.

Mỹ thúc đẩy chiến dịch chống Nga

.

Mỹ và các đồng minh châu Âu thúc đẩy các biện pháp cấm vận Nga mạnh tay nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, trong lúc Tổng thống Vladimir Putin công nhận Crimea là một nhà nước độc lập, đồng thời thông qua dự thảo thỏa thuận sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga.

Những người thân Nga ở thành phố Donetsk, phía đông Ukraine, ủng hộ Crimea sáp nhập vào Nga. 						             Ảnh: AFP
Những người thân Nga ở thành phố Donetsk, phía đông Ukraine, ủng hộ Crimea sáp nhập vào Nga. Ảnh: AFP

Việc người dân Crimea lựa chọn Nga tạo ra cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ, châu Âu với Nga. Theo đó, 7 quan chức Nga bị Mỹ cấm vận, bao gồm Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin và các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin, vì đã ủng hộ cuộc bỏ phiếu của Crimea ly khai khỏi Ukraine. Không những thế, 4 quan chức Ukraine cũng bị trừng phạt vì đã kích động cuộc trưng cầu dân ý, trong đó có Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych và Thủ tướng lâm thời Crimea Sergei Aksyonov.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney còn tuyên bố các biện pháp cấm vận của Mỹ không loại trừ bất kỳ cá nhân nào, kể cả Tổng thống Putin. Hiện ông Putin không có trong “danh sách đen” của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bởi áp lệnh trừng phạt lên nguyên thủ quốc gia là điều vô cùng bất thường. Tại Brussels (Bỉ), EU cũng tiết lộ lệnh cấm visa, “đóng băng” tài khoản của 21 quan chức Nga và Ukraine, trong đó có Phó đô đốc Alexander Vitko - đứng đầu Hạm đội Biển Đen của Nga.

AP cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18-3 đến Ba Lan, gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Bronislaw Komorowski và Thủ tướng Donald Tusk nhằm bày tỏ quyết tâm chống sự can thiệp của Nga ở Ukraine. Ông Biden cũng sẽ gặp Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves. Theo AP, các cuộc gặp gỡ với những đồng minh NATO là một phần trong chiến dịch thuyết phục Tổng thống Putin từ bỏ Crimea.

Để thúc đẩy chiến dịch chống Nga, tuần tới, Tổng thống Barack Obama sẽ đến châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ đến châu lục này trong một vài ngày nữa. Giải pháp ngoại giao để tháo gỡ khủng hoảng vẫn được Tổng thống Obama cho là khả thi nếu Nga rút quân khỏi Crimea, cho phép triển khai các quan sát viên và đồng ý đàm phán với Ukraine.

Tổng thống Obama còn dọa sẽ thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga tiếp tục có động thái quân sự ở gần khu vực phía đông và nam của Ukraine. “Sự khiêu khích hơn nữa sẽ chỉ càng làm cô lập Nga và giảm vị trí của nước này trên thế giới”, ông Obama nói. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi đối thoại, nhấn mạnh rằng đối với London và các đồng minh, “Crimea vẫn là một phần của Ukraine”. Ông Hague cho hay, các thành viên EU đã bắt đầu bàn thảo về việc giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong nhiều năm tới. Phần lớn năng lượng được Nga cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống dẫn khí xuyên Ukraine. Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - nhập khẩu đến 40% khí đốt từ Mátxcơva.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin sợ hãi khi đối đầu trực tiếp với phương Tây. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người có tên trong “danh sách đen” của Mỹ, nói rằng các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến những ai không có tài khoản ở nước ngoài. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ cho thấy rõ ràng Washington không muốn chấp nhận thực tế và muốn áp đặt cách tiếp cận một chiều của mình lên tất cả mọi người. Ngay cả Latvia - thành viên mới của khối eurozone - cũng cho rằng EU nên bồi thường cho bất kỳ quốc gia nào bị tổn hại do các biện pháp cấm vận Nga.

Trung Quốc vẫn thúc giục kiềm chế. Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh, cần tôn trọng mối quan ngại của tất cả các bên liên quan nếu có một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Crimea.

Trong lúc này, theo AP, câu hỏi lớn nhất đặt ra là Tổng thống Putin sẽ có động thái như thế nào tiếp theo. Người đứng đầu Hội đồng các chính sách quốc phòng và ngoại giao Nga Fyodor Lukyanov nói rằng, các biện pháp của Mỹ và EU không làm lung lay quan điểm cứng rắn của ông Putin, ngay cả khi có cuộc chiến tranh kinh tế chống Mátxcơva. Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Oleksandr Chalyi nhận định: Nguyên nhân xung đột chính là quan ngại của Nga về việc Kiev sẽ gia nhập NATO.

Còn điều mà 2 triệu người Crimea quan tâm hơn cả, đó là cuộc sống của họ sẽ thay đổi như thế nào khi sáp nhập vào Nga.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.