Chăm sóc, điều trị F0 tại nhà đúng cách

.

Hơn 93% người mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố đang được cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà. Các bác sĩ, nhân viên y tế khuyến cáo, việc điều trị F0 tại nhà cần tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt không lạm dụng phương pháp điều trị theo kiểu “bắt chước” và sử dụng các loại thuốc, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có hướng dẫn, chỉ định rõ ràng.

Người dân đi mua sả, chanh, gừng, tỏi để xông hơi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, nếu lạm dụng việc này hoặc thực hiện không đúng cách sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân đi mua sả, chanh, gừng, tỏi để xông hơi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, nếu lạm dụng việc này hoặc thực hiện không đúng cách sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: PHAN CHUNG

Khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhiều người dân tìm đến các chợ, trung tâm mua sắm để mua các loại hương liệu phòng, chống dịch bệnh. Các mặt hàng như sả, gừng, chanh, tỏi... được tìm mua với số lượng nhiều, giá cả liên tục tăng. Người dân sử dụng các hương liệu này để xông hơi theo phương pháp đông y.

Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Hội Đông y thành phố cho biết, phòng, chống, điều trị Covid-19 bằng đông y là phương pháp được Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn gửi các địa phương, cơ sở y tế trong cả nước tổ chức triển khai, kết hợp tây y hiện đại. “Xông hơi là phương pháp cổ truyền của ông bà, áp dụng từ xưa để loại bỏ các độc tố trong người, nhất là các bệnh liên quan virus, trong đó việc điều trị cảm cúm là ví dụ điển hình. Đối với Covid-19, đây là bệnh do liên quan đến virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc xông hơi là cách giúp làm giảm tải lượng virus trong cơ thể”, bác sĩ Sơn cho biết.

Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều người lạm dụng việc xông hơi và thực hiện không đúng hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế. Điều này gây ra nhiều tổn thương và hệ lụy lâu dài. “Hiện nay có nhiều hướng dẫn chuyên môn của y tế liên quan đến việc xông hơi, người dân cần chủ động tìm hiểu, nắm rõ trước khi thực hiện. Trong đó cần lưu ý một số khuyến cáo, hướng dẫn, đó là sau khi xông hơi cần lau khô mồ hôi, bù nước, điện giải vì xông hơi gây mất nước.

Chú ý không để bị bỏng hơi. Không xông tinh dầu trong phòng có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, không xông toàn thân các bệnh nhân ra nhiều mồ hôi, phụ nữ có thai, một số trường hợp bị tiêu chảy, cao huyết áp, tim mạch, tâm thần… Nếu lạm dụng xông hơi và thực hiện không đúng cách sẽ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp và nhiều hệ lụy khác”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, để nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc tại nhà, các F0 cần tăng cường thực hiện đều đặn các bài tập vận động.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng cho rằng, bệnh nhân F0 điều trị tại nhà cần thực hiện các bài tập thở, tập tư thế nghỉ ngơi, tập các bài tập vận động tăng thể lực. Mục đích của tập thở là giúp cải thiện tình trạng khó thở thông qua số kiểu như thở chúm môi, thở cơ hoành, thở bụng.

Nếu người nhiễm có tiết nhiều đờm dịch, tập kỹ thuật thở chu kỳ chủ động và kỹ thuật ho. “Người bệnh cũng có thể cải thiện oxy phổi bằng tư thế nằm. Nếu kết quả đo oxy máu (SpO2) của F0 dưới 94% hoặc thấy mệt, khó thở, người nhiễm có thể áp dụng tư thế nằm sấp, nằm đầu cao. Tiếp tục theo dõi oxy máu khi thay đổi tư thế.

Đối với người nhiễm Covid-19 từ nhẹ đến vừa được khuyến cáo nên nghỉ ngơi tại giường và vận động vừa sức giúp hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu và giúp thư giãn. Một số bài vận động có thể thực hiện như như nâng vai, gấp duỗi khuỷu tay, gấp xoay cổ chân, co duỗi chân, dạng chân, nâng chân... để tăng sức bền”, bác sĩ Dũng cho biết.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Thanh Thủy cho biết, ngành y tế đã ban hành hướng dẫn về điều trị, cách ly, chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà. Ngoài các điều kiện, hướng dẫn về chống lây nhiễm chéo, việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hết sức cần thiết. “Người bệnh tuyệt đối không bi quan, giữ tâm lý thoải mái. Khi gặp khó khăn cần liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn từ xa.

Tự theo dõi sức khỏe hoặc nhờ người thân đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, đo SpO2 ít nhất hai lần một ngày, hoặc khi cảm thấy mệt, khó thở. Thường xuyên rửa mũi, súc họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, tập thở, vận động nâng cao sức khỏe. Nên uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh…”, bác sĩ Thủy cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.