Đà Nẵng - Phần Lan hợp tác xây dựng thành phố thông minh

.

Chiều 21-3, UBND thành phố phối hợp với Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan tổ chức hội thảo “Hợp tác phát triển thành phố thông minh và đổi mới sáng tạo”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tham dự.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, hội thảo là một hoạt động ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam - Phần Lan kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018); giúp tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trên lĩnh vực phát triển thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho hay, kể từ năm 2014, UBND thành phố đã phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh hơn trên 5 lĩnh vực: giao thông, cấp nước, thoát nước, an toàn vệ sinh thực phẩm và kết nối. Đặc biệt, mô hình chính quyền điện tử của Đà Nẵng đã nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý, tăng cường thông tin cho người dân, doanh nghiệp và đã được nhân rộng cho nhiều địa phương khác trên cả nước.

Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng đã được chọn tham gia Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) giai đoạn 1 và 2.

Tham tán - Trưởng bộ phận Phát triển Đại sứ quán Phần Lan Marko Saarinen nhìn nhận, Đà Nẵng là thành phố năng động, phát triển và là một trung tâm quan trọng của khu vực miền Trung. Ông khẳng định các đối tác Phần Lan rất quan tâm việc hợp tác với Đà Nẵng, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh và đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, dựa trên quyết định của UBND thành phố về khung kiến trúc thành phố thông minh vừa được ban hành vào giữa tháng 1 vừa qua, Đà Nẵng sẽ có những bước đi đầu tiên trong việc triển khai thành phố thông minh, dựa trên các kết quả thí điểm trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, quá trình xây dựng thành phố thông minh gồm 5 cấp độ: kết nối; giám sát; lưu trữ; xử lý - phân tích; điều khiển và tự động hóa một số quá trình quản lý. Thời gian tới, thành phố tập trung vào 2 cấp độ cuối, trong đó ưu tiên các lĩnh vực chính phủ thông minh, cuộc sống thông minh, môi trường thông minh.

Ông Nguyễn Quang Thanh hy vọng Phần Lan sẽ giới thiệu các mô hình thông minh đã thành công trong thực tế, đặc biệt là mô hình hỗ trợ xử lý, phân tích và đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn. Bên cạnh đó, ông bày tỏ mong muốn các công ty Phần Lan sẽ tham gia đào tạo, chuyển giao các mô hình và ứng dụng thông minh cho các công ty Đà Nẵng.

Tại hội thảo, bà Pipa Turvanen (Công viên Khoa học Turku, thành phố Turku, Phần Lan) giới thiệu khái niệm về hệ thống dữ liệu tuần hoàn - được xem là giải pháp giúp Đà Nẵng triển khai 2 cấp độ cuối trong chương trình thành phố thông minh.

Tại đây, mọi dữ liệu về giao thông, xây dựng, tiêu dùng, thời tiết, năng lượng… của một thành phố sẽ được thu thập, giải quyết, tạo giá trị gia tăng và sử dụng cho việc dự báo, ra quyết định. Ông Marko Saarinen cho biết, trong thời gian tới, các công ty Phần Lan sẽ tiếp tục chia sẻ những giải pháp sáng tạo mà Đà Nẵng đang quan tâm, trong đó có việc xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh khẳng định sẽ tổng hợp các báo cáo, đề xuất từ các chuyên gia Phần Lan để đưa vào tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.