Y tế - Sức khỏe

Phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường

07:54, 30/08/2024 (GMT+7)

Trước thềm năm học mới kết hợp với thời tiết giao mùa, các bệnh truyền nhiễm đối với trẻ em, học sinh có nguy cơ gia tăng. UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần thiết, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh mùa tựu trường.

Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) tổ chức tập huấn bệnh bạch hầu cho giáo viên, nhân viên, phụ huynh trong tháng 8. Ảnh: NGỌC HÀ
Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) tổ chức tập huấn bệnh bạch hầu cho giáo viên, nhân viên, phụ huynh trong tháng 8. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến thời điểm này nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng nhanh chóng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Trên địa bàn thành phố, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận một số trường hợp mắc sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thực tế này không loại trừ khả năng các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát trong mùa tựu trường nếu như không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trước thềm năm học mới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã tích cực triển khai các biện pháp cần thiết. Tại Trường Mầm non Bình Minh (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), các phòng học, hành lang, sân chơi và nhà vệ sinh đều được tổng dọn vệ sinh kỹ lưỡng. Đồng thời, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn của trẻ cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh việc vệ sinh, nhà trường cũng tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp; các khuôn viên cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, các bồn hoa được chăm sóc kỹ lưỡng, tạo không gian xanh mát, thân thiện cho trẻ.

Cô Lương Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh được nhà trường thực hiện xuyên suốt trong năm học. Bên cạnh hướng dẫn chuyên môn của trạm y tế phường cho nhân viên y tế và giáo viên nhà trường trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng, bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin, nhà trường chủ động truyền thông trong giáo viên. Nhân viên y tế nhà trường cũng hướng dẫn giáo viên nắm được triệu chứng các loại bệnh, nguyên nhân lây nhiễm; giáo viên thường xuyên nhắc nhở trẻ sử dụng đúng đồ dùng cá nhân của mình như cốc uống nước, khăn lau mặt…

Tương tự, thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu) cho hay, từ giữa tháng 8, nhà trường đã vệ sinh trường lớp, tỉa cây xanh, phát quang cỏ dại, khơi thông hệ thống cống, rãnh… “Khu vực này muỗi nhiều, trước kỳ nghỉ lễ, nhà trường tiến hành phun thuốc, khử khuẩn và tổng dọn vệ sinh lần nữa để học sinh quay lại trường cho ngày chuẩn bị khai giảng. Trong tuần học đầu tiên, nhà trường sẽ lồng ghép tuyên truyền dưới cờ về cách phòng, chống một số dịch bệnh phổ biến; đặc biệt quan tâm, hướng dẫn học sinh lớp 1 rửa tay, vệ sinh sạch sẽ”, thầy Hỷ chia sẻ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị, trường học chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh khi bước vào năm học mới; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học; tổ chức định kỳ tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại trường học.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện nay vẫn đang kiểm soát tốt, chưa có dấu hiệu bùng phát. Tuy nhiên, các đơn vị, địa phương và người dân không lơ là, chủ quan, cần tích cực, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần thiết.

“Công tác dự phòng vẫn luôn được triển khai thường xuyên, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phân tích, đánh giá tình hình tại các địa phương để tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, dại, ho gà được đẩy mạnh tại các địa phương và phối hợp tổ chức tại các trường học. Về phía nhà trường, cần tuân thủ thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành y tế trong phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương chủ động phối hợp trong giám sát các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao, xử lý các ca bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của Bộ Y tế”, bác sĩ Hóa nói.

Để phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường, UBND thành phố đã có công văn giao các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai phòng, chống. Theo đó, Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh theo mùa luôn được chủ động triển khai. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin năm 2023 bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát nếu không kiểm soát tốt. Song song các biện pháp dự phòng, ngành y tế cũng triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo. Ngoài ra, công tác hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị, nhân lực cũng được chuẩn bị kỹ, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định.

PHAN CHUNG - NGỌC HÀ

.