Y tế - Sức khỏe
Ngày 23-11: Cả nước ghi nhận 546 ca mắc Covid-19, tăng hơn 200 ca
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 23-11 có 546 ca mắc Covid-19, tăng hơn 200 ca so với ngày 22-11; tiếp tục không ghi nhận bệnh nhân tử vong.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh minh họa: TTXVN |
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.512.684 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.344 ca mắc).
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (cdc.kcb.vn) cho thấy, ngày 23-11 đã có 179 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.607.345 trường hợp. 55 ca đang thở ô xy, trong đó 48 ca thở ô xy qua mặt nạ; ba ca thở ô xy dòng cao HFNC; một ca thở máy không xâm lấn; ba ca thở máy xâm lấn.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.169 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc. Tuần qua không có ca tử vong.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Ngày 22-11 đã có 127.869 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 263.498.238 liều; trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.527.452 liều: mũi 1 là 71.076.699 liều; mũi 2 là 68.678.027 liều; mũi bổ sung là 14.499.790 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 51.460.483 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 16.812.453 liều.
Tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 23.652.381 liều: mũi 1 là 9.122.504 liều; mũi 2 là 8.927.294 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 5.602.583 liều.
Tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là 17.318.405 liều: mũi 1 là 10.024.202 liều; mũi 2 là 7.294.203 liều.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá và Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp.
Theo đó, các mặt hàng thuốc đưa vào danh mục thuốc đấu thầu phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Thuốc thuộc các danh mục do Bộ Y tế ban hành bao gồm: Danh mục thuốc hóa dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế; Danh mục thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế;
Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam; Thuốc trong các danh mục là thuốc hóa dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, trừ thuốc quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 70 Luật dược; Thuốc được mua để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia phải đáp ứng một trong các tiêu chí: Thuốc sử dụng cho các chương trình, dự án, đơn vị cấp quốc gia;
Thuốc đáp ứng tất cả các tiêu chí sau: Thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu và không thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; Thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước; Thuốc đã có ít nhất đồng thời từ 3 giấy đăng ký lưu hành của ít nhất 3 cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chí kỹ thuật quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 15/2019/TT-BYT.
Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương phải đáp ứng tất cả các tiêu chí: Thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu và không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; Thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành; Thuốc có từ 03 (ba) giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất; Thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố; Thuốc được sử dụng ở nhiều cơ sở, tuyến điều trị tại địa phương...
Theo Baotintuc.vn