.

Tiệm cầm đồ - nơi "tiếp tay" cho tội phạm

.

Kỳ 1: Muôn nẻo hàng hóa

Máy tính xách tay, máy ảnh, điện thoại di động, đồ trang sức, thậm chí xe máy “không chính chủ”… đều được tội phạm “gửi” tại các tiệm cầm đồ. Sự dễ dãi kèm với công tác quản lý khá lỏng lẻo vô hình trung biến những cơ sở dịch vụ nhạy cảm này thành nơi “tiếp tay” cho tội phạm.

Chỉ có 15-20% tiệm cầm đồ phục vụ cho mục đích chính đáng của người dân (ảnh có tính chất minh họa).
Chỉ có 15-20% tiệm cầm đồ phục vụ cho mục đích chính đáng của người dân (ảnh có tính chất minh họa).

Những năm gần đây, kinh doanh dịch vụ cầm đồ trở thành nghề “thịnh”, bởi lợi nhuận đem lại khá cao. Theo các chủ tiệm cầm đồ, mỗi tài sản cầm cố tiền lãi được tính từ 5-10%/tháng đối với số tiền được cầm, tùy thuộc vào khách quen hay lạ. Có chủ tiệm mỗi tháng kiếm vài chục triệu đồng sau khi đã trừ các khoản “hao mòn”, chi phí và nộp thuế Nhà nước. Sự hưng thịnh của nghề này đã hình thành các “khu phố cầm đồ” như: đường Trần Cao Vân, Tôn Đức Thắng, Phan Thanh, Ngô Quyền…

 Cuối tháng 7, trong vai một người thiếu tiền, tôi mang chiếc xe máy của mình đi cầm cố. Đến tiệm cầm đồ đầu tiên trên đường Trần Cao Vân, tôi bảo xe mượn của bạn nên không có giấy tờ, chủ tiệm lắc đầu nói: “Không có giấy tờ thì không cầm được!”.

Tôi đến một tiệm khác trong con hẻm trên đường Trần Cao Vân, trình bày tương tự nhưng chủ tiệm vẫn không cho cầm. Tôi mách nhỏ: “Hàng” này em “lấy” được tại đường Nguyễn Tất Thành, em cầm giá bèo cho anh thôi, anh xem giúp em nhé!”. Chủ tiệm liếc nhìn rồi lắc đầu bỏ đi. Lẽ ra trước một đối tượng nhiều khả nghi đem tài sản đến cầm cố, chủ tiệm phải gọi điện thoại để báo lực lượng Công an đến giải quyết…

Không cầm được xe máy vì xe “không chính chủ”, tôi chuyển sang cầm máy vi tính thì mọi việc trở nên rất đơn giản. Chủ tiệm cầm đồ là một phụ nữ ngay lập tức ghi biên lai, giá tiền, ngày hẹn lấy tài sản rồi thanh toán tiền ngay cho tôi mà không cần hỏi nguồn gốc tài sản. Quan sát một hồi, chúng tôi nhận thấy có nhiều người đến cầm cố tài sản, chủ yếu là mặt hàng điện thoại di động, máy tính, thỉnh thoảng có người cầm xe máy. Hầu hết các tiệm cầm đồ cho cầm cố các tài sản như máy tính, điện thoại, trang sức… khá dễ dàng. Một chủ tiệm cầm đồ tại đường Trần Cao Vân cho biết, cứ vào mùa bóng đá thì các mặt hàng điện tử, trang sức đều được sinh viên, thanh niên cầm cố rất nhiều. Trong đó, ít người đến nhận lại tài sản nên những tài sản này được chủ tiệm cầm đồ “hóa giá” khá cao để kiếm lời.

Ngày 31-7, chúng tôi có mặt tại một tiệm trên đường Hoàng Văn Thái (Đà Nẵng), thấy có khá nhiều người đến đây cầm đồ. Trong tiệm có hơn 20 chiếc xe máy loại đắt tiền và hơn 30 chiếc điện thoại di động của khách đang cầm. Chủ tiệm cho biết: “Trước đây, tiệm tôi cầm nhiều loại tài sản hàng điện tử, xe máy, thậm chí cầm cả xe máy “không chính chủ”. Nhưng do một vài lần bị Công an kiểm tra thu hồi nên mất trắng, nay không cầm nữa. Vì vậy, hiện nay đối với xe máy thì phải “chính chủ”; còn các mặt hàng điện tử, ai đến cầm thì mình định giá cầm cho họ”. “Làm nghề này nhìn là biết “hàng” nào là “hàng” trộm, “hàng” nào “hàng” nhà, nhưng mình “lơ” để kiếm vài đồng tiêu xài”, chủ tiệm này nói thêm. Hằng ngày khách lai rai đến cầm thì mỗi tháng tiệm này cũng thu được từ 15-18 triệu đồng tiền lời.

Đường đi của “hàng” phạm tội

Thượng tá Trần Mưu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Đà Nẵng nhìn nhận, ngoài một số ít phục vụ cho nhu cầu chính đáng của người dân, còn lại là bọn tội phạm lợi dụng để “tẩu tán” tài sản. Khi bọn trộm cắp, cướp giật chiếm đoạt được tài sản thì ngay lập tức nghĩ đến tiệm cầm đồ để cầm cố lấy tiền tiêu xài. Đối với các mặt hàng như xe máy, chúng sẽ làm giả giấy tờ để cầm cố, sau khi tìm được mối tiêu thụ, các đối tượng sẽ đến chuộc lại…

Hàng chục vụ án hình sự được lực lượng Cảnh sát hình sự khám phá, khi thu lại tài sản đều nằm ở các tiệm cầm đồ. Các loại tài sản “không chính chủ” được bọn tội phạm đến tiệm cầm đồ tẩu tán với giá thấp và không lấy lại.

Điển hình, cuối năm 2012 đầu năm 2013, trên địa bàn quận Thanh Khê liên tục xảy ra tình trạng mất cắp xe máy, máy tính xách tay, điện thoại di động. Công an quận Thanh Khê đã xác lập chuyên án đấu tranh và bóc gỡ được đường dây này. Công an phát hiện tiệm cầm đồ Thu Hương (tại 223 Trần Cao Vân) do Trương Thị Tâm (SN 1968, trú tổ 6, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) làm chủ là đầu mối tiêu thụ chủ yếu các tài sản do các đối tượng trộm, cướp. Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đối với bà Tâm, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh cơ sở này.

Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 22-3, anh Lê T. (SN 1972, trú phường Thạc Gián) trong lúc dừng xe ở đoạn đường vắng gần khu vực Nhà máy cán thép miền Trung (cũ), thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà để nói chuyện cùng bạn thì bị một nhóm thanh niên khống chế, một tên xông đến kẹp cổ buộc anh phải đưa tài sản. Quá hoảng sợ trước sự hung hăng của nhóm thanh niên, anh T. bỏ lại chiếc xe máy BKS 43D1-14456 của mình và chạy tháo thân. Một lát sau, khi anh T. quay lại thì chiếc xe đã biến mất cùng nhóm thanh niên. Sau khi Công an quận Sơn Trà vào cuộc đã tìm được chiếc xe máy nói trên nằm tại tiệm cầm đồ của bà Trần Thị N. (tổ 16, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Bà N. khai nhận có một thanh niên đến xưng là con anh T. nên mới cầm chiếc xe máy (?!).

Cuối tháng 7-2013, Công an phường Thạc Gián tiến hành kiểm tra đột xuất một tiệm cầm đồ trên địa bàn phường, phát hiện tiệm cầm đồ này kinh doanh không đúng theo đăng ký. Thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện 57 máy tính được cầm cố tại đây. Ngay lập tức, Công an phường đề nghị Công an quận Thanh Khê hỗ trợ để phân loại, có hướng xử lý theo quy định của pháp luật. Hay trước đó không lâu, sau khi thực hiện một vụ cướp giật điện thoại di động, hai thanh niên vào một tiệm cầm đồ ở quận Hải Châu để cầm cố thì bị lực lượng Cảnh sát chống cướp giật bắt giữ…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.