Giữ vững vị thế thể thao Đà Nẵng

.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Nguyễn Trọng Thao cho biết, trong kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 sắp đến, đoàn Thể thao Đà Nẵng đặt mục tiêu xếp hạng từ 5-7 và giữ vững vị thế của thể thao Đà Nẵng ở đấu trường quốc nội.

Sự quan tâm của thành phố cùng định hướng phát triển phù hợp của ngành TDTT đã giúp hoạt động TDTT Đà Nẵng ngày càng khởi sắc.
Sự quan tâm của thành phố cùng định hướng phát triển phù hợp của ngành TDTT đã giúp hoạt động TDTT Đà Nẵng ngày càng khởi sắc.

* Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thể thao Đà Nẵng trong 2 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần nhất?

- Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1997, lần đầu thể thao Đà Nẵng tham gia tranh tài Đại hội TDT toàn quốc lần thứ 4 (2010). Là đơn vị chủ nhà nên kế hoạch xây dựng lực lượng được chuẩn bị khá tốt và nhận được sự quan tâm rất lớn của thành phố.

Tham gia thi đấu 37/60 môn và phân môn, gần 380 VĐV đã mang về cho thành phố 57 HCV, 47 HCB, 52 HCĐ so với chỉ tiêu ban đầu 38-42 HCV. Qua đó, đoàn VĐV Đà Nẵng xếp hạng 4/66 đơn vị. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014), thể thao Đà Nẵng tiếp tục thành công khi 292 VĐV giành 22 HCV, 29 HCB, 32 HCĐ, xếp hạng 6/65 đơn vị tranh tài, căn cứ vào số huy chương đạt được và xếp hạng 8/65 đơn vị.

Những kết quả này phản ánh đúng vị thế của thể thao thành tích cao Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm các đơn vị dẫn đầu Đại hội, chất lượng huy chương từng bước được cải thiện, tập trung vào các bộ môn thế mạnh và nằm trong hệ thống thi đấu Olympic như: Bơi, Điền kinh, Đua thuyền, Taekwondo…

* Thành phố đã có sự quan tâm đầu tư như thế nào để ngành TDTT Đà Nẵng có thể giữ vững vị thế của mình trong những năm qua, thưa ông?

- Trước tiên, việc UBND thành phố phê duyệt Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020 là tiền đề, cơ sở để Sở VH-TT xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm chuẩn bị lực lượng VĐV thành tích cao.

Sau khi giải tỏa Sân vận động Chi Lăng, UBND thành phố đã quan tâm bố trí đất và đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể thao tại Hòa Xuân. Sân vận động Hòa Xuân đã hoàn thành và đáp ứng tổ chức tốt các giải bóng đá quốc gia, quốc tế; nhà tập luyện đa năng 3 tầng sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm nay.

Ngoài việc được cử đi tập huấn tại các quốc gia có nền thể thao mạnh như Mỹ, Hungary, Trung Quốc..., các HLV, VĐV còn được hưởng các chế độ ngang bằng theo các quy định của Trung ương, tùy thời điểm.

Ngoài ra, trước khi HĐND thành phố ban hành nghị quyết chế độ đãi ngộ đối với VĐV, HLV thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng, các VĐV đặc biệt xuất sắc của Đà Nẵng được hưởng chế độ đãi ngộ đặc thù theo từng tháng; tùy vào thành tích đạt được tại các giải quốc gia, quốc tế.

* Cuối năm nay, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 (2018) sẽ được tiến hành. Công tác chuẩn bị lực lượng cũng như chỉ tiêu của đoàn Thể thao Đà Nẵng tại đại hội lần này như thế nào?

- Căn cứ vào chỉ đạo của thành phố, sẽ có khoảng hơn 200 VĐV Đà Nẵng tham gia tranh tài 26/36 môn và phân môn; trong đó, thành tích HCV tập trung vào các bộ môn trọng điểm như: Bơi, Điền kinh, Đua thuyền, Lặn, Taekowndo.

Riêng năm 2018, UBND thành phố đã cho phép Sở VH-TT hợp đồng 18 chuyên gia nước ngoài, HLV, VĐV; tổ chức tập huấn cho 15 đội tuyển, 9 HLV, 48 lượt VĐV tại Hungrary, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc; ưu tiên các môn trọng điểm và các VĐV trẻ có tố chất chuyên môn tốt của Điền kinh, Đua thuyền, Bơi, Cử tạ, Taekwondo; cử HLV, VĐV thi đấu 82 giải quốc tế và 29 đội tuyển, 33 lượt HLV, 163 lượt VĐV được tập huấn tại các địa phương có thế mạnh ở từng môn thể thao cũng như các tỉnh lân cận để làm quen với điều kiện thi đấu Đại hội...

Với sự chuẩn bị như thế, chúng tôi hy vọng, đoàn Thể thao Đà Nẵng sẽ đạt mục tiêu xếp hạng từ 5-7 đơn vị dẫn đầu và giữ vững vị thế của thể thao Đà Nẵng ở đấu trường quốc nội.

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8 năm 2018 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tới tại thủ đô Hà Nội (địa điểm tổ chức chính) và tỉnh Hòa Bình với 36 môn thể thao gồm: Điền kinh, Bơi, Thể dục (Thể dục dụng cụ, Thể dục Aerobic), Đua thuyền (Rowing, Canoeing), Bóng đá (bóng đá 11 người, bóng đá Futsal nam), Bắn súng, Bắn cung, Cử tạ, Judo, Taekwondo, Vật, Boxing, Kiếm, Cầu lông, Quần vợt, Bóng chuyền, Bóng ném, Bóng rổ, Xe đạp, Bóng bàn, Golf, Karatedo, Wushu, Pencak Silat, Cờ vua, Cầu mây, Billiard & Snooker, Khiêu vũ thể thao, Bowling, Thể hình, Muay, Bi sắt, Vovinam, Võ cổ truyền, Đá cầu và Lặn.

NGUYÊN AN thực hiện

;
.
.
.
.
.
.