Y tế - Sức khỏe
Hơn 70% dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi đều do lây truyền từ động vật sang người
Hơn 70% dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người...
Đây là thông tin được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 27-3, tại Hà Nội.
Cán bộ CDC Khánh Hòa tiến hành tiêu độc, khử trùng phòng, chống các dịch bệnh lây nhiễm qua người. Ảnh tư liệu: Phan Sáu/TTXVN |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, hai thập kỷ qua, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tác động lớn đến kinh tế-xã hội của các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển. Phần lớn trong số đó là bệnh lây truyền từ động vật sang người như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A/H5N1, đại dịch cúm A/H1N1, MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là Covid-19.
Ở trong nước, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã và đang lưu hành, có tác động lớn đến sức khỏe người dân như bệnh dại, cúm A/H5N1, liên cầu lợn ở người, bệnh than, bệnh Leptospira (bệnh xoắn khuẩn vàng da).
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, do nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật, nên để phòng, chống và kiểm soát các bệnh này cần sự phối hợp liên ngành chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền.
Đồng chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời tiết diễn biến thất thường, trong khi đó đường biên giới dài, giao lưu thương mại, thói quen giết mổ nhỏ lẻ... là những yếu tố nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát.
"Chỉ từ đầu năm đến nay đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Đây là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2024. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo chỉ đạt khoảng 30%; chó, mèo cơ bản không đeo rọ khi ra đường", ông Phùng Đức Tiến thông tin.
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc này", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu.
Từ năm 2013, sự phối hợp liên ngành Y tế - Thú y đã có bước tiến mới thông qua việc ban hành và thực hiện Thông tư liên tịch Y tế - Nông nghiệp số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013 về hướng dẫn phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Những năm qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Nông nghiệp cùng sự tham gia của các cấp chính quyền, các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên đến nay, một số dịch bệnh đã gia tăng trở lại. Trong đó, cúm gia cầm sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm trên người, từ năm 2022 đến nay đã ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong (tháng 3-2024). Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Ngoài ra, bệnh dại luôn ghi nhận số tử vong cao (100% số mắc là tử vong). Năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong, riêng 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 27 ca tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm trước (đương tương khoảng 170%). Thêm vào đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là trọng điểm về bệnh dại; trong đó, miền Trung ghi nhận 10 ca tử vong (cao nhất cả nước).
Tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ về tình hình dịch bệnh tại địa phương, những khó khăn, thách thức và giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, chủ động triển khai biện pháp khống chế dịch bệnh.
Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đối với việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Theo baotintuc.vn