Đánh giá đúng tình hình, kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp

.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 10-1. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì cuộc họp.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố yêu cầu ngành y tế, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19.  TRONG ẢNH: Nhân viên y tế quận Sơn Trà tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: LÊ HÙNG
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố yêu cầu ngành y tế, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế quận Sơn Trà tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: LÊ HÙNG

Đánh giá đúng tình hình để ngăn chặn dịch lây lan

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, các địa phương đã chủ động và trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, số ca mắc Covid-19 mới vẫn tăng nhanh, tập trung nơi công cộng, chợ, doanh nghiệp và cơ sở y tế. Vì vậy, các đơn vị, địa phương phải đánh giá đúng tình hình để ngăn chặn đà lây lan; nỗ lực điều trị hiệu quả để giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong và giảm áp lực cho nhân viên y tế.

Song song đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu ngành y tế khẩn trương hoàn thiện các phương án cụ thể để ứng phó khi F0 tăng cao, trong đó lưu ý huy động thêm lực lượng y tế. “Các địa phương phải xác định điều trị F0 tại nhà là bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, thành phố cần sớm có phương án thành lập và kích hoạt bệnh viện dã chiến số 2; huy động sự vào cuộc của các trung tâm y tế, các bệnh viện trong công tác điều trị. Nghiên cứu hình thành các cơ sở điều trị F0 có thu phí; thiết lập trạm y tế trong khu công nghiệp... Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lưu ý kiến nghị của các địa phương về trang bị bình oxy, máy đo oxy hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm, tích hợp những ưu điểm để phục vụ hiệu quả nhất công tác điều trị F0 tại nhà”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu ngành y tế chủ động tham mưu thành phố mua sắm, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện vận chuyển F0, nguồn sinh phẩm phòng, chống dịch. “Các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh sách đối tượng nguy cơ cao, trong đó theo dõi cả những người không tiêm chủng và không đủ điều kiện tiêm chủng. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố rà soát các biện pháp phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm, đặc biệt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 để điều chỉnh cho phù hợp”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát, đến tận nhà tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Trường hợp nào lực lượng chức năng đến tận nơi mà người dân không đồng ý tiêm phải ký cam kết và tự chịu trách nhiệm. Ngành y tế và các địa phương phải quyết tâm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trong quý 1 năm 2022.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19. Đồng thời, linh động trong vấn đề đánh giá tình hình dịch bệnh để triển khai biện pháp phù hợp. “Các đơn vị, địa phương phải chủ động hơn và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Sở Y tế rà soát, điều chỉnh các điều kiện quy định điều trị F0 tại nhà; các địa phương linh động hỗ trợ trường hợp khó khăn mắc Covid-19”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Giảm áp lực cho các cơ sở y tế

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố cho biết, số ca nhiễm Covid-19 trong những ngày qua trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, trung bình trên 300 ca/ngày. “Nhằm bảo đảm cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, ngành y tế thành phố tổ chức theo 3 tầng điều trị, với khả năng điều trị đáp ứng từ 4.000-5.000 giường bệnh. Ngoài ra, còn có bố trí 150-250 giường điều trị ca bệnh nặng, đáp ứng đầy đủ các thiết bị, nhân lực”, bác sĩ Trần Thanh Thủy thông tin.

Cũng theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, hiện việc triển khai điều trị F0 tại nhà được tổ chức 2 giai đoạn, đa số các ca bệnh F0 điều trị tại nhà đều thực hiện nghiêm túc, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà vẫn còn thấp. Do đó, các địa phương cần tăng cường rà soát, có giải pháp tăng số bệnh nhân điều trị tại nhà, giảm áp lực cho các cơ sở y tế.

Liên quan đến công tác tiêm chủng, bác sĩ Trần Thanh Thủy cho biết, cuối tháng 12-2021, thành phố hoàn thành việc tiêm mũi 2, song vẫn có 18 ca bệnh nặng, trong đó 8 ca chưa tiêm, 2 ca tiêm 1 mũi. Những ca chưa tiêm đều nằm trong nhóm người lớn tuổi. Thời gian đến, ngành y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát kỹ người chưa được tiêm vắc-xin, vận động và tổ chức tiêm vét.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, ngày 10-1, Đà Nẵng ghi nhận 453 ca mắc Covid-19, gồm: 8 ca cách ly tập trung, 183 ca cách ly tại nhà, 32 ca trong khu phong tỏa và 230 ca chưa cách ly. 378/453 ca mắc Covid-19 trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng. Tính đến nay, thành phố đã tiêm 2.017.547 mũi vắc-xin phòng Covid-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 976.008 người, mũi 2 cho 959.072 người và mũi 3 cho 82.467 người. Hiện có 200 khu vực phong tỏa với 455 hộ (1.560 nhân khẩu), duy trì 10 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 292 người. Trong ngày có 481 ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng được điều trị khỏi và cho xuất viện; hiện các bệnh viện đang điều trị 1.983 bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, có 406 trường hợp mắc Covid-19 được cách ly, điều trị tại nhà.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.