Y tế - Sức khỏe
Thay đổi nhận thức về kiểm soát chất lượng thực phẩm
Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, các đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sản xuất, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Theo cơ quan chức năng, vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, từ nguồn cung, cơ chế kiểm soát, khả năng nhận diện chất lượng thực phẩm… Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cộng đồng là hết sức cần thiết, tạo sự tự giác, chủ động trong việc nâng cao chất lượng thực phẩm, từ chế biến đến tiêu dùng.
Phòng Y tế quận Hải Châu vừa phối hợp với Phòng Kinh tế quận tập huấn về an toàn thực phẩm cho hơn 450 tiểu thương buôn bán tại các chợ trên địa bàn quận. Nội dung tập huấn tập trung quanh các vấn đề điều kiện bảo quản, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn đóng các quầy hàng, thiết bị chứa đựng, bảo quản, sơ chế thực phẩm như thớt, dao, móc thịt, khay, dĩa… theo đúng quy cách an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bà Lê Thị Quỳnh (56 tuổi, trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), tiểu thương buôn bán tại chợ Mới, hằng ngày tiểu thương đều được Ban quản lý chợ kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các vấn đề liên quan an toàn thực phẩm. Việc tham gia các lớp tập huấn này là hết sức cần thiết, giúp tiểu thương hệ thống lại các quy định liên quan, từ đó chủ động, nghiêm túc trong việc chấp hành.
“Tôi đồng tình, ủng hộ việc nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu tất cả mọi người cùng tham gia, chấp hành thì sẽ hình thành một chợ, khu buôn bán an toàn, sạch sẽ, khi đó sẽ thu hút người dân và du khách đến mua sắm, sử dụng dịch vụ”, bà Hoài cho biết.
Theo Phòng Y tế quận Hải Châu, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, hoạt động chính vẫn là tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm. Nội dung tuyên truyền được chuyển tải qua các màn hình led, băng rôn tại cổng trụ sở UBND phường, trạm y tế, chợ và các nhà sinh hoạt cộng đồng; hàng nghìn tờ gấp, tờ rơi được phát cho người tiêu dùng, chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. “Ngoài ra, các phòng, ban, UBND các phường phối hợp lập các đoàn, tổ chức kiểm tra hơn 300 cơ sở, gồm sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Kế hoạch kiểm tra lồng ghép, kết hợp với nhắc nhở, tuyên truyền, những đơn vị vi phạm sẽ xử phạt theo quy định”, bà Phạm Thị Thùy Phương, Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu cho biết.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng được Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố phân công, triển khai chặt chẽ. Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Đội trưởng Đội quản lý An toàn thực phẩm số 1, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết, trong Tháng hành động vừa qua, đội tổ chức thanh tra 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, gồm cơ sở tổ chức bếp ăn tập thể; cơ sở chế biến suất ăn sẵn; căng tin bệnh viện; cửa hàng ăn uống; nhà hàng ăn uống. “Khi kiểm tra, nhiều cơ sở đã vi phạm với các nội dung hết sức cơ bản như khu vực rãnh bếp bị ứ đọng; khu vực chế biến, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt cần tiếp tục đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm”, bà Hồng cho biết.
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, hơn 3.300 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được kiểm tra, giám sát trong thời gian qua, gồm cả 3 tuyến thành phố, quận/huyện và xã/phường. Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt 25 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 121 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là những cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn nhiều hạn chế nên việc tiến hành xử phạt vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
“Lượng hàng hóa nhập về thành phố bằng nhiều con đường khác nhau, đồng thời phương thức kinh doanh thực phẩm đang chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến việc kiểm tra, giám sát còn nhiều khó khăn, bất cập. Chưa kể các quy định pháp luật đối với Ban quản lý An toàn thực phẩm hiện nay chỉ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không có cơ sở pháp lý để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, hành vi đối với chủ các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Bảo đảm an toàn thực phẩm chính là thay đổi những thói quen xấu, không tốt, có nguy cơ gây bệnh trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu dùng”, ông Hải nhấn mạnh.
PHAN CHUNG