mua, sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19, mà phải có hướng dẫn trực tiếp của nhân viên y tế. Bởi các loại thuốc điều trị Covid-19 cũng cần có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với từng lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh khác nhau”, bác sĩ Thủy cho biết.

Nhân viên y tế khám tầm soát trước khi tiêm vắc-xin cho người cao tuổi trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế khám tầm soát trước khi tiêm vắc-xin cho người cao tuổi trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: PHAN CHUNG

Tiếp tục phủ vắc-xin phòng Covid-19

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, tính đến thời điểm này, ngành y tế đã tổ chức tiêm 1.889.201 mũi vắc-xin phòng Covid-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 966.830 người, mũi 2 cho 921.904 người và mũi 3 cho 467 người. Theo đó, người từ 18 tuổi trở lên đủ 2 mũi đạt 97,5% và trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đủ 2 mũi đạt 77,3%. Để bao phủ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cũng như tạo điều kiện cho người dân đang sinh sống, học tập, làm việc tại Đà Nẵng được tiếp cận vắc-xin dễ dàng, chủ động về thời gian, ngành y tế thiết lập 2 điểm tiêm chủng lưu động và tổ chức tiêm tại nhà cho những trường hợp không thuận tiện cho việc đi lại.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, từ ngày 17 đến 23-12, ngành y tế tổ chức tiếp nhận đăng ký tiêm vắc-xin cho người dân từ 12 tuổi trở lên hiện đang cư trú trên địa bàn thành phố chưa được tiêm chủng đủ liều cơ bản vắc-xin phòng Covid-19. Người dân có thể đăng ký qua UBND phường, xã nơi cư trú, Tổng đài dịch vụ công Đà Nẵng và CDC Đà Nẵng.

“Ngành y tế thiết lập hai điểm tiêm chủng tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và Cơ sở tiêm chủng dịch vụ, CDC Đà Nẵng tại 103 Hùng Vương để tổ chức tiêm cho người dân chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, các quận, huyện có thể thiết lập thêm các điểm tiêm chủng trên cơ sở các điểm tiêm sẵn có tại các quận, huyện để bảo đảm giãn cách phòng, chống Covid-19. Riêng nhóm đối tượng mắc các bệnh, tật không tự chăm sóc bản thân, không đi lại được ngay cả khi có sự hỗ trợ của gia đình sẽ tổ chức tiêm chủng lưu động sau khi UBND các quận, huyện rà soát danh sách và đề xuất phương án”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự kiến việc tiêm chủng bổ sung triển khai trong tháng 12 trên cơ sở các đơn vị, địa phương thiết lập danh sách người chưa được tiêm. “Các điểm tiêm chủng sẽ bố trí một bộ phận thường trực với đầy đủ các trang thiết bị, thuốc, phương tiện cấp cứu, vận chuyển để theo dõi, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng tại điểm tiêm, đồng thời hướng dẫn cụ thể cho người dân các biện pháp theo dõi sức khỏe tại nhà sau thời gian được tiêm chủng”, bác sĩ Trình cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.