Khắc phục ô nhiễm trên đường Yên Khê 1

.

Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra suốt thời gian dài trên đường Yên Khê 1 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp.

Ô nhiễm dưới chân cầu vượt ngã ba Huế.
Ô nhiễm dưới chân cầu vượt ngã ba Huế.

Đường Yên Khê 1 - đoạn từ Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển đến hết đường, giao với đường Lý Thái Tông - hai bên vỉa hè ngập tràn rác thải, xà bần, bốc mùi hôi, gây cảnh nhếch nhác. Do khu vực này chưa có dân cư sinh sống tập trung, trong khi khu đất trống thuộc dự án Bệnh viện Bưu điện 3 vẫn chưa triển khai thi công, nên những người thiếu ý thức đổ giá hạ, xà bần và rác thải sinh hoạt.

Chính quyền địa phương đã cắm biển cấm và ghi rõ các quy định xử phạt nhưng lợi dụng đêm vắng hay giữa trưa, người dân vẫn tuồn các loại rác thải ra khu vực này. Dọc vỉa hè đoạn đường này không chỉ có rác thải, xà bần, giá hạ, mà còn có cỏ dại mọc um tùm. Phía vỉa hè bờ sông Phú Lộc, đơn vị thực hiện dự án cải tạo sông Phú Lộc xây bồn hoa, dựng trụ điện nhưng đã hỏng.

Để giải quyết tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm ở đoạn đường nói trên, ngoài việc cắm biển cấm, UBND phường Thanh Khê Tây thường xuyên cử lực lượng theo dõi, kiểm tra. Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây cho biết, rất khó phát hiện đối tượng xả rác. Phường đã đề xuất lắp đặt camera an ninh để theo dõi, phạt nguội, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

“Phía vỉa hè thuộc dự án cải tạo sông Phú Lộc, đơn vị thi công chỉ làm thảm cỏ, bồn hoa, trụ điện đến đoạn cầu nối sông Phú Lộc, đoạn đối diện Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển. Đoạn còn lại kéo dài đến đường Lý Thái Tông bị bỏ hoang nên dễ phát sinh rác thải gây ô nhiễm.

Chúng tôi kiến nghị đơn vị quản lý dự án sớm có giải pháp xây dựng, cải tạo vỉa hè phía bờ sông để địa phương có điều kiện cải tạo vỉa hè phía đối diện, như vậy mới mong giảm lượng rác thải và nâng cao ý thức của người dân.

Đối với khu đất trống thuộc dự án, cơ quan chức năng đã giao UBND phường quản lý, phường giao lại cho Hội Nông dân thuê để trồng hoa, cây cảnh, không chỉ tạo việc làm cho hội viên mà còn xóa “điểm đen” ô nhiễm”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, trước việc phát sinh ô nhiễm trên đường Yên Khê 1, chính quyền địa phương hằng năm tổ chức dọn dẹp 4-5 lần, vừa tốn nhân công, vừa tốn kinh phí. Hiện ở phường Thanh Khê Tây có nhiều điểm đất trống phát sinh ô nhiễm, như khu đất trống phía dưới cầu vượt ngã ba Huế, khu đất trống trên đường Vũ Quỳnh, các lô đất trống ven đường Nguyễn Tất Thành…

“Để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở các khu đất trống, ngoài việc thành phố sớm phân định ranh giới rõ ràng tại khu vực dưới cầu vượt ngã ba Huế (giữa quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê), cần có giải pháp hợp lý trong việc quản lý các lô đất trống để không phát sinh ô nhiễm; sớm triển khai dự án Bệnh viện Bưu điện 3, khu công viên vườn dạo tại tổ 2, 4, 5 dưới cầu vượt ngã ba Huế cũng như có kế hoạch sử dụng khu đất trống do giải tỏa block chung cư Thanh Lộc Đán mở rộng để lại.

Đồng thời, có kế hoạch xây dựng bãi tập kết (trung chuyển) rác thải xây dựng và có phương án thu phí hợp lý để người dân có nơi đổ giá hạ, xà bần”, ông Hải nói.

Theo ông Trần Trung Nam, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê, để xử lý tình trạng ô nhiễm phát sinh ở các lô đất trống, thành phố đã có chủ trương cho thuê mặt bằng kinh doanh tạm thời và không đền bù khi thu hồi.

Đối với quỹ đất tái định cư, sớm có phương án bố trí, giao cho người dân sử dụng và có trách nhiệm quản lý. Đối với các lô đất đã có chủ, đề nghị cơ quan chức năng cung cấp tên, địa chỉ chủ sở hữu để liên hệ đề nghị quản lý, hoặc truy thu phí tổng dọn vệ sinh.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị. Tại bộ phận một cửa của UBND quận, Phòng Tài nguyên và Môi trường phát tờ rơi về các quy định xử phạt, mức phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các hộ làm thủ tục xin phép xây dựng.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.