Y tế - Sức khỏe
Chủ động kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh cúm mùa
Trước tình hình dịch bệnh cúm mùa đang bùng phát tại một số quốc gia trên thế giới, ngành y tế thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế.
![]() |
Phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: LÊ HÙNG |
Không chủ quan, lơ là
Theo Sở Y tế, tình hình bệnh cúm tại Đà Nẵng đang ghi nhận ở mức bình thường so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, tháng 11 và 12-2024, ghi nhận 185 trường hợp cúm mùa điều trị nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh (trong tổng số 989 trường hợp của cả năm 2024, chiếm tỷ lệ 18,7%); tháng 1-2025, ghi nhận 122 trường hợp cúm mùa điều trị nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh; trong đó có 1 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi-rút (kết quả xét nghiệm âm tính với cúm A, cúm B).
Bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để tăng cường hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch cúm mùa và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố chủ động giám sát, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp và các bệnh truyền nhiễm khác.
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC thành phố, đơn vị tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để thực hiện hiệu quả công tác kiểm dịch y tế quốc tế theo quy định. Triển khai giám sát SVP (viêm phổi nặng do vi-rút), ILI (hội chứng cúm), SARI (nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng) tại cơ sở y tế, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gen để xác định các chủng cúm đang lưu hành, phát hiện sớm các chủng vi-rút nguy hiểm và các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng các loại vắc-xin cúm, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính…
Bà Phạm Thị Phương (65 tuổi, quận Sơn Trà) cho biết: “Từ sau Tết Ất Tỵ 2025, nghe tin về dịch cúm nên lo lắng, tôi động viên người thân nên đi tiêm vắc-xin cúm hằng năm”. Bà Trần Thị Cúc (67 tuổi, quận Hải Châu) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng tiêm phòng cúm. Tôi đã tiêm cách đây 10 tháng, nhưng nghe đợt này có dịch cúm A, nhiều người bị nặng nên tôi đi sớm hơn, đề phòng miễn dịch giảm”.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Cũng như, chủ động bảo đảm cơ số thuốc, vật tư, máy móc, hóa chất… phục vụ công tác khám bệnh, điều trị cho người dân trên địa bàn và bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn, phong tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định.
Phòng, chống dịch bệnh tại trường học
Cùng với ngành y tế, các trường học trên địa bàn thành phố tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm mùa, bảo vệ an toàn cho trẻ. Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) xây dựng và thực hiện hiệu quả phương án phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ về mọi mặt. Tại các nhóm, lớp, giáo viên chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự phục vụ, tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe; lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe.
Cô Lương Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hằng ngày nhà trường tổ chức vệ sinh môi trường phòng học, lau chùi bàn ghế trước khi đón trẻ. Đặc biệt, mỗi buổi sáng, y tế học đường tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên và trẻ các biện pháp phòng, chống dịch; vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Bên cạnh đó, nhà trường và giáo viên còn gửi các nội dung phòng, chống dịch bệnh vào các nhóm zalo của lớp để phụ huynh chủ động thực hiện đối với con em mình.
Theo cô Lương Thị Thủy Chung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương (quận Liên Chiểu), trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm mùa, nhà trường chủ động triển khai các biện pháp chuyên môn theo khuyến cáo của ngành y tế, như: thực hiện công tác vệ sinh môi trường, đồ dùng, đồ chơi trong và ngoài lớp học; thường xuyên lau chùi các bề mặt như sàn nhà, bàn, ghế, tủ, kệ… bằng dung dịch Cloramin B nhằm ngăn chặn các nguồn bệnh từ bên ngoài. Cùng với đó, nhà trường tổ chức kiểm tra thân nhiệt khi trẻ đến trường; tích hợp cách phòng, chống dịch cúm trong các hoạt động giáo dục.
“Nhà trường chỉ đạo giáo viên tuyên truyền đến phụ huynh một số lưu ý để phối hợp với nhà trường trong công tác phòng, chống dịch cúm cho trẻ như: thực hiện thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn), chủ động kiểm tra và đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin cúm; hướng dẫn trẻ thói quen che miệng khi ho, hắt hơi; cho trẻ nghỉ học, đưa trẻ đến cơ sở y tế và thông báo cho nhà trường khi trẻ có các dấu hiệu sốt cao, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi; không tự ý sử dụng thuốc hoặc điều trị tại nhà”, cô Chung cho biết.
Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút cúm gây ra, lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp. Người mắc cúm mùa thường có các triệu chứng như: sốt cao đột ngột; đau đầu, đau cơ, mệt mỏi; ho, đau họng, chảy nước mũi; ớn lạnh, đổ mồ hôi; buồn nôn, nôn mửa. Các biện pháp phòng, chống dịch cúm mùa: tiêm phòng cúm hằng năm; giữ gìn vệ sinh cá nhân; đeo khẩu trang nơi đông người; giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh; tăng cường sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử lý kịp thời. |
LÊ HÙNG