Đào tạo can thiệp mạch thần kinh cho bác sĩ khu vực miền Trung-Tây Nguyên

.

Ngày 28-4, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Medtronic (Mỹ) tổ chức chương trình đào tạo và cấp bằng đào tạo y khoa liên tục (CME) của Đại học VinUni cho các bác sĩ khu vực miền Trung-Tây Nguyên về “Can thiệp mạch thần kinh-Thực hành kỹ thuật điều trị stent đảo hướng dòng chảy”.

Các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật can thiệp mạch thần kinh cho các học viên.
Các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật can thiệp mạch thần kinh cho các học viên.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp từ các bệnh viện đầu ngành khác như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Kỹ thuật điều trị stent đảo hướng dòng chảy là một phương pháp can thiệp nội mạch - xâm nhập tối thiểu rất hiệu quả trong điều trị phình động mạch não chưa vỡ, một bệnh lý nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong hoặc đột quỵ. Tuy nhiên đây cũng là một kỹ thuật rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, cũng như người bệnh cần được phát hiện sớm bằng phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại.

Chương trình thu hút hơn 100 bác sĩ, cán bộ y tế trong lĩnh vực này từ các bệnh viện lớn tại miền Trung-Tây Nguyên như Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện đa khoa Nghệ An… Tham gia chương trình đào tạo, các bác sĩ đã có cơ hội học hỏi và trao đổi thông tin chi tiết từ những kiến thức cơ bản như lên chiến lược điều trị, lập kế hoạch, đánh giá quy mô tổn thương, hướng tiếp cận, chẩn đoán đa phương tiện cho đến cập nhật các tiến bộ mới nhất, các thủ thuật trong điều trị. Sau phần lý thuyết, các chuyên gia sẽ chia sẻ các kinh nghiệm thực tế trên những ca bệnh đã điều trị bằng phương pháp can thiệp mạch thần kinh - điều trị stent đảo hướng dòng chảy và chia nhóm thực hành trên mô hình ngay tại hội thảo.

Theo bà Nguyễn Tường Vân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng, chương trình đào tạo này nằm trong chuỗi hoạt động chuyên sâu kết hợp thực hành của Vinmec Đà Nẵng từ nay đến đến hết năm 2022 nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của các bác sỹ. Đây cũng là định hướng hoàn thiện mô hình trong điều trị đột quỵ của bệnh viện với mong muốn mang lại giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện cho những người có nguy cơ cao trong bối cảnh số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng.

Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ. Ê-kíp y, bác sĩ của bệnh viện đã kịp thời cấp cứu, can thiệp nhanh chóng bằng phương pháp đặt stent đảo hướng dòng chảy sớm giúp nhiều trường hợp thoát cơn nguy kịch, hồi phục nhanh chóng.

Chỉ sau khoảng 3 đến 6 tháng điều trị, hình ảnh chụp mạch não của bệnh nhân hầu như đã không còn túi phình ở các điểm đặt stent. Nhờ vậy mà phần lớn các bệnh nhân đã may mắn thoát khỏi nguy cơ bị đột quỵ do vỡ túi phình và sớm hồi phục sức khỏe hoàn toàn sau can thiệp.

Đặc biệt, qua chương trình khám sàng lọc chủ động, chẩn đoán hình ảnh hiện đại, các bác sĩ đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân  có nguy cơ đột quỵ vì chứng phình động mạch não mà không hề biết vì bệnh nhân chỉ có những cơn đau đầu thoáng qua hoặc thậm chí không có triệu chứng gì rõ rệt.

Với việc hơn 100 bác sĩ trên toàn quốc tham gia đào tạo và nhận bằng CME, chương trình đào tạo “Can thiệp mạch thần kinh-Thực hành kỹ thuật điều trị stent đảo hướng dòng chảy” do Vinmec tổ chức đã mở ra cơ hội cho người dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên được tiếp cận với các phương pháp điều trị y tế tiến bộ, giúp họ có thể được phát hiện sớm nguy cơ và bệnh lý, và tham gia điều trị sớm bằng các kỹ thuật tiên tiến hiện đại, tránh nguy hiểm đến tính mạng hoặc tàn phế do đột quỵ.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích