Đà Nẵng thật sự hấp dẫn nhà đầu tư

Bài 3: Triển vọng thu hút đầu tư

.

Năm 2017 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của thành phố, trong đó có việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC, Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng… Nắm bắt những vận hội đó, thành phố đang có bước đi phù hợp để tăng tốc trong những năm tới.

Sản xuất ở Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước.
Sản xuất ở Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước.

Ông Wayne Besant, Tổng Giám đốc AIA Việt Nam nhìn nhận: “AIA đã có mặt tại Đà Nẵng khoảng 16 năm nay và nhận thấy rõ sự phát triển từng ngày của thành phố. Tôi nghĩ Đà Nẵng là thị trường lớn cho bất kỳ nhà đầu tư nào. Chính quyền Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để biến nơi đây thành điểm tập trung cho các nhà đầu tư. Sau năm 2017, tôi nghĩ thành phố sẽ có thêm nhiều cơ hội để thế giới biết tới”.

Nhiều doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng cũng cho rằng, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là cơ hội hiếm có để tiếp cận với các DN hàng đầu thế giới. Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line nói:

“Thực tế, không chỉ chúng ta tìm kiếm cơ hội mà ngay các nhà lãnh đạo, DN trong và ngoài khối APEC cũng có nhu cầu này. Qua theo dõi các hoạt động tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tôi nhận thấy các DN siêu nhỏ, DN do phụ nữ làm lãnh đạo được quan tâm sâu sắc. Điều đó tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin và sức mạnh”.  

Trước khi bước vào Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Đầu tư 2017 nhằm quảng bá tiềm năng, cơ hội và các chính sách của thành phố đối với DN; đồng thời ghi nhận các rào cản, vướng mắc mà DN gặp phải trong quá trình đầu tư và kinh doanh.

Tại đây, UBND thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư… cho 27 dự án với tổng vốn trên 35.000 tỷ đồng. Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Điều này khẳng định niềm tin của các chủ đầu tư, DN đối với môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng”.

Đại diện cho DN, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) Almut Roesner cho biết: “Khoảng 30 thành viên của chúng tôi đang hoạt động và kinh doanh tại Đà Nẵng cũng như các khu vực lân cận. Họ rất hài lòng về sự tăng trưởng ở Đà Nẵng và sẽ chọn thành phố là điểm đến để phát triển lâu dài.

EuroCham tin tưởng các lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, du lịch và khách sạn, cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh và giáo dục tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”.

Từ góc nhìn của công ty tư vấn cho DN tại khu vực Trung Bộ, ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Văn phòng đại diện KPMG Việt Nam tại Đà Nẵng (một trong 4 công ty hàng đầu thế giới trong ngành kiểm toán và tư vấn) chỉ ra:

Điều khiến Đà Nẵng trở nên đặc biệt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đó là thành phố trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên với vị trí chiến lược, nhân lực trẻ, cơ sở hạ tầng hiện đại; đồng thời, có cơ cấu hỗ trợ DN tiến bộ...

Có thể thấy, ngay trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nhiều dự án tại Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm của các tập đoàn, DN thế giới. Điển hình như dự án Khu Công viên Phần mềm số 2 Đà Nẵng (do Tập đoàn Sembcorp - Singapore đầu tư) được các tập đoàn đa quốc gia về phần mềm, điện tử, vi mạch… chú ý.

“Dự án này tăng sức cạnh tranh cho phân khúc hạng A của thị trường văn phòng Đà Nẵng. Chỉ trong quý 2-2017, giá thuê văn phòng phân khúc này ở Đà Nẵng đã tăng đến 40%”, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Tư vấn và Giao dịch thị trường văn phòng, CBRE Việt Nam nhận định.

Đồ họa: TUYẾT ANH
Đồ họa: TUYẾT ANH

Năm 2017 cũng chứng kiến những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 đối với kinh tế - xã hội. Trong một hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng, các chuyên gia nhận định làn sóng công nghệ mới sẽ giúp các DN nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.

Minh chứng cho điều này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra ví dụ: “Ngày trước, chỉ có những DN lớn mới nghĩ đến việc tìm kiếm nhà cung cấp, bạn hàng, thị trường tiêu thụ ở châu Âu, Mỹ, Úc. Ngày nay, với thương mại điện tử, ngay cả một tiệm may nhỏ ở Đà Nẵng cũng có thể may trang phục và gửi hàng cho khách quốc tế”.  

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, chỉ số thương mại điện tử của Đà Nẵng nằm 2017 đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài lĩnh vực thương mại và dịch vụ, Đà Nẵng còn tận dụng thiên thời, địa lợi để xây dựng thành phố thông minh, hướng đến đô thị 4.0.

Tại diễn đàn “Thanh niên Đà Nẵng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức vào tháng 12-2017, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: Quan điểm Đà Nẵng sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN đầu tư, phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào triển khai xây dựng đô thị thông minh.

Theo đánh giá của ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu tại các khu công nghiệp và Khu công nghệ cao sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 gia tăng. Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tạo cầu nối cho các nhà đầu tư, trong đó tập trung vào công tác cải cách hành chính, cắt giảm thời gian giải quyết trong các lĩnh vực đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.

Đà Nẵng sẽ tập trung 68 dự án trọng điểm, tùy theo mỗi dự án, nhà đầu tư có thể tự đề xuất tổng vốn đầu tư và hình thức đầu tư như 100% vốn nhà đầu tư, PPP, BOT, BOOT…

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, ban này tập trung công tác quảng bá về Đà Nẵng với các nền kinh tế thành viên trên các phương tiện truyền thông quốc tế như Bloomberg, CNN…; các hiệp hội DN quốc tế (AmCham, AusCham); các lãnh sự và tham tán thương mại của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài.

Theo bà Trâm, những năm trước, công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thường chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, “tiếp thị” môi trường và chính sách đầu tư, nhưng từ năm nay, thành phố sẽ tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ tồn đọng nhiều năm như đất đai, hạ tầng, quy hoạch, chính sách…

Thực tế, sau APEC, Đà Nẵng trở nên khang trang, hiện đại hơn. Cơ sở vật chất và hạ tầng của Đà Nẵng đã được cải thiện đáng kể, như Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch MICE, các trung tâm hội nghị, các tuyến đường được cải tạo, chỉnh trang… Việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng giúp Đà Nẵng lọt vào “tầm ngắm” của nhiều thương hiệu bán lẻ lớn thế giới.

Ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận bán lẻ công ty tư vấn bất động sản Savills cho biết: “Hiệu ứng APEC” đối với thị trường bán lẻ ở Đà Nẵng đang có lối mở khả thi, bởi hạ tầng phát triển luôn dẫn theo bán lẻ phát triển, đặc biệt là mô hình trung tâm thương mại tích hợp với các khu du lịch nghỉ dưỡng. Đà Nẵng đang nằm trong mắt của các thương hiệu ẩm thực và thời trang lớn…

Theo lãnh đạo Sở Công thương, vận hội năm 2017 đã tạo ra những tác động tích cực đối với các luồng đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng. Trong năm 2018, Sở Công thương sẽ cụ thể hóa chương trình hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu; đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh làn sóng công nghệ đang diễn ra, bản thân các DN tại Đà Nẵng cũng nhận thức sâu sắc việc đầu tư khoa học - công nghệ chính là giải pháp để đổi mới mô hình tăng trưởng; học hỏi và thay đổi kịp thời để thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế…

"Đà Nẵng là một trong những tỉnh, thành phố có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất của Việt Nam, điều này chứng minh rằng sự lãnh đạo giỏi có thể tạo ra khác biệt thực sự”

Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh

Khang Ninh - Khánh Hòa - Thành Lân

;
.
.
.
.
.
.
.