Ngày đầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: An toàn, phụ huynh yên tâm

.

Ngày 22-4, ngành y tế phối hợp các đơn vị, địa phương bắt đầu tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 2 trong 8 điểm tiêm của kế hoạch tiêm 10.300 mũi vắc-xin là Cung Thể thao Tiên Sơn và Bệnh viện Ung bướu đã tổ chức khám sàng lọc, tư vấn, tiêm và theo dõi sức khỏe của trẻ theo đúng quy định.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sáng 22-4. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sáng 22-4. Ảnh: PHAN CHUNG

Ổn định tâm lý

Sáng 22-4, 300 học sinh các trường THCS trên địa bàn quận Hải Châu được hướng dẫn, tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tại Cung Thể thao Tiên Sơn. Em Nguyễn Bảo Châu, học sinh lớp 6/3 Trường THCS Lê Hồng Phong (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) được mẹ dẫn đi tiêm. Cầm trên tay thẻ học sinh, giấy hẹn đi tiêm và một bịch sữa được mẹ mang theo, Châu vui vẻ, hòa đồng cùng các bạn tiến vào khu vực tiêm vắc-xin.

“Em có chút hồi hộp vì sợ kim tiêm. Nhưng chắc cũng không sao. Còn thông tin về việc tiêm vắc-xin, em và mẹ đã đọc trên mạng, thấy việc tiêm là cần thiết”, Châu chia sẻ.

Chị Nguyễn Hải Vân, mẹ Châu cho biết, khi có thông tin về kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố, chị đã tìm hiểu, hỏi ý kiến một số người thân và hỏi ý kiến con gái. Theo chị, việc đăng ký và thực hiện tiêm vắc-xin là điều nên làm để chủ động trong phòng, chống Covid-19.

Cùng suy nghĩ này, anh Phạm Viết Tuấn (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), người dẫn con trai đi tiêm vắc-xin chia sẻ: “Cả nhà mình đều đã tiêm 3 mũi vắc-xin và may mắn đến nay chưa ai mắc Covid-19. Một trong những nguyên nhân, theo mình đó là được tiêm vắc-xin đúng, đủ liều. Vì vậy, khi có kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mình đăng ký cho con trai đang học lớp 6 tiêm ngay”.

Trong buổi sáng 22-4, Trường THCS Lê Hồng Phong lên danh sách và tổ chức tiêm cho 52 học sinh. Trực tiếp theo dõi hoạt động tiêm chủng, thầy Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết, công tác tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được chuẩn bị chu đáo.

“Chúng tôi có kế hoạch chi tiết. Công tác truyền thông đã giúp các phụ huynh hiểu việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên có đến 90% phụ huynh của trường đồng ý cho con tiêm. Sáng nay khi tiêm, Ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm đều có mặt để hỗ trợ về mặt tinh thần cho các em học sinh. Việc cấp trên bố trí tiêm chủng cho các em học sinh vào thứ Sáu rất là thuận tiện, bởi ngày thứ Bảy, Chủ nhật các em sẽ được nghỉ ngơi để theo dõi sức khỏe mà không ảnh hưởng việc đến trường. Các em học sinh cũng nhận thức nên tiêm chủng để bảo vệ mình nên các em rất chủ động và rất tự tin”, thầy Lam cho biết.

Theo bác sĩ Trần Minh Hồi, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Hải Châu, nhận được kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Trung tâm Y tế đã tham mưu UBND quận ban hành kế hoạch triển khai. Ngay từ đầu, đơn vị phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo để điều tra đối tượng tiêm chủng và tuyên truyền đến các phụ huynh học sinh những lợi ích tiêm chủng.

“Trong đợt này quận sẽ tiêm cho 2.100 trẻ em, bố trí 6 bàn tiêm. Để bảo đảm số lượng học sinh đến cùng lúc không đông, chúng tôi sẽ tiêm theo từng trường, từng giờ. Đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 là độ tuổi nhạy cảm, đồng thời phụ huynh cũng lo lắng hơn nên chúng tôi đã làm công tác tư tưởng rất kỹ, giúp các em yên tâm khi đến tiêm chủng, tránh những vấn đề phản ứng do tâm lý”, bác sĩ Hồi cho biết.

Phụ huynh đứng bên con để nghe hướng dẫn, tư vấn của nhân viên y tế trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG
Phụ huynh đứng bên con để nghe hướng dẫn, tư vấn của nhân viên y tế trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG

Bảo đảm an toàn

Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngành y tế đã xây dựng chi tiết kế hoạch tiêm chủng vắc-xin cho từng đợt. Theo đó, trong ngày đầu tiên, ngành y tế mở  điểm tiêm chủng là Bệnh viện Ung bướu và Cung Thể thao Tiên Sơn tổ chức tiêm với hình thức cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn. Các điểm tiêm còn lại sẽ lần lượt mở vào những ngày tiếp theo trên cơ sở đánh giá hoạt động tiêm chủng của các điểm tiêm trước.

“Mục tiêu cần quan tâm đó chính là thiết lập khu xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng; giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng; giám sát trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng để hướng đến chiến dịch tiêm an toàn, bởi đây là nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý”, bác sĩ Trình cho biết.

Mỗi đơn vị phụ trách tiêm chủng đã thành lập đội cấp cứu lưu động và phương tiện kèm theo, sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu tại các điểm tiêm chủng; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân, các trường học liên hệ trong trường hợp cần thiết.

Các bệnh viện, đơn vị được giao bố trí đội tiêm chủng, đội theo dõi xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng, xe cấp cứu gồm 4 người thực hiện đo dấu hiệu sinh tồn, khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm chủng, hỗ trợ theo dõi sau tiêm; đội theo dõi, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng (bố trí 1 bộ phận thường trực, các trang thiết bị, thuốc, phương tiện cấp cứu, vận chuyển); xe cấp cứu (đầy đủ nhân lực, trang thiết bị). Trường hợp xảy ra tai biến nặng khi đang triển khai tiêm chủng, người đứng đầu cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm dừng ngay buổi tiêm chủng, xử trí cấp cứu và báo cáo theo quy định.

Để bảo đảm an toàn, ngành y tế giao Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chịu trách nhiệm xử lý cấp cứu các trường hợp nặng vượt quá khả năng của các điểm tiêm, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị y tế trên địa bàn trong việc theo dõi, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Theo dõi kỹ sau tiêm

Theo bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, ngoài việc chuẩn bị chu đáo, kỹ càng trước khi tiêm, các em cần được theo dõi kỹ sau tiêm. Cụ thể, sau tiêm vắc-xin Covid-19, trẻ có thể gặp các phản ứng như sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm. Đây là những phản ứng bình thường, phụ huynh không nên quá lo lắng, không bôi, chườm hoặc đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau, thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ. Nếu bé sốt dưới 38,5 độ C, cần cởi bớt hoặc nới lỏng quần áo, chườm hoặc lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, cho trẻ uống đủ nước. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, phụ huynh sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. “Các phản ứng ba mẹ cần đưa con đến bệnh viện sớm gồm sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt; tê quanh môi hoặc lưỡi; da có phát ban, nổi mẩn đỏ, tím tái, đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Sau khi tiêm vắc-xin, phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn theo nhu cầu, hạn chế vận động chạy nhảy quá sức trong vòng 3 ngày đầu. Nếu bé có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, có hội chứng tăng động, giảm chú ý cần thận trọng khi tiêm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.