.

Quận Ba - ngày ấy... bây giờ

.

Quận Ba - văn bản hành chính ghi là Quận III - là tên gọi vùng đất bên hữu ngạn sông Hàn, một trong ba đơn vị hành chính cấp quận thuộc thị xã Đà Nẵng những năm từ 1955 đến 1975.

Một góc  quận Ba bây giờ. Ảnh: MINH TRÍ
Một góc quận Ba bây giờ. Ảnh: MINH TRÍ

Tháng 10 năm 1955, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập thị xã Đà Nẵng, trong đó có Quận III gồm 9 khu phố: An Hải, Mân Quang, Cổ Mân, Nam Thọ, Mỹ Khê, Phước Trường, Nại Hiên Đông, Tân Thái và Nhượng Nghĩa. Ngày mồng 6 tháng 1 năm 1973, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chuyển 9 khu phố này thành 7 phường: Nam Thọ, Mân Quang, Mân Thái, An Hải Tây, Phước Mỹ, Nại Nghĩa và An Hải Bắc.

Sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, tên gọi Quận Ba vẫn tồn tại cho đến khi Hội đồng Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 228-CP ngày 30 tháng 8 năm 1977 về việc hợp nhất Quận I, Quận II và Quận III (lúc này đã sáp nhập thêm phường Bắc Mỹ An - nay là phường Khuê Mỹ và Mỹ An thuộc quận Ngũ Hành Sơn) thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính cấp huyện lấy tên là thành phố Đà Nẵng.

Gần 20 năm sau đó, Quận III được gọi là Khu vực III - một tên gọi nhằm gợi nhớ mang tính cảm cựu hơn là hành chính. Năm 1997, Đà Nẵng - với tư cách là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng - cùng với huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa được hợp nhất thành thành phố trực thuộc Trung ương, vùng đất Quận Ba xưa trở thành quận Sơn Trà và một phần quận Ngũ Hành Sơn ngày nay với những đổi thay đầy ấn tượng về cảnh quan đô thị, là mặt tiền của Đà Nẵng nhìn ra Biển Đông - cũng là nhìn tới tương lai (Tương lai đó trước mặt ta biển rộng/ Trên đầu ta lồng lộng gió trời cao - thơ Tố Hữu).

Những đổi thay đầy ấn tượng về cảnh quan đô thị của Quận Ba bây giờ xuất phát trước tiên từ cái nhìn hướng biển trong tư duy người Đà Nẵng ngày nay. Không phải trong tiến trình phát triển đô thị trước đây Đà Nẵng không nhìn về phía biển, nhưng về cơ bản thành phố này vẫn quay lưng với biển.

Đô thị Đà Nẵng chỉ thực sự hướng biển khi bắt đầu có ý tưởng mở tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc vào năm 2002 (sau này được đặt tên là đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa) và đi cùng với ý tưởng này là sự ra đời của các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển mà mở đầu là Furama Resort Danang được chính thức đưa vào hoạt động từ 5 năm trước, và đương nhiên không thể không kể đến InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở Bãi Bắc khai trương giữa năm 2012…

Con đường ven biển này đã thực sự trở thành một bao lơn ngắm biển của người Đà Nẵng và của du khách thập phương, và đây cũng là điểm kết nối với nhiều con đường Quận Ba chạy thẳng ra biển như đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Văn Thoại, đường Hồ Xuân Hương…

Và cũng chính trên tuyến đường chạy dọc Biển Đông này, vào năm 2005 bãi biển Mỹ Khê từng được Tạp chí Forbes - tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ - bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Tờ Sunday Herald Sun của Australia cũng nhận xét bãi biển Mỹ Khê là một trong số 10 bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất thế giới. Tất cả yếu tố ấy đã và đang góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị của Quận Ba so với những năm 80 của thế kỷ trước, đưa Quận Ba trở thành một trung tâm du lịch biển sầm uất của Đà Nẵng thời hội nhập.  

Để trở thành một trung tâm du lịch biển sầm uất của Đà Nẵng thời hội nhập không dễ. Có một thời Đà Nẵng định tập trung phát triển công nghiệp ở Quận Ba. Khu công nghiệp đầu tiên của Đà Nẵng và thứ hai của cả nước - chỉ sau Khu công nghiệp Tân Tạo ở thành phố Hồ Chí Minh - đã được hình thành tại An Đồn từ năm 1993.

Ở thời điểm ấy và trong tầm nhìn quy hoạch của Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thì chọn lựa khu vực III để mở Khu chế xuất An Đồn là có thể chấp nhận được, thậm chí là tối ưu. Rồi Nhà máy Cao su Đà Nẵng mà tiền thân là một nhà máy đắp vỏ xe của quân đội Mỹ thời chiến tranh, cũng liên tục sản xuất nhiều năm trên địa bàn phường Bắc Mỹ An cũng của khu vực III...

Có điều khói công nghiệp khó có thể đồng hành cùng công nghiệp không khói, cho nên mặc dầu đang ăn nên làm ra và ngày càng khẳng định được thương hiệu nhưng Nhà máy Cao su Đà Nẵng cũng đành phải nói lời chia tay với Quận Ba…      

Quận Ba xưa chưa có trường đại học - điều đó không có gì lạ, vì đến năm 1974, Trường Đại học cộng đồng Quảng Đà mới được thành lập với một mô hình đào tạo đại học còn quá mới mẻ so với đương thời. Và thậm chí đến năm 1975, Quận Ba cũng chưa có trường trung học phổ thông hoàn chỉnh - bởi Trường Đông Giang hồi đó chủ yếu là một trường trung học đệ nhất cấp, đến năm học 1973-1974 mới mở thêm 2 lớp 10, đến năm học 1974-1975 mới có 4 lớp 10 và 2 lớp 11.

Ngày nay trên địa bàn Quận Ba có một trường đại học danh giá là Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đào tạo cả hai bậc đại học và sau đại học, và có không chỉ một trường mà là ba trường trung học phổ thông công lập: Hoàng Hoa Thám, Ngô Quyền và Tôn Thất Tùng. Điều đáng nói là Quận Ba bây giờ có những cơ sở đào tạo mà các quận bên tả ngạn sông Hàn không có, chẳng hạn như Học viện Chính trị Khu vực III và Trường Chính trị thành phố - nơi chuyên đào tạo về lý luận chính trị cho cán bộ, hoặc như Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn - nơi tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ sớm cho thành phố.

Quận Ba xưa còn có một cái độc đáo nữa là Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Sơn Trà được công nhận năm 1980. Không phải ngẫu nhiên mà những năm 60 của thế kỷ trước, Sơn Trà được người Mỹ gọi là Monkey Mountain/Núi Khỉ, bởi ở đây có rất nhiều khỉ - trong đó có loài Voọc Chà vá chân nâu (tên khoa học Pygathrix Nemacus) được mệnh danh là Nữ hoàng của loài linh trưởng, là loài thú đặc hữu của Sơn Trà - chỉ Sơn Trà mới có mới còn.

Có người từng đề nghị lấy hình ảnh loài Voọc này làm thú biểu tượng của Đà Nẵng, giống như Gấu Trúc đối với Trung Quốc hay Chuột Túi/Kangaroo đối với Australia… nhằm quảng bá thương hiệu Đà Nẵng trong sứ mệnh bảo tồn loài thú cực kỳ quý hiếm này, đồng thời cũng là cách cảnh báo với cộng đồng về những sản phẩm du lịch lợi bất cập hại có thể khiến Voọc Chà vá chân nâu sớm phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Thượng tuần tháng 10 này, công trình Nhà Trưng bày Hoàng Sa có hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” sẽ được khởi công xây dựng tại một địa điểm trên đường Hoàng Sa lộng gió. Không phải ngẫu nhiên mà người Đà Nẵng đã dành con đường ven biển đẹp nhất ở Quận Ba xưa để làm nơi vinh danh Hoàng Sa, Trường Sa và một vị tướng tài có công lớn trong việc bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc nói riêng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngoài ra, trên địa bàn Quận Ba xưa còn có các con đường mang tên Phạm Quang Ảnh - người được đặt tên cho một hòn đảo ở Hoàng Sa, hay mang tên Nguyễn Phan Vinh - người được đặt tên cho một hòn đảo ở Trường Sa, hay mang tên Đỗ Bá - người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ Hoàng Sa… Tất cả đều nhằm khẳng định một chân lý, nhằm  nhắn gửi một thông điệp, nhằm ghi khắc một lời thề: Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng ta, là của hương hỏa ông cha để lại, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.