.

Lại chuyện dài bóng đá Việt Nam

.

Giữa lúc những “cơn bão” nghi vấn ngày càng bùng phát tại V-League 2015 thì bóng đá Việt Nam tiếp tục “nổi sóng” khi mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức - ông bầu của CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đương kim Phó Chủ tịch VFF - tiếp tục gây sốc bằng những phản ứng ra mặt với chính VFF.

Giải Bóng đá U-21 Báo Thanh niên là nơi ươm mầm cho những tài năng bóng đá trẻ Việt Nam và việc HAGL “tẩy chay” giải không phải là vấn đề quan trọng.
Giải Bóng đá U-21 Báo Thanh niên là nơi ươm mầm cho những tài năng bóng đá trẻ Việt Nam và việc HAGL “tẩy chay” giải không phải là vấn đề quan trọng.

Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi) được VFF ban hành năm 2014, các CLB Bóng đá V-League phải có 4 trong số 5 đội trẻ tham gia thi đấu các giải U-13, U-15, U-17, U-19 và U-21 hằng năm. Nếu CLB V-League nào không đủ số lượng đội trẻ tham gia giải theo quy định, CLB ấy sẽ bị VFF phạt 200 triệu đồng/đội. Số tiền phạt này sẽ được VFF sử dụng để làm công tác đào tạo trẻ hoặc hỗ trợ các đội tuyển trẻ quốc gia.

Với HAGL, từ đầu mùa giải đến nay, họ liên tục không tham gia các giải U-13 và U-17 quốc gia, đồng thời chấp nhận nộp phạt 400 triệu đồng. Ngay trước thềm giải bóng đá U-21 quốc gia 2015, Công ty CP Thể thao HAGL được VFF phân công làm bảng trưởng để đăng cai tổ chức bảng C, gồm các đội U-21 HAGL, Bình Định, Bình Phước, Đắc Lắc, Lâm Đồng.

Dù đã thành lập đội bóng đá U-21 và chuẩn bị thi đấu nhưng ông Đoàn Nguyên Đức bất ngờ tuyên bố rút đội bóng của mình ra khỏi giải và không tham gia thi đấu vòng loại. Thậm chí, ông bầu này còn khẳng định: “HAGL không tham dự. Ai thích phạt thì phạt. VFF phạt bao nhiêu, tôi nộp hết”.

Mọi sự chỉ mới bắt đầu, nhưng tất cả đều dự cảm về sự bất lực lần nữa của VFF một khi bóng đá Việt Nam đang trong thời “loạn”.

Với HAGL, số tiền phạt 200 triệu đồng hay 2 tỷ đồng không phải là chuyện lớn. Vấn đề ở đây là những phản ứng hẳn có nguyên nhân của đội bóng phố núi với VFF. Tuy nhiên, cách hành xử của một Phó Chủ tịch đương nhiệm với chính tổ chức mà ông là một người điều hành, quá khó để chấp nhận. Giả sử một đội bóng nào khác ứng xử như vậy, thay vì HAGL, liệu trong cương vị của mình ở VFF, chẳng biết ông Đoàn Nguyên Đức có cảm giác bị xúc phạm hay không (!?).

Hơn thế nữa, giải Bóng đá U-21 Báo Thanh niên đã nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia từ rất lâu, với mục tiêu góp phần đào tạo trẻ cho bóng đá Việt Nam. Cũng trong nhiều năm qua, đội bóng đá U-21 HAGL vẫn thường xuyên tham gia thi đấu, ngoại trừ giải lần này. Cho nên, lý do được ông Đoàn Nguyên Đức đưa ra là “phải tuân theo quy trình đào tạo của Học viện JMG”, có điều gì đó bất ổn. Nếu không vì những nguyên nhân sâu xa, thì chỉ bắt nguồn từ sự vị kỷ của ông bầu HAGL, thay vì mục tiêu đóng góp cho bóng đá nước nhà.

Dù không cho đội bóng đá U-21 tham gia thi đấu giải vô địch quốc gia 2015 nhưng HAGL vẫn cử đội bóng tham gia thi đấu giải U-21 quốc tế, diễn ra ngay sau khi vòng chung kết giải bóng đá U-21 toàn quốc kết thúc (!). Dù là đương kim vô địch giải U-21 quốc tế Báo Thanh niên nhưng với cách hành xử khá ngang ngược của ông chủ HAGL, liệu VFF lẫn Ban tổ chức sẽ có cách ứng xử như thế nào hợp lý nhất?

Cũng từ những phát sinh, kiểu “hờn dỗi” của HAGL rất cần VFF và VPF có những giải pháp kiên quyết hơn, nếu muốn các giải trẻ toàn quốc là “chiếc nôi” cho những tài năng tương lai của bóng đá nước nhà.

Việc VFF xử phạt 200 triệu đồng/đội không tham gia giải là cần thiết nhưng với những đội bóng “nhà giàu”, số tiền phạt đó hoàn toàn vô nghĩa. Không những thế, án phạt vẫn chưa đủ để các CLB chú trọng đến công tác đào tạo trẻ, như mong muốn của VFF. Đã có những đề xuất, cần trừ 3 điểm/đội không tham gia giải, vào thành tích của CLB tại giải Vô địch quốc gia. Có lẽ đây là một kiến nghị mà VFF lẫn VPF cần xem xét để giúp bóng đá Việt Nam không còn là “cái chợ”, khi ai muốn thì chơi, dỗi thì lại nghỉ!

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.