Y tế - Sức khỏe

Gỡ khó trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

08:15, 16/05/2024 (GMT+7)

HĐND thành phố vừa tổ chức các đoàn giám sát làm việc với ngành y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố để lắng nghe, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Người dân làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG

Bài 1: Vướng mắc trong thanh, quyết toán bảo hiểm y tế

Khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) là nguồn kinh phí chính để duy trì hoạt động của các cơ sở y tế, nhất là những đơn vị tự chủ tài chính. Những bất cập, thiếu đồng nhất trong chính sách đã gây áp lực cho các cơ sở trong việc duy trì hoạt động chuyên môn, giữ chân nguồn nhân lực.

Chậm thanh, quyết toán

Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn là cơ sở y tế tuyến quận, huyện tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng, giảm chờ đợi cho bệnh nhân. Với quy mô 187 giường bệnh thực kê, trong năm 2023 đơn vị tổ chức khám, chữa bệnh BHYT nội trú cho hơn 5.800 lượt bệnh nhân; khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú cho hơn 59.000 lượt người. Tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT hơn 21,3 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, hiện Bảo hiểm xã hội thành phố vẫn cấp tạm ứng kinh phí cho đơn vị theo Điều 32, Luật BHYT. Tuy nhiên, đơn vị phải dựa trên số liệu quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh của BHYT mới xác định doanh thu trong báo cáo tài chính. Trong khi đó, việc quyết toán, thanh toán các khoản kinh phí tồn đọng chậm trễ gây khó khăn cho đơn vị trong việc xác định nguồn thu trong năm tài chính. Hiện nay, còn hơn 1,6 tỷ đồng tiền khám, chữa bệnh BHYT của đơn vị từ những năm 2022 trở về trước chưa được thanh toán.

Tương tự, tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, số tiền BHYT đã được cơ quan chức năng chấp nhận quyết toán, nhưng chưa thanh toán cho đơn vị là hơn 2,2 tỷ đồng. “Nguồn tài chính của bệnh viện phụ thuộc vào nguồn thu từ khám, chữa bệnh BHYT nhưng chưa được thanh quyết toán đầy đủ. Vì vậy, việc cân đối nguồn thu để bảo đảm nhiệm vụ chi gặp nhiều khó khăn, về lâu dài đơn vị sẽ mất cân đối thu - chi và mất khả năng thanh khoản”, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, cho biết.

Là cơ sở y tế hạng 1, thu dung, điều trị số lượng lớn bệnh nhân trong và ngoài địa phương, trong những năm qua, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế về tăng cường phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, tổng chi phí BHYT chưa thanh toán cho đơn vị tính đến thời điểm này hơn 46,4 tỷ đồng. Các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT chậm giải quyết đã dẫn đến khó khăn cho công tác chấn chỉnh thực hiện và kinh phí của đơn vị.

“Các công văn hướng dẫn giải trình vượt trần, vượt quỹ không rõ ràng và không sát thực tế, những nguyên nhân khách quan khác ngoài hướng dẫn của công văn đều không được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp nhận. Bên cạnh đó, giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ, trong khi chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin theo quy định hiện hành là rất lớn. Ngoài ra, một số văn bản pháp quy chậm có hướng dẫn thực hiện trong thực tế gây ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế”, bác sĩ Nhân cho biết.

Các bác sĩ, y tá tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khám, chuyền dịch, thuốc cho bệnh nhi đang điều trị tại đây. Ảnh: PHAN CHUNG
Các bác sĩ, y tá tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khám, chuyền dịch, thuốc cho bệnh nhi đang điều trị tại đây. Ảnh: PHAN CHUNG

Khó khăn đấu thầu, mua sắm

Theo ghi nhận và phản ánh từ nhiều cơ sở y  tế, từ cuối năm 2023 đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại các bệnh viện tăng, sau khi các đơn vị này mua sắm thêm được thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, qua báo cáo tình hình thuốc của một số đơn vị, ngành y tế ghi nhận tình trạng nguy cơ thiếu một số thuốc như: thuốc cấp cứu, thuốc gây nghiện, hướng thần, gây mê, dịch truyền, thuốc cấp phát ngoại trú… Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trong vài tháng tới, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Thực trạng này không chỉ xảy ra trong hệ thống y tế công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân.

“Bệnh viện không tổ chức đấu thầu, vật tư y tế chỉ thực hiện áp thầu của Sở Y tế và các bệnh viện khác nên gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn giao thời giữa hai kỳ đấu thầu. Do thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế nên chi phí BHYT người bệnh thực thanh toán trong đợt điều trị chưa thể hiện đầy đủ phần chi phí khám, chữa bệnh được hưởng BHYT. Điều này gây trở ngại cho việc xây dựng dự toán chi, định mức xuất toán ở năm kế tiếp”, giám đốc một bệnh viện tư nhân chia sẻ.

Việc mua sắm, đấu thầu hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh do các đơn vị tự tổ chức mua sắm theo tinh thần Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 18-2-2022 của HĐND thành phố. Tính đến hết quý 1-2024, tổng giá trị gói thầu đạt hơn 166 tỷ đồng với hơn 1.600 mặt hàng, trong đó tỷ lệ trúng thầu hơn 135 tỷ đồng (đạt 81,5%) với hơn 1.200 mặt hàng (đạt hơn 75%). Tuy nhiên, theo Sở Y tế, từ ngày 1-1-2024, công tác đấu thầu, mua sắm, lựa chọn nhà thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 23-6-2023 cùng các nghị quyết, thông tư liên quan. Do đó, các đơn vị còn đang lúng túng trong việc áp dụng những quy định mới trong công tác đấu thầu, mua sắm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, một số nội dung đấu thầu mua sắm chưa được hướng dẫn cụ thể. Công tác mua sắm theo phân cấp khiến một số đơn vị y tế gặp khó khăn khi đấu thầu với một số vật tư y tế, hóa chất sử dụng ít do nhà thầu không tham dự. Ngoài ra, việc xây dựng giá gặp khó khăn do có nhiều nhà thầu không tham gia báo giá, không có giá trúng thầu để tham khảo dẫn đến mất nhiều thời gian để thực hiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

“Sở Y tế đang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí tổ chức các lớp tập huấn các văn bản mới liên quan công tác mua sắm, đấu thầu dành cho các đơn vị trực thuộc sở. Từ đó giúp các đơn vị hiểu rõ, thực hiện đúng các quy định mới về đấu thầu, giúp triển khai mua sắm, thuê hàng hóa, thuốc, hóa chất, vật tư…đúng quy định và có kiến nghị, đề xuất điều chỉnh phù hợp với thực tiễn”, bác sĩ Thủy cho biết.

PHAN CHUNG

.