.

Mùa Thu sớm với người cựu binh Đà Nẵng

.

Nhắc đến Mùa Thu, hầu như mọi người dân Việt đều nghĩ tới Cách mạng Tháng Tám, vì từ đây, nước Việt Nam mới thực sự hiện diện trên bản đồ thế giới là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, sau Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945.

Đại tá Lâm Quang Minh (thứ 2 từ trái sang) với các cựu chiến binh Sư đoàn 324. Ảnh: Internet
Đại tá Lâm Quang Minh (thứ 2 từ trái sang) với các cựu chiến binh Sư đoàn 324. Ảnh: Internet

Đó là điều mọi người đã biết. Riêng với người cựu binh Lâm Quang Minh ở Đà Nẵng, mùa Thu hình như đến sớm hơn vì cuộc đời ông gắn với một “hiện tượng lịch sử” - việc thành lập “Trường Thanh niên tiền tuyến Huế - 1945” (TTNTTH) ngay trước thềm cuộc Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt chế độ phong kiến, mở đầu một thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam.

Tròn 72 năm đã qua từ ngày đó. Sự kiện này sách báo đã nói nhiều; có điều năm nay, ngay ngày đầu tiên mùa Thu (1-7), từ Hà Nội, anh Phan Tân Hội, con trai luật sư Phan Anh - người đã cùng giáo sư Tạ Quang Bửu sáng lập TTNTTH - gọi điện nhắc tôi: “Ngày 4 tháng 7, anh ở Huế chứ? Chúng ta sẽ lại gặp nhau tại Bảo tàng Cách mạng. Lớp thanh niên tiền tuyến ngày xưa, có lẽ chỉ còn một mình đại tá Lâm Quang Minh từ Đà Nẵng ra dự thôi. Biết làm sao được!...”

Phải! Lớp học viên TTNTTH ngày ấy, mấy người nay còn lại cũng đã trên 90 tuổi! “Con Hùm Xám đường số 4” Đặng Văn Việt từng khiến nhiều tướng Pháp kính nể, cũng là người từng kéo lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên lên Kỳ đài Huế, báo hiệu chấm dứt triều đại phong kiến ở Việt Nam, hai năm trước, còn khiêu vũ được, nay đi lại đã phải chống nạng. Còn nhớ lần gặp trước, khi cùng ông Lâm Quang Minh chụp ảnh kỷ niệm bên tấm bia chứng tích TTNTTH vừa dựng trước Hoàng thành Huế, ông Đặng Văn Việt vui vẻ và ý nhị nói: “Rất khéo là còn hai chúng tôi - Việt và Minh! Đúng là Việt Minh mà!”…

Theo quy luật tạo hóa, thì ít năm nữa, sẽ không còn người nào. Cho dù vậy, thì truyền thống vẻ vang của TTNTTH còn mãi và đặc biệt hơn, TTNTTH đã để lại bài học luôn có tính thời sự: Bài học về hội tụ nhân tài cho đất nước. 43 học viên TTNTTH, không ít người là con nhà quyền quý, quan lại, hoàng tộc, nhưng tất cả đã nhẹ nhàng từ bỏ đời sống an nhàn sung túc, theo tiếng gọi cách mạng và về sau hầu hết trở nên những nhân tài của đất nước.

Nói về TTNTTH, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Trước Cách mạng Tháng Tám, luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu - hai nhà trí thức yêu nước đã tập hợp hơn 40 học sinh sinh viên, những thanh niên trí thức tổ chức ra “Trường thanh niên tiền tuyến Huế”… Trải qua quá trình tham gia cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc xâm lược, nhiều anh em đã tham gia quân đội, trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp…”

Không phải ngẫu nhiên, những người trí thức trẻ tuổi, hầu hết xuất thân từ các gia đình quyền quý thuộc chế độ cũ đã “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Họ sẵn sàng đi theo cách mạng, không tính thiệt hơn, không sợ hy sinh gian khổ vì họ biết Việt Minh với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chiến đấu vì đại nghĩa, vì độc lập và tự do cho Tổ quốc, Hạnh phúc cho Nhân dân, chứ không vì lợi ích một phe nhóm nào. Chính vì thế, TTNTTH mới trở thành nơi hội tụ nhân tài, đã có đóng góp đáng kể cho thắng lợi Cách mạng Mùa Thu ở Huế và cả trong hai cuộc trường chinh của dân tộc.

Nhắc đến TTNTTH, chúng ta cũng không nên quên người được mời làm hiệu trưởng lại là ông Phan Tử Lăng, Chỉ huy trưởng Đội Bảo an binh, từng tốt nghiệp khoá đào tạo sĩ quan lục quân của Pháp (cùng lớp với tướng Dương Văn Minh!) - người đã có vai trò không thể phủ nhận trong Cách mạng Tháng Tám - bàn giao toàn bộ súng ống cho Việt Minh trước ngày khởi nghĩa. Có lẽ cũng nên nói thêm: Nhờ biết chọn người “Hiệu trưởng” giỏi chuyên môn, nên nhiều “sinh viên”, tuy chỉ được huấn luyện thời gian ngắn, có cơ sở để trở nên những chỉ huy quân sự tài giỏi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, trong đó có đại tá Lâm Quang Minh, người con của đất Quảng anh hùng.

Đúng là trong lễ kỷ niệm 72 năm TTNTTH tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 4-7-2017, người cựu sinh viên duy nhất của ngôi trường đặc biệt này còn về Huế tham dự là Lâm Quang Minh. Trong vóc dáng cao, gầy-như-không-thể gầy hơn, vị đại tá 95 tuổi, tuy giọng nói không còn âm vang như thời còn đứng trước “ba quân”, nhưng vẫn sáng suốt với vai trò diễn giả chính, nhỏ nhẹ trình bày quá trình thành lập và những đóng góp lớn  của các sinh viên TTNTTH đối với Cách mạng Tháng Tám và suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc… nhưng không hề nói đến công lao của riêng mình. Ông Lâm Quang Minh, cũng như hầu hết lớp người từng làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 đều hết lòng vì đại nghĩa, không tơ hào một cái kim sợi chỉ của nhân dân.

Trong bản thảo hồi ký “Tự hào được cống hiến tuổi xuân” viết năm 2008, dành cho con cháu và bạn bè thân quen, ông Lâm Quang Minh tự nhận mình “chỉ là một hạt cát trên bãi biển bao la, so với bao nhiêu xương máu của bao đồng đội, đồng chí đã đổ xuống…”. Ông không nói gì nhiều về quãng thời gian 35 năm trời ròng rã trong đời bộ đội của mình, mà dành rất nhiều trang viết về những đóng góp to lớn của đồng đội, của nhân dân quê mình, trong đó có “Đội quân tóc dài” và “Tổ thiếu niên Sống như Anh” ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang)…, mặc dù ông từng trải qua trận mạc trên các chiến trường ác liệt và đảm nhiệm nhiều chức vụ thật đáng… nể, từ Trung đội trưởng, Chi đội Giải phóng quân đầu tiên ở Huế 1945, đến Đại đội trưởng Mặt trận Nha Trang 1946; năm 1947 đã là Tham mưu trưởng sư đoàn… Trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi dự lớp bổ túc về pháo binh, ông liên tục đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong Bộ tư lệnh Pháo binh Quân khu 4, rồi Quân khu 5… Đặc biệt, ông là người có vinh dự được gặp Bác Hồ rất nhiều lần.

Trước khi kết thúc buổi lễ kỷ niệm TTNTTH, mọi người quá bất ngờ thấy vị đại tá 95 tuổi như sống lại tuổi thanh xuân của mình, khi ông nhắc đến người vợ từng sống ở nhà bà con bên ngoại ở Huế cho đến năm 14 tuổi, rồi thích thú sắm “vai” diễn viên đọc bài thơ được truyền tụng thời học sinh Quốc học Huế năm 1941-1943. Những vần thơ với rất nhiều từ địa phương nghe thật vui, có “tuổi thọ” trên 70 năm. “Răng mà cứ theo tui hoài rứa / Cái ông ni mới dị chưa tề / Sớm trưa chiều ba bữa đi về / Đưa với đón làm chi không biết / Ôi đôi mắt chi mà tha thiết / Xin đừng nhìn làm loạn bước tôi đi / Lá thư tình ông gửi làm chi / Cha mạ biết rầy la tui chết…”.

Đã đành, cùng lớp TTNTTH ngày ấy còn nhiều người có chiến công rất oanh liệt, nhưng chỉ riêng anh Lâm Quang Minh đã là bằng chứng sáng tỏ rằng lớp thanh niên trí thức góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám mùa thu 1945, theo tiếng gọi cứu nước khi lâm nguy, với trí tuệ và nhân cách dáng trọng, đã bền bỉ đi suốt hai cuộc trường chinh của dân tộc, đem lại độc lập và hòa bình cho Đất Nước.

Từ ngày Thu sớm năm 1945 ấy đến Thu này bảy mươi hai năm, Tổ quốc Việt Nam đã giành được độc lập, nhưng cuộc đấu tranh để bảo vệ “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…những lẽ phải không ai chối cãi được” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố ngày 2-9-1945 vẫn rất cam go và phức tạp. Trong bối cảnh đó, khi đất nước chúng ta đang trăn trở tìm kế sách để thực sự Đổi Mới toàn diện, bài học tập hợp trí thức, hội tụ nhân tài và tấm gương những con người có trí tuệ và nhân cách đã làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 lại càng có ý nghĩa, vẫn là chuyện thời sự của hôm nay.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.