Y tế - Sức khỏe
Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh sởi
Trước diễn biến bệnh sởi có dấu hiệu tăng mạnh tại nhiều địa phương, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ngành y tế và các địa phương triển khai các biện pháp cần thiết. Theo đánh giá, bệnh sởi chưa có dấu hiệu bùng phát, tuy nhiên cần chủ động các biện pháp theo hướng dẫn, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, tiêm chủng theo kế hoạch.
Ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi. Ảnh: ĐẠI BÌNH |
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi trên cả nước là hơn 1.700 trường hợp, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong số các địa phương ghi nhận bệnh sởi, có 7 tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao; 7 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao; 9 tỉnh, thành phố có nguy cơ trung bình và 40 tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh, có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết, theo kết quả đánh giá định lượng bộ công cụ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì quy mô toàn thành phố là nguy cơ thấp; năng lực đánh giá và quản lý các đối tượng tiêm chủng, giám sát và phát hiện sớm ca bệnh đều đạt. Tuy nhiên, năng lực đáp ứng nhanh chưa đạt, do hiện nay các thủ tục liên quan đến mua sắm gặp nhiều khó khăn, điều này ảnh hướng đến tính sẵn sàng đáp ứng về số lượng đối với các vật tư, hóa chất phòng, chống dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi gây ra. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp và sau đó lây lan khắp cơ thể, bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban khắp cơ thể. Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh này. “Covid-19 làm ảnh hưởng tới nỗ lực giám sát các bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng nói chung, bệnh sởi nói riêng. Việc gián đoạn cung cấp dịch vụ tiêm chủng và giảm tỷ lệ tiêm chủng dẫn tới nguy cơ cao khả năng bùng phát dịch sởi trên toàn cầu và đặc biệt trẻ em chưa được tiêm chủng có thể mắc bệnh và tử vong. Do đó cần có các biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả ngăn ngừa không để dịch lớn xảy ra. Việc triển khai các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch và tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung vắc-xin sởi, sởi - rubella cho nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ là rất cần thiết”, bác sĩ Hóa nhấn mạnh.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, ngành y tế xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc-xin cho trẻ trong độ tuổi. Các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho tất cả trẻ em thuộc diện cần tiêm chủng. Thực hiện tốt công tác dự trù, sử dụng hiệu quả vắc-xin được phân bổ cũng như tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, không để xảy ra sai sót của cơ sở y tế trong quá trình tiêm chủng, thực hiện tốt công tác giám sát, xử lý kịp thời nếu có các trường hợp phản ứng sau tiêm.
Bác sĩ Hóa cho biết, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh về cách nhận biết và biện pháp phòng chống, các biện pháp nâng cao sức đề kháng cơ thể như ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày. Bảo đảm nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Bên cạnh đó, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Trước diễn biến bệnh sởi phức tạp trên phạm vi cả nước, UBND thành phố vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương chủ động tăng cường, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn thành phố. Sở Y tế và chính quyền địa phương các cấp tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; chủ động phối hợp các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn.
ĐẠI BÌNH