Y tế - Sức khỏe
Chủ động phòng ngừa dịch bệnh mùa mưa, bão
Mùa mưa bão là thời điểm thuận lợi cho các loại dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm giác mạc, tiêu chảy cấp, hô hấp... phát triển. Vì vậy, ngoài sự tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của cơ quan chức năng, người dân cần chủ động phòng ngừa, vệ sinh môi trường để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Ngành y tế thành phố triển khai phun thuốc diệt muỗi, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại quận Liên Chiểu. Ảnh: L.H |
Kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết đã chủ động tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chính quyền địa phương triển khai kế hoạch phòng chống, khắc phục hậu quả bão lụt, không để dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và trang thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch. Sau mỗi đợt mưa lụt xảy ra, ngành y tế chủ động khảo sát thực tế tại các địa điểm, chợ, trường học, khu dân cư bị ngập lụt; tiến hành xử lý môi trường với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó...
Theo bác sĩ Võ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, tình hình ngập lụt thường xảy ra trên địa bàn, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, dự trù đầy đủ hóa chất, phương tiện để kịp thời ứng phó; chỉ đạo trạm y tế 11 xã tham mưu địa phương tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch sau thiên tai, bão, mưa lũ. Cũng như, phối hợp khoa kiểm soát bệnh tật giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch và khoanh vùng xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, phối hợp các trường học theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh lây lan.
“Sau mỗi đợt mưa lụt, ngành y tế huyện ưu tiên xử lý tại các trường học, chợ, nơi công cộng. Đối với những khu vực công cộng, trường học, chợ thì phun khử khuẩn bằng Chloramin B. Riêng đối với hộ gia đình, đặc biệt là những nơi còn sử dụng nguồn nước giếng, nhân viên y tế cấp phát viên khử trùng Aquatabs và trực tiếp hướng dẫn người dân xử lý”, bác sĩ Vinh nói.
Quận Liên Chiểu là một trong địa phương có nhiều khu vực thấp trũng và thường bị ngập lụt khi mưa lớn diễn ra. Vì thế, ngành y tế địa phương xem trọng công tác phòng, chống dịch bệnh mùa mưa. Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết, sau những trận mưa lụt, lực lượng y tế địa phương nhanh chóng phối hợp cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai dọn vệ sinh, thu gom rác thải, khai thông cống rãnh, diệt lăng quăng, bọ gậy để ngăn chặn muỗi sinh sôi; đồng thời tập trung nguồn lực để phun hóa chất khử khuẩn, bảo đảm môi trường an toàn cho người dân; tích cực triển khai giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ...
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC thành phố, các hoạt động tuyên truyền, giám sát và dự phòng liên tục được ngành y tế triển khai, nhất là trong thời điểm mưa bão hiện nay. Cán bộ, nhân viên CDC thành phố chủ động phối hợp các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phân tích, đánh giá tình hình tại các địa phương để tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Không chủ quan với dịch bệnh
Theo CDC thành phố, từ ngày 28-10 đến 3-11, toàn thành phố ghi nhận 58 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 21 ca so với tuần trước); cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 1.938 ca (cùng kỳ năm 2023 là 2.558 ca). Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 13 ca (giảm 12 ca so với tuần trước); cộng dồn từ đầu năm đến nay ghi nhận 974 ca (cùng kỳ năm 2023 là 1.245 ca). Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, đến thời điểm hiện, các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình của 5 năm trước. Tuy nhiên, đây là thời điểm mùa mưa, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi.
Nhận thấy mối nguy hiểm từ việc muỗi có dấu hiệu sinh sôi, phát triển sau mưa lụt, bà Nguyễn Thị Hoa (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết bằng nhiều biện pháp. Ngoài việc khai thông cống rãnh, dọn dẹp các chai lọ, chum chậu trữ nước để cắt đứt sự phát triển của bọ gậy, lăng quăng, bà nhắc nhở các thành viên trong gia đình mắc màn trước khi ngủ, dùng tinh dầu sả đuổi muỗi…
Theo Trạm Y tế xã Hòa Khương, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống các loại dịch bệnh, đơn vị còn phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng trong việc giám sát bệnh tại cộng đồng, vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể.
Theo bác sĩ Võ Quang Vinh, người dân ở huyện Hòa Vang cần chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bằng cách lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chính và nước đun sôi; vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lâu khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiểm bẩn. Diệt lăng quăng, bọ gây, muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn…Bên cạnh đó, thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại cơ sở y tế gần nhất.
LÊ HÙNG