.
Nghĩ

Mưa - ngập - bệnh

.

Hễ mưa là ngập là vấn đề được Báo Đà Nẵng nêu cụ thể trong số báo 15-9-2016. Tại trời, tại người và tại các công trình ngầm “bức tử” năng lực thoát nước của đô thị nên ngập sâu, ngập mới và ngập tứ tung.

Mưa – ngập là vòng luẩn quẩn từ nhiều năm nay. Mà vòng luẩn quẩn này đâu có dừng lại ở đó. Khổ vì ngập úng gây khó khăn trong đi lại, sinh hoạt đã đành, phía sau cảnh ngập ấy là một dự báo chắc nịch cho người dân: Dịch bệnh, ổ dịch không nằm đâu xa.

Cũng giống như những người làm công tác thoát nước, các bác sĩ, cán bộ, nhân viên phòng dịch đến mùa mưa là phát “sốt” theo dịch bệnh. Sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM), thủy đậu và một số bệnh truyền nhiễm khác những năm gần đây không còn xuất hiện theo đợt nữa mà “nhảy múa” khó lường quanh năm suốt tháng. Cứ hình dung sau một trận mưa, đường sá, nhà cửa ngập úng thì bệnh dịch nào tha.

Chỉ tính trong 3 tuần gần đây, tuần đầu toàn thành phố có 86 ca SXH, sau đó tụt xuống 38 ca, rồi lại vọt lên 55 ca. TCM cũng “tưng bừng” với 49  – 53  – 43 ca. Kiểu lên lên, xuống xuống liên tù tì và kể cả khi ở mức xuống thì số ca mắc vẫn khá cao là thực trạng của tình hình dịch bệnh gần đây. Chưa kể, Zika sẽ có đầy cơ hội xuất hiện bất cứ lúc nào khi muỗi truyền bệnh SXH phát triển nhiều trong mùa này. Đây chỉ là “khởi động” đầu mùa, thời tiết thu đông và đông xuân sẽ còn tạo nên nhiều “bất ngờ” trên biểu đồ dịch bệnh.

Và rồi lại thêm cái vòng luẩn quẩn: Cán bộ y tế dự phòng đi phun thuốc, diệt bọ gậy; phun xong, diệt xong, bọ gậy lại xuất hiện. Bệnh viện thì tăng cơ số thuốc, tăng giường kê thêm, tăng sức làm việc. Số ca mắc bệnh dịch hiện tại chẳng mấy khi ít hơn cùng kỳ năm trước. Với SXH thì số năm sau hơn số năm trước tính theo cấp nhân...

Ngập mất kiểm soát và việc kiểm soát dịch bệnh cũng rất phập phồng. Có kiểm soát được phần nào đó chăng cũng chỉ là khi dịch có rồi phải vắt sức ra “đuổi” theo nó để dập.

Ai bệnh thì người nấy chịu. Nhưng những “anh” dây cáp, “anh” dây điện, “anh” ống nước bức tử các công trình thoát nước, từ đó gây ngập để rồi tạo môi trường “tươi tốt” cho dịch bệnh bùng phát thì có chịu chi không? Cái này đâu có ai bắt quả tang được mà chịu.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.