Y tế - Sức khỏe

Bộ Y tế cảnh báo khi dịch sởi gia tăng, tỉ lệ tiêm chủng thấp

08:26, 23/12/2024 (GMT+7)

Nhiều trường hợp mắc sởi phải nhập viện do các biến chứng nghiêm trọng, phần lớn đều chưa được tiêm vaccine phòng ngừa. Đáng chú ý, trong số này có không ít phụ huynh thuộc nhóm “anti vaccine” (phản đối tiêm chủng). Bộ Y tế cảnh báo, dịch sởi có thể diễn biến phức tạp hơn do chu kỳ dịch bệnh và tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Việc nhiều gia đình không cho trẻ tiêm vaccine có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Hải Nguyễn
Việc nhiều gia đình không cho trẻ tiêm vaccine có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều ca mắc sởi nặng, còn tình trạng từ chối tiêm vaccine

Sản phụ N.Y.V (27 tuổi, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) mang thai ở tuần thứ 26 thì mắc bệnh sởi. Ban đầu, các triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi, khiến sản phụ nghĩ mình chỉ mắc bệnh thông thường nên ở nhà tự theo dõi. 4 ngày sau, khi cơ thể bắt đầu xuất hiện những nốt ban đỏ, sản phụ mới nhập viện. Tuy nhiên, lúc này bệnh nhân đã bị biến chứng viêm phổi, phải can thiệp thở máy.

Từ tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu tiếp nhận các trường hợp người lớn mắc sởi. Gần 1 tháng trở lại đây, số ca mắc sởi ngày càng tăng. Hiện bệnh viện điều trị cho hơn 900 bệnh nhân sởi, trong đó người lớn chiếm khoảng 75%.

BS.CKII Trương Thị Hồng Lan, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng nặng, cần thở ôxy. Bệnh sởi, dù ở người lớn hay trẻ em, đều lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, tiếp xúc với dịch tiết. Vì vậy, việc phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đặc biệt tiêm phòng vaccine rất quan trọng. Hiện nay, nhiều người lớn thường không rõ hoặc quên tiền sử tiêm vaccine của mình. Do đó, điều cần thiết là tiêm phòng vaccine sởi ít nhất một mũi để giảm nguy cơ mắc bệnh trong giai đoạn dịch bùng phát.

Chưa từng được tiêm vaccine phòng sởi, bệnh nhi 4 tuổi (nam, TP. Hồ Chí Minh) nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) trong tình trạng ho nhiều không đỡ với chẩn đoán biến chứng viêm phổi do sởi.

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, đây không phải là ca bệnh duy nhất có phụ huynh phản đối tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Tại khoa, hầu hết bệnh nhi đều chưa tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ 2 mũi.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh có quan niệm phản đối vaccine vì sợ con xuất hiện tác dụng phụ sau tiêm như tự kỷ. Một số phụ huynh, đặc biệt ở các vùng quê, còn có quan niệm sai lầm sởi là bệnh nhẹ, không cần phải tiêm phòng.

Bác sĩ Võ Thành Luân - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhiễm và Covid-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho hay, đơn vị tiếp nhận nhiều trẻ mắc sởi phải điều trị tích cực, thậm chí, có trường hợp nặng cần phải thở máy hoặc lọc máu. Qua khai thác lịch sử tiêm chủng, hầu hết trẻ nhập viện với các biến chứng của sởi đều không được tiêm vaccine. Đơn vị chưa ghi nhận trường hợp mắc sởi và nhập viện do biến chứng nặng mà đã tiêm đầy đủ vaccine phòng sởi.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), trong tuần 50 (9 - 15.12), thành phố ghi nhận 373 ca sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 50 là 3.189 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.

Nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm vaccine

TS.BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, trong 2 năm đại dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng giảm mạnh, thời gian qua lại thiếu vaccine sởi - rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vì vậy, tỉ lệ tiêm chủng đạt thấp, dẫn tới miễn dịch cộng đồng thấp và khi có dịch thì dễ bùng lên. Bộ Y tế đã có chiến dịch rà soát, tổ chức tiêm bù, vét vaccine cho trẻ chưa được tiêm phòng sởi. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, dù 90% trẻ đã tiêm vaccine sởi nhưng vẫn có 10% chưa tiêm, 1 năm có 170.000 trẻ không được tiêm, 5 năm gần 1 triệu trẻ chưa tiêm. Con số này là rất lớn nếu có nguồn lây thì sẽ bùng phát dịch.

"Quan trọng nhất phải tiêm cho đối tượng nào chưa được tiêm sởi thì mới mong phòng được bệnh. Bên cạnh đó, người lớn chưa tiêm vaccine phòng sởi, chưa mắc sởi cũng phải đi tiêm” - PGS Phu nhấn mạnh.

PGS Phu cho biết, việc nhiều gia đình không cho trẻ tiêm vaccine có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Nhờ có vaccine, chúng ta đã loại trừ được nhiều bệnh như đậu mùa, bại liệt và uốn ván. Các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã giảm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần số ca mắc. Tuy nhiên, việc thiếu hoặc không tiêm đầy đủ vaccine có thể khiến dịch bệnh bùng phát, như viêm não Nhật Bản B, bệnh sởi và nhiều bệnh khác. Vì vậy, việc tiêm đủ các loại vaccine theo khuyến cáo, đúng lịch và đủ liều là rất quan trọng.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 ca nghi sởi, trong đó gần 5.000 ca dương tính và 5 ca tử vong (TP. Hồ Chí Minh 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi nơi 1 ca). So với cùng kỳ 2023, số ca nghi sởi tăng 52,9 lần, ca dương tính tăng 111 lần. Đặc biệt, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh. Các địa phương có số ca sởi cao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Theo laodong.vn

.