Nghĩ

Truyền thông quá "nóng"

Suốt những ngày diễn ra sự kiện đội bóng nhí Thái Lan được giải cứu khỏi hang Tham Luang, thao tác đầu tiên mỗi khi tôi lướt tay lên bàn phím điện thoại/máy tính là tìm đọc những thông tin mới nhất liên quan đến các “chú Lợn Hoang” ở Thái Lan. Ba mẹ các em có ôm con được chưa? Các em nói gì sau những ngày được giải cứu? Chừng nào các em ra viện về nhà?... Ngồn ngộn câu hỏi và sự hóng hớt dường như không thể dứt, đến mức những thông tin nhỏ lẻ, dù chỉ là phỏng đoán cũng có chút ý nghĩa giúp mình giải “cơn khát” thông tin về đội bóng thiếu niên này.

Và khi tay tôi lướt tìm thông tin về các em thì chính tôi cũng hoang mang nghĩ: Hôm nay, sau khoảng 10 ngày toàn bộ 13 thành viên đội bóng và huấn luyện viên được cứu ra khỏi hang an toàn, các em chắc sẽ phải cần thêm một cuộc “giải cứu” nữa, đó là giải thoát khỏi sự đeo bám quá giới hạn của truyền thông và sự nổi tiếng bất đắc dĩ. Nghĩ cũng lạ, “cơn khát” tin tức dường như hễ được đáp ứng là lại càng khát, nhất là khi hàng triệu người trên thế giới vẫn dõi theo từng diễn biến của “hậu” giải cứu đội bóng khỏi hang thì các cơ quan truyền thông sẽ cố tìm mọi cách đáp ứng sự tò mò của công chúng. Có thể mường tượng với đà này, tất tần tật mọi thứ về các em sẽ được khai thác triệt để trên phương tiện thông tin đại chúng, từ báo giấy, báo mạng, báo hình… trong và ngoài nước. Thậm chí, các em còn gây sốt hơn cả những ngôi sao tuổi teen. Việc các em ăn được món gì; sụt cân, lên ký ra sao; bác sĩ còn cấm các em thức khuya nữa không; hôm nào các em lại được chạm chân vào bóng; thậm chí sau này các em ứng xử với người khác ra sao… chắc rồi sẽ bị mang ra mổ xẻ; kể cả chuyện các em “trổ giò” trông như thế nào so với ngày được giải cứu hẳn sẽ rất “nóng”. Khi báo chí chăm chăm hướng đến mục tiêu trở thành kẻ nắm thông tin đầu tiên, thì quyền riêng tư của các em… chẳng là gì cả. Những nhà báo cũng bỗng chốc trở thành các paparazzi (thợ săn ảnh) thứ thiệt, cốt sao soi được, chộp được càng nhiều nhất cử, nhất động của những thành viên Lợn Hoang càng quý.

Phải nói rằng, nhờ những tờ báo nhanh nhạy, những người làm báo năng động khắp thế giới, chúng ta ngồi ở đâu cũng được cập nhật thông tin liên tục từ hang Tham Luang hay Bệnh viện tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Nhưng sự nhanh nhạy nhiều lúc lại bị “nhanh quá”, nên cùng với việc được cập nhật tin tức, chúng ta cũng đã chứng kiến sự “loạn xà ngầu” thông tin. Còn nhớ, mỗi ngày trong quá trình giải cứu, chỉ huy chiến dịch chỉ thông tin chính thức đến tất cả các cơ quan truyền thông đang đổ về Thái Lan thông qua một cuộc họp báo, nhưng chúng ta vẫn có thể xem, nghe, đọc liên tục nhiều nguồn tin phát biểu. Nào là “một nhân chứng cho biết”, “một tờ báo lớn của Thái Lan cho hay”, “một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ dẫn lời một người đứng gần đó nói rằng”… Có cơ quan truyền thông sử dụng cả thiết bị bay không người lái để tiếp cận trực thăng đang làm nhiệm vụ giải cứu, bất chấp hành động này đi quá giới hạn của báo chí và không thể chấp nhận trong bối cảnh an toàn của các em cũng như của lực lượng cứu hộ phải được đặt lên hàng đầu. Điều này đủ cho thấy viễn cảnh các em trở thành “con mồi”, nói một cách rất báo chí là trở thành “nguồn đề tài” bất tận cho truyền thông, chẳng có lý do gì không diễn ra.

Ranh giới của nhiệm vụ đưa tin và sự soi mói trong những sự kiện sốt dẻo thế này rất mong manh, nhưng trong chừng mực, người làm báo vẫn có thể biết được giới hạn nếu nghĩ đến quyền riêng tư và hậu quả của việc các em bị “lôi ra ánh sáng” quá nhiều. Tôi thích cách nhìn nhận của ông Narongsak Osotthanakorn - chỉ huy chiến dịch này, rằng: “Chúng tôi không xem trẻ con có lỗi hay anh hùng. Chúng chỉ là những đứa trẻ và đó là tai nạn”. Nếu quả thật báo chí đã đưa đúng nguyên văn câu nói này từ người chỉ huy chiến dịch, thì có chút gì đó để chúng ta yên tâm rằng các em sẽ được bảo vệ tốt hơn trước sự “bơm thổi” của dư luận.

Sẽ có phim về các em và câu chuyện về cuộc giải cứu rồi sẽ được nhắc nhiều như một minh chứng sống động cho niềm hy vọng, lòng quả cảm, tinh thần lạc quan, sức mạnh của sự sẻ chia, tình đoàn kết. Nhưng liệu cái kết của câu chuyện này vẫn đẹp như vốn có, hay những đứa trẻ sẽ lại “mắc kẹt” trong cái bẫy của sự nổi tiếng bởi truyền thông quá đà. Mắc kẹt trong hang hậu quả có thể thấy ngay, nhưng mắc kẹt trong sự nổi tiếng thì hậu quả đến từ từ hoặc vô hình và giải thoát được đến đâu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào bản lĩnh của người trong cuộc. Mà người trong cuộc ở đây lại là những đứa trẻ chưa từng chạm va với ánh hào quang để có thể lường trước mặt trái của nó.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.