Ngành y tế vẫn gặp khó

.

Ngày 5-11-2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong ngành y tế, nhằm bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương, ngành y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn chưa tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tiếp tục xảy ra.

Những khó khăn trong đấu thầu trang thiết bị, sinh phẩm và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khiến các cơ sở y tế gặp khó trong hoạt động chuyên môn.  Trong ảnh: Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Những khó khăn trong đấu thầu trang thiết bị, sinh phẩm và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khiến các cơ sở y tế gặp khó trong hoạt động chuyên môn. TRONG ẢNH: Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Mặc dù đã chủ động chuẩn bị từ trước nhưng hiện nay Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vẫn rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu thuốc điều trị cục bộ ở một số khoa, phòng, chuyên môn. Một số máy CT phải dừng hoạt động do hệ thống đèn chiếu bị hỏng cần thay nhưng lại không tìm được nhà thầu. Các máy chụp cộng hưởng từ (MRI) đã đến kỳ bảo trì, bảo dưỡng nhưng không ký được hợp đồng với các công ty bảo trì, bảo dưỡng do vướng mắc về quy định giá.

Bác sĩ Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, hiện nay công tác mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, sinh phẩm vẫn tiếp tục gặp khó, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là quy định về việc cung cấp 3 báo giá đối với những sản phẩm cần mua sắm, đấu thầu.

“Có những thiết bị, thuốc mang tính đặc thù và phân phối độc quyền cấp quốc gia, việc lựa chọn 3 báo giá là điều rất khó. Mỗi lần làm hồ sơ rất mất thời gian, bởi theo quy định sau 2 tháng nếu không có đơn vị tham gia đấu thầu thì hồ sơ lại phải tiếp tục làm lại”, bác sĩ Quý cho biết. Không chỉ khó khăn trong việc mua sắm những trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm mang tính đặc thù mà những hàng hóa thông thường cũng gặp khó do quy định về giá, các dịch vụ vệ sinh, nhu yếu phẩm phục vụ bệnh viện cũng không ký kết hợp đồng được.

Bên cạnh khó khăn về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cũng gặp khó khăn do quy định. Hiện Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chi vượt mức chi phí KCB BHYT năm 2021 so với năm 2020 gần 20 tỷ nhưng không được thanh toán. Trong khi đó, tại Bệnh viện Đà Nẵng, số tiền chi cho KCB BHYT vượt so với năm 2020 là trên 80 tỷ đồng. Đây là quy định được nêu rõ tại Khoản 3, Nghị quyết số144/NQ-CP về việc thanh toán chi phí KCB BHYT là “cho phép thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021 bằng chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan BHXH giám định theo quy định”.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, thực tế tại Đà Nẵng, Covid-19 đã bùng phát từ năm 2020 với 2 đợt. Trong đó đợt 2 vào tháng 7-2020 khiến hoạt động của Bệnh viện Đà Nẵng bị gián đoạn và dừng một thời gian dài. Điều này khiến số lượng bệnh nhân đến KCB cũng giảm đáng kể. Tổng mức thanh toán cho chi phí KCB BHYT giảm rất nhiều so với lúc bệnh viện hoạt động bình thường. “Đó là lý do chi phí KCB BHYT năm 2021 cao hơn năm 2020 trên 80 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ Y tế cần xem xét để được thanh toán chi phí KCB năm 2020 theo cơ chế đặc thù, không áp dụng tổng mức thanh toán như năm 2021”, bác sĩ Nhân kiến nghị.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, trước những phản ánh của các cơ sở y tế trong hoạt động mua sắm, đấu thầu và thanh toán chi phí KCB BHYT, Sở Y tế vừa có công văn khẩn gửi Vụ Pháp chế, Bộ Y tế về việc thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ và những vướng mắc liên quan. Liên quan đến thanh toán chi phí KCB BHYT, việc thanh toán theo thời gian thực hiện của hợp đồng cung cấp hóa chất, vật tư ký sau ngày 5-11-2022 (ngày ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP) khiến các cơ sở y tế gặp khó.

“Các hệ thống máy xét nghiệm tại các bệnh viện phần lớn là máy đặt của các công ty trúng thầu hóa chất và một số máy được cho tặng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để xin xác lập sở hữu toàn dân. Hiện các bệnh viện đang gặp khó khăn rất lớn trong việc duy trì hoạt động xét nghiệm vì lo ngại cơ quan BHXH từ chối thanh toán tất cả các dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng thực hiện bằng máy của các nhà thầu tặng, cho mượn sau khi trúng thầu hóa chất, vật tư theo kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó”, bác sĩ Thủy cho biết.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 144/NQ-CP cũng giao các Bộ Y tế, Kế hoạch đầu tư, Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mua sắm, đấu thầu, sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị để tháo gỡ, xử lý nhanh nhất các vướng mắc. Tuy nhiên, trên thực tế những nội dung này vẫn chưa được các bộ, ngành phối hợp triển khai nên công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị tại các cơ sở y tế vẫn không thực hiện được.

“Từ những khó khăn, vướng mắc trên, Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế kéo dài thời gian thực hiện chi phí thanh toán KCB BHYT thực hiện trên các máy tặng, cho mượn đến hết ngày 5-11-2023. Ban hành hướng dẫn cụ thể việc thuê, mua máy móc, thiết bị xét nghiệm để tránh tình huống chỉ định thầu hóa chất. Ngoài ra, BHXH cần thanh toán chi phí KCB năm 2020 theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng Covid-19 mà không áp dụng tổng mức thanh toán như của năm 2021 theo quy định tại khoản 3, Nghị quyết 144/NQ-CP”, bác sĩ Thủy đề xuất.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.