.
Nghĩ

Chuyện tốt thành "bão"

.

Cách ra đề kiểm tra ngày càng có vẻ tươi mới và theo “trào lưu” ngay từ cái đề có thể khiến học sinh phần nào hào hứng và cảm thấy gần gũi. Nhưng cứ chuyện tốt tốt thành “bão” ở đâu đó lại lập tức được tóm ngay vào đề thi, có lẽ cũng hơi buồn và có khi nào bị phản tác dụng?

Chẳng lẽ chuyện tốt trong cuộc sống và quanh mỗi người khan hiếm đến vậy, tới mức hễ được ca tốt là “hốt liền” không lại quên thì phí! Ai lại không động lòng trước cậu học trò biết thể hiện lời xin lỗi chân thành, ai lại không vương vấn một bài hát khiến mình ngẫm nghĩ, ai lại không xao xuyến trước một em bé “vắt mũi chưa sạch” biết nhận trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Nhưng có cần phải làm quá? Chuyện tốt, sở dĩ là chuyện tốt vì nó thật và không màu mè.

Nếu chịu khó nhìn và cảm nhận, chắc chắn sẽ thấy những chuyện tốt như vậy cũng là chuyện thường giữa bao điều tốt đẹp bình dị khác trong đời, dẫu cái ác, cái xấu đang ngày càng phơi bày lộ liễu. Nếu buộc phải làm đề bài viết cảm tưởng về những câu chuyện tốt đẹp đang lan truyền đó, tôi chỉ còn cách tưởng tượng lòng mình đang “trào dâng niềm cảm phục” để dễ kiếm điểm, thay vì nói ngắn gọn rằng: Đó không là “hiện tượng đặc biệt” để ca ngợi hết lời.

Phản ánh theo trào lưu có vẻ là cách ra đề mở, rộng đường cho học sinh thể hiện suy nghĩ, quan điểm, nhưng suy cho cùng đó cũng là một kiểu “đóng” khác. Để học trò tự phát hiện một câu chuyện tình “rất xanh” của ông bà, cha mẹ, cô bác, anh chị mình hay của chú hàng xóm, ông bán chè, bà bán xôi trước trường học, ít nhất cũng có được nửa câu chuyện đẹp nào đó khiến các em rung rinh cảm xúc. Để học sinh tự chia sẻ một tình huống mà bản thân\bạn bè\người thân mình từng dũng cảm nhận lỗi hoặc từng không dũng cảm nhận lỗi, liệu những cách ra đề này có mở hơn và khiến các em chịu khó nhìn ngắm cuộc sống quanh mình hơn? Khi tự nhận ra điều tốt, không phải do ai đó gắn mác tốt, biết đâu các em sẽ thấy những “cơn bão” ấy cũng là thường và à nhận ra: Cuộc sống mà, cái tốt vẫn quanh đây.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.