Tăng cường điều trị bệnh không lây nhiễm tại cơ sở

.

Sau khi Covid-19 được kiểm soát, cơ sở y tế các địa phương đẩy mạnh hoạt động khám, tư vấn, điều trị bệnh không lây nhiễm (BKLN) tại cơ sở. Điều này giúp bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, đi lại khó khăn có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm chi phí điều trị cũng như giảm các biến chứng do BKLN mang lại.

Người dân đến khám bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.  Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân đến khám bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Ảnh: PHAN CHUNG

Trạm Y tế xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) vừa tái khởi động khám, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân mắc các BKLN trên địa bàn. Theo thống kê bước đầu, hiện số bệnh nhân đăng ký khám, điều trị BKLN mỗi tháng lên đến 120 trường hợp, trong đó tập trung chủ yếu là bệnh nhân bị tăng huyết áp và đái tháo đường. Ông Trần Văn H. (65 tuổi, trú thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến) là một trong những bệnh nhân đăng ký điều trị BKLN tại cơ sở này. Ông H. có tiền sử bị cao huyết áp.

Tuy nhiên, 2 năm qua, tình hình Covid-19 phức tạp nên việc khám, điều trị liên tục bị gián đoạn. “Vừa rồi tôi bị lên cơn đau tim phải đưa đi cấp cứu trong đêm. Các bác sĩ bảo đây là biến chứng của bệnh cao huyết áp ở người già, cần nghỉ ngơi và theo dõi, điều trị bệnh cao huyết áp thường xuyên. Vì thế, khi trạm y tế xã tổ chức chương trình này là tôi đăng ký khám hằng tháng để theo dõi bệnh tình được kịp thời hơn”, ông H. chia sẻ.

Theo y sĩ Đinh Thị Kim Thông, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hòa Tiến, điều trị BKLN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của y tế cơ sở. Tuy nhiên, do Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi nguồn lực đều tập trung cho nhiệm vụ chống dịch, nên hoạt động này bị gián đoạn một thời gian. Sau khi tái khởi động chương trình, rất đông người dân trên địa bàn đồng tình, ủng hộ.

“Hiện nay thuốc đã được cung ứng đầy đủ. Hằng ngày tại trạm đều có bác sĩ tham gia điều trị, ngoài ra thứ 4 mỗi tuần địa phương đều được tăng cường bác sĩ về siêu âm điện tim. Trong trường hợp phát hiện bệnh nhân mắc các BKLN thì chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bệnh viện tuyến trên khám, xét nghiệm tìm nguyên nhân và lấy đó làm cơ sở để cho bệnh nhân trở về điều trị tại địa phương”, y sĩ Thông cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, để tăng cường điều trị BKLN tại cơ sở, đơn vị giao trạm y tế các xã tăng cường công tác tuyên truyền, phát tờ rơi kết hợp lồng ghép với các cuộc họp tổ, thôn. Ngoài ra, các cộng tác viên y tế thôn cũng tăng cường giám sát địa bàn, tổ chức hướng dẫn, thông báo cho các bệnh nhân, nhóm đối tượng về các chương trình, kế hoạch khám, điều trị BKLN tại các trạm y tế.

“Hiện nay, trung tâm triển khai chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm tại 11 xã, tập trung vào 3 nhóm bệnh gồm nhóm nội khoa có các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường; nhóm hô hấp có Hen-COPD và nhóm tâm thần. Sau thời gian dài gián đoạn vì Covid-19, các hoạt động khám, tư vấn, điều trị BKLN cần được triển khai trở lại vì số lượng mắc các bệnh này không giảm, nếu việc chẩn đoán, phát hiện muộn đồng nghĩa với thời gian, chi phí điều trị sẽ tăng lên”, bác sĩ Vĩnh cho biết.

Việc chủ động trong điều trị BKLN cũng đang triển khai ở nhiều địa phương. Tại quận Hải Châu, nhân viên các trạm y tế phường cũng chủ động khảo sát, thông báo các chương trình khám, điều trị hằng tháng. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận, lợi thế trong việc điều trị BKLN chính là vai trò của các trạm y tế phường đã phát huy hơn trước, có kinh nghiệm kết nối cộng đồng sau thời gian phối hợp phòng, chống Covid-19. “Điều này sẽ giúp người bệnh sớm phát hiện các BKLN và biến chứng đi kèm. Việc phát hiện sớm và đưa vào quản lý điều trị sẽ giúp người bệnh giảm thời gian, chi phí điều trị và hạn chế tối đa các biến chứng”, bác sĩ Phương nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng khoa Phòng, chống BKLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, sau khi Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động phòng, chống BKLN được đẩy mạnh hướng tới mục tiêu tăng cường phát hiện sớm và can thiệp nhằm làm giảm thiểu sự tiến triển của các BKLN như tăng huyết áp, đái tháo đường và các biến chứng trong cộng đồng; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống các bệnh này.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố dự kiến lập hồ sơ quản lý theo dõi hơn 22.000 lượt người được xét nghiệm, quản lý, khám sàng lọc phát hiện sớm khoảng 4.000 người mắc BKLN. “Để phòng, chống các BKLN, người dân cần thay đổi lối sống như tăng cường các hoạt động thể lực, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý; không sử dụng rượu, bia và thuốc lá. Ngoài ra, người bệnh và người nhà nên chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe để được hướng dẫn cách tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh, giúp bệnh nhân điều trị kịp thời, hiệu quả hơn”, bác sĩ Ánh cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.