.

Người truyền "lửa" đam mê lịch sử

.

Qua bài giảng của thầy Hà Thúc Quang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Thái Phiên, những sự kiện, cột mốc lịch sử với những con số khô khan bỗng dễ nhớ, dễ thuộc...

Thành công của học trò chính là niềm vui lớn của thầy Quang. Trong ảnh: Thầy Hà Thúc Quang cùng học trò trong buổi nhận giải thưởng Võ Trường Toản.
Thành công của học trò chính là niềm vui lớn của thầy Quang. Trong ảnh: Thầy Hà Thúc Quang cùng học trò trong buổi nhận giải thưởng Võ Trường Toản.

Thầy Quang là một trong 20 giáo viên vừa được nhận giải thưởng Võ Trường Toản, do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng và Báo Sài Gòn Giải phóng trao tặng.

Để có một tiết dạy Lịch sử, thầy Quang chuẩn bị rất công phu. Bên cạnh sách giáo khoa, thầy còn sưu tầm hàng trăm cuốn sách có nội dung liên quan để làm tư liệu tham khảo và chia sẻ với học trò. Không chỉ vậy, những bản nhạc, tranh vẽ gắn với từng thời kỳ lịch sử cũng được thầy sưu tầm và minh họa trong bài giảng. Chẳng hạn khi giảng trận đánh lẫy lừng Điện Biên Phủ, thầy “mềm hóa” các số liệu bằng việc đọc cho học sinh nghe hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hoặc như lúc dạy về lịch sử văn học-nghệ thuật thế kỷ XIX, thầy giới thiệu đến các em bức tranh nổi tiếng “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan hay các bản nhạc của Mozart, Beethoven...

Trong quá trình giảng dạy, thầy Quang thường dành một tiết (chủ yếu là tiết ôn tập, tổng kết) để đối thoại với học trò nhằm giải đáp những thắc mắc. “Học trò thường rất quan tâm, muốn tìm hiểu về những nhân vật lịch sử, đặc biệt là các vĩ nhân, lãnh tụ.

Hiện nay, các em được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin nên mình cũng phải thường xuyên cập nhật chương trình thời sự để có thể trả lời những câu hỏi của học trò”, thầy Quang chia sẻ. Thầy cho biết, học trò hỏi càng nhiều, thầy càng thích bởi điều này chứng tỏ các em còn quan tâm và yêu môn Lịch sử. Theo thầy Quang, người giáo viên Lịch sử phải là người định hướng thông tin cho học trò, nhất là trong những vấn đề quan trọng như tình hình Biển Đông, khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 “Thầy luôn chỉ bảo, quan tâm đến chúng em từ những điều nhỏ nhặt nhất. Em tiếc là mình chưa làm thật tốt để xứng đáng với sự kỳ vọng của thầy”, em Mai Quỳnh, học sinh lớp 12/1 tâm sự. Em Phương Thảo, học sinh lớp 12/13 lại bày tỏ: “Em luôn muốn được làm học trò của thầy”... Ngoài giáo án, sách vở, tài liệu và những đĩa nhạc cổ điển, thầy Quang còn có một “tài sản” quý giá khác là những lá thư tay của học trò được thầy gìn giữ với tất cả nâng niu. Có lẽ, tình yêu đối với bộ môn Lịch sử, với “ngôi nhà thứ hai” (Trường THPT Thái Phiên - P.V) và tình yêu dành cho những học trò ngây thơ như đã lấp đầy khoảng trống về hạnh phúc riêng tư cùng tiếng nói cười con trẻ trong ngôi nhà nhỏ của vị thầy giáo đáng kính.

Hơn 10 năm được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi và phụ trách công tác chuyên môn của tổ, thầy Quang đã cùng tập thể đào tạo nhiều thế hệ học trò gặt hái nhiều giải thưởng. Thầy Quang chia sẻ, thành tích lớn nhất của mình chính là thành quả của học trò với hàng chục em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Trong số đó, nhiều học trò đang tiếp nối hành trình “trồng người” của thầy và  “thắp lửa” niềm yêu thích môn Lịch sử đối với lớp học sinh kế tiếp.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.