Y tế - Sức khỏe

Mọi phương án sắp xếp lại bệnh viện phải tính đến lợi ích của dân

07:41, 02/06/2023 (GMT+7)

Mọi phương án tổ chức, sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải phù hợp với thực tiễn, quan tâm đến lợi ích của người dân, đặc biệt là người bệnh. Không cắt giảm, sắp xếp máy móc, cơ học. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương về sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, chiều 1-6, tại Trụ sở Chính phủ.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Có tiêu chí rõ ràng

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải thực hiện đúng và nghiêm túc tinh thần các chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện mà chuyển dần về địa phương quản lý. Bộ Y tế chỉ chủ quản một số bệnh viện đầu ngành.

Phó Thủ tướng nêu rõ, việc tách bạch hoạt động quản lý nhà nước và quản trị đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành Y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Do đó, Bộ Y tế tập trung nguồn lực để nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách quản lý đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần có quan điểm mới trong thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bảo đảm cân bằng giữa Trung ương và địa phương; đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa tại những khu vực có điều kiện thuận lợi để dành nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho các vùng còn khó khăn về y tế; phát triển các chuyên ngành phù hợp với mô hình bệnh tật hiện nay…

Vì vậy, việc sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải có tiêu chí khoa học, rõ ràng; đồng thời, bảo đảm mục tiêu, sau khi sắp xếp, các bệnh viện phát triển mạnh, bộ máy tổ chức khoa học và năng lực kết nối theo chuỗi, theo tuyến tốt hơn.

Yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện đề án, Phó Thủ tướng lưu ý, cần làm rõ tiêu chí xác định bệnh viện đầu ngành như cơ chế đầu tư, cơ sở vật chất, nhân lực, năng lực nghiên cứu kỹ thuật, phác đồ điều trị mới, khả năng hỗ trợ cho các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến dưới…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đánh giá khả năng tương thích, cơ chế vận hành của các bệnh viện sau khi sắp xếp; tính phù hợp với điều kiện thực tiễn; tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia làm tốt công tác xã hội hóa y tế…

Bộ Y tế đề xuất tiếp tục quản lý 30 bệnh viện

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc. Việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức của các đơn vị trong lĩnh vực khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là hết sức cần thiết.

Năm 2020, Bộ Y tế có 83 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, đã sắp xếp giảm được 3 đơn vị, hiện còn 80 đơn vị đóng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong tổng số các đơn vị trực thuộc, có 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế (không bao gồm các bệnh viện trực thuộc các trường đại học). Cụ thể, theo hạng, có 5 bệnh viện hạng đặc biệt, 28 bệnh viện hạng I, 1 bệnh viện hạng II (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam).

Theo tự chủ, có 23 bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2); 10 bệnh viện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 1 bệnh viện ngân sách bảo đảm chi thường xuyên (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1). Theo nhóm chức năng, nhiệm vụ, có 9 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chăm sóc sức khỏe cán bộ, 22 bệnh viện chuyên khoa.

Đề án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đề ra mục tiêu cụ thể, đưa ra phương án, tiêu chí để lựa chọn đối tượng phải sắp xếp trên nguyên tắc: Bộ chỉ giữ lại các đơn vị có tiêu chí là bệnh viện đầu ngành; thực hiện khám, chữa bệnh vùng; phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu, bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận cơ sở khám, chữa bệnh thuận lợi về địa lý. Việc sắp xếp lại vẫn phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Một số bệnh viện chuyên khoa hiện tại chưa đạt tiêu chí của bệnh viện đầu ngành nhưng thuộc một số lĩnh vực chuyên khoa, cần được tiếp tục đầu tư về nguồn lực để phát triển kỹ thuật chuyên khoa, chuyên sâu nhằm đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật với các bệnh không lây nhiễm, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, sẽ tiếp tục là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Việc sắp xếp, tổ chức lại bệnh viện thuộc Bộ Y tế theo hướng giảm đầu mối quản lý trực tiếp, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, cuộc làm việc với các đơn vị liên quan, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục quản lý trực tiếp 30 bệnh viện. Còn, Bệnh viện 74 Trung ương (trụ sở tại Vĩnh Phúc) chuyển giao nguyên trạng về UBND tỉnh Vĩnh Phúc quản lý; Bệnh viện 71 Trung ương (trụ sở ở Thanh Hóa), Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương (tại Thanh Hóa) tổ chức lại thành bệnh viện thực hành của trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tổ chức lại thành cơ sở 3 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.

Theo TTXVN

.