Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

.

Thời gian gần đây, nhiều phản ánh của các cơ quan báo chí và báo cáo của các đơn vị, địa phương cho thấy đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhân viên y tế bổ sung số thuốc mới được cung ứng vào quầy thuốc Bảo hiểm Y tế. Ảnh tư liệu: Xuân Triệu/TTXVN
Nhân viên y tế bổ sung số thuốc mới được cung ứng vào quầy thuốc Bảo hiểm Y tế. Ảnh tư liệu: Xuân Triệu/TTXVN

Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh không phải là vấn đề mới, vẫn thường xảy ra nhưng ở mức độ nhỏ và luôn dược nhanh chóng khắc phục. Tuy nhiên, việc hàng loạt các bệnh viện trung ương thiếu thuốc và vật tư y tế gần đây đã gây xáo trộn công tác khám chữa bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh.

40 bệnh viện, Sở Y tế địa phương thiếu thuốc

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua có thông tin nhiều bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) phải tự chi số tiền lớn để mua thuốc bên ngoài vì khoa dược của bệnh viện đã hết một số loại thuốc thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả.

Những loại thuốc chống thải ghép hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đang thiếu nên yêu cầu bệnh nhân ghép thận tự túc mua gồm: Advagraf 5mg, 1mg, 0,5mg; Prograf 1mg; Cellcept 500mg, 250mg, giá bán ngoài thị trường rất cao.

Lý do của việc thiếu thuốc được lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nêu ra là đang chờ kết quả đấu thầu thuốc.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin cho báo chí khẳng định: Việc Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc chống thải ghép khiến bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài là sự việc không mong muốn. Đồng thời cho biết, Bệnh viện đã có các giải pháp khắc phục để bệnh nhân sớm có thuốc. Cụ thể: Khẩn trương tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc bằng các hình thức phù hợp để bảo đảm ngay sau kỳ nghỉ lễ (30-4 – 1-5-2022) có thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh; Liên hệ với các cơ sở y tế có thuốc trên địa bàn Thành phốHồ Chí Minh để chuyển bệnh nhân đến điều trị và được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định.

Không chỉ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hàng chục bệnh viện trong cả nước cũng đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế, khiến người bệnh lao đao…

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế, thống kê từ 34-63 Sở Y tế, 21-39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 28-34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12-21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.

Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Bên cạnh đó, có 26-34 Sở Y tế và 15-21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.

Có 14-34 Sở Y tế và 8-21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.

Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch...

Trước đó, vào ngày 23-6, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ họp về cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, với việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm.

Tháo gỡ khó khăn

Theo Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để tháo gỡ một phần khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; công bố Danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30-6-2022 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31-12-2022 cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách.

Bộ cũng tiến hành cấp phép nhanh nhất khi có đề nghị của các cơ sở nhập khẩu, cơ sở khám chữa bệnh đối với các thuốc hiếm về nguồn cung, sử dụng cho bệnh hiếm, nhu cầu điều trị của bệnh viện... Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chất lượng thuốc và giá thuốc, tập trung đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá.

Đồng thời yêu cầu các địa phương cần có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường nhân lực làm chuyên trách quản lý về trang thiết bị y tế tại Sở Y tế và các cơ sở y tế. Tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định về kê khai giá trang thiết bị y tế để phổ biến, tập huấn cho các đơn vị trên địa bàn; tổ chức thực hiện đúng quy định, tránh việc chậm trễ trong mua sắm, đầu thầu trang thiết bị y tế.

Ngày 29-6, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã tổ chức lễ mở Hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp Quốc gia giai đoạn 2022-2023 đã được Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 4325-QĐ-BYT ngày 08-9-2021 với 106 danh mục thuốc.

Dự kiến trong tháng 7-2022, trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu sau khi tổ chuyên gia đánh giá, thẩm định, xem xét, kiến nghị…

Liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm thuốc, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng đã gửi thư đàm phán giá lần 1 với 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.