.

Những ngôi trường "bên tê" Hàn

.

Trước năm 1962, vùng đất quận Ba không có nổi một ngôi trường trung học. Trải qua bao sự đổi thay, quận Ba giờ đã có đến 3 ngôi trường bậc trung học phổ thông, mở ra bao cánh cửa cho lớp lớp học sinh nghèo vùng biển, vùng sông nước nhà chồ được bước tiếp con đường học vấn.

Ngôi trường khang trang, thoáng đãng, học sinh trong trang phục chỉnh tề là những hình ảnh dễ nhìn thấy khi đến Trường THPT Tôn Thất Tùng ngày nay. Ảnh: Q.T
Ngôi trường khang trang, thoáng đãng, học sinh trong trang phục chỉnh tề là những hình ảnh dễ nhìn thấy khi đến Trường THPT Tôn Thất Tùng ngày nay. Ảnh: Q.T

Từ một ngôi trường 50 năm tuổi

Thời ấy, ở quận Ba, đại đa số học sinh sau khi lấy được bằng tiểu học đều không thể tiếp tục bậc trung học. Trước tình hình đó, đại diện Hội phụ huynh học sinh Trường tiểu học An Hải đã vận động chính quyền thành phố cho xây dựng một trường trung học và đến ngày 15-9-1963, Trường Trung học Đông Giang ra đời. Đến năm học 1975-1976, trường mang  tên vị lãnh tụ phong trào Yên Thế - Hoàng Hoa Thám.

Từ ngày nhận trọng trách bồi đắp văn hóa cho người dân ở vùng đất bên tê sông Hàn đến nay, ngôi trường này luôn giữ vững ngọn cờ đầu trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Từ những năm đầu chỉ vỏn vẹn 10 lớp với 500 học sinh, hiện nay, toàn trường có 38 lớp với hơn 1.500 học sinh.

Tự bao giờ, Trường THPT Hoàng Hoa Thám trở thành điểm đến của những học sinh khá, giỏi của hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Điểm chuẩn đầu vào trên toàn thành phố chỉ đứng sau Trường THPT Phan Châu Trinh. Năm học 2014-2015, năm đầu tiên thí điểm kỳ thi quốc gia chung, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh là 99,5% và 86,1% đỗ đại học, cao đẳng. 50 năm không phải là dài với lịch sử một đất nước nhưng không phải là ngắn với sự bền vững của một ngôi trường.

Cô Lê Thị Bích Thuận, mới giữ chức Hiệu trưởng nhà trường từ tháng 5-2015 cho biết, chất lượng dạy và học cao và ổn định theo năm tháng là niềm tự hào nhưng cũng tạo không ít áp lực cho những hiệu trưởng kế nhiệm. Từ ngày giữ trọng trách hiệu trưởng, hằng ngày, hằng giờ cô đều trăn trở, quan tâm nhất là làm sao giữ được bề dày truyền thống hiếu học của nhà trường đã được thầy và trò Đông Giang-Hoàng Hoa Thám gìn giữ suốt nhiều năm qua.

Ngoài phong trào dạy và học đi đầu trong khối THPT ở quận Ba, điểm mạnh của trường là công tác khuyến học của cựu học sinh. Trưởng thành từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh đã thành danh trên nhiều lĩnh vực công tác. Rất nhiều thế hệ học sinh bước ra từ mái tranh nghèo, với ý chí, nghị lực cùng sự tiếp sức của thầy cô giáo, đã vượt qua nghịch cảnh để thành tài và nhiều người trong số họ đã quay trở lại, góp sức cùng với nhà trường dìu dắt lớp đàn em sau vững tin trên con đường học vấn.

“Quỹ khuyến học Đông Giang-Hoàng Hoa Thám” và “Quỹ khuyến học ân tình Đông Giang-Hoàng Hoa Thám” do cựu giáo viên, cựu học sinh của trường ra đời với mong muốn tiếp sức cho bao hoàn cảnh khó khăn không phải ngừng chân trước con đường đầy mơ ước của mình. Đơn cử, năm học 2009-2010, “Quỹ Đông Giang-Hoàng Hoa Thám” đã hỗ trợ cho em Nguyễn Ái Phương (khóa 2009-2012) có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ tiếp tục hành trình học hành và hiện em đã đỗ vào Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Đến những ngôi trường “sân sau”

Bên cạnh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, địa bàn quận Ba còn có 2 trường THPT “sinh sau đẻ muộn” nữa là Ngô Quyền và Tôn Thất Tùng. Sự ra đời của hai ngôi trường này đã đem đến cơ hội học tập cho biết bao học trò ở vùng đất còn nghèo khó có cơ hội bước chân vào cấp học cuối cùng của đời học sinh.

Trường THPT Ngô Quyền thành lập từ năm 1975, tiền thân là Trường Phổ thông Lao động số 1 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Trường Bổ túc văn hóa tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ năm 1995, nhà trường chấm dứt nhiệm vụ bổ túc văn hóa, chuyển sang nhiệm vụ giáo dục THPT, đổi tên thành Trường THPT bán công Ngô Quyền, rồi sau đó là THPT Ngô Quyền (năm 2008).

Tròn 20 năm, những ai chứng kiến ngôi trường từ khi mới thành lập đến nay mới thấy được sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Từ ngôi trường tập trung những học sinh có học lực yếu, ham chơi, quậy phá, nền nếp chệch choạc, rớt tốt nghiệp như “sung rụng” thì giờ đây, đỗ tốt nghiệp không còn là mục tiêu chật vật của thầy và trò, và nhà trường đang hướng đến việc ngày càng nhiều học sinh đỗ đại học.

Từ ngôi trường mà nghe tên là phụ huynh ít nhiều thấy bất an, bởi không chỉ chất lượng thấp mà cơ sở vật chất của trường cũng rất yếu kém. Phòng học, tường rào cũ kỹ, rêu phong; mùa nắng, nóng như đổ lửa, mùa mưa nước đọng, bùn lầy...; đến năm 2008, trong công cuộc chỉnh trang đô thị, trường được đầu tư xây mới hoàn toàn. Giờ đây, học trò Trường THPT Ngô Quyền tràn đầy tự hào khi được học trong ngôi trường mới khang trang, rợp bóng cây xanh.

Trong nỗ lực đổi thay đó, không thể không kể đến sự hy sinh thầm lặng của những giáo viên chủ nhiệm tâm lý, thương yêu, dìu dắt những học trò lầm đường lạc lối về lại với ánh sáng tri thức. Đó là cô Lê Thị Tuyết Minh, cô Hồ Thị Hà… Trong trường, các bạn học sinh vẫn truyền tai nhau câu chuyện về một bạn học sinh (xin được giấu tên) ở khu vực phường An Hải Bắc rất bướng bỉnh, quậy phá. Nhưng cô Tuyết Minh đã bằng tình yêu thương, gần gũi, sẻ chia, hướng em trở lại bản tính thiện lành của một học trò.

Thầy Lê Phước Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, sự tiến bộ nổi bật của trường là sự thay đổi về mặt nền nếp, tác phong học sinh. Nhà trường tự hào khi sở hữu một đội ngũ giáo viên tâm huyết, hết lòng với học trò.

Mặc dù điểm đầu vào của trường thuộc “top” thấp nhất, nhì thành phố, nhưng những năm qua, trường cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm nào, trường cũng có học sinh đạt giải cấp thành phố. Đặc biệt trong năm học 2014-2015, mặc dù là năm đầu tiên thí điểm kỳ thi quốc gia chung nên kết quả tốt nghiệp của trường thấp hơn so với mọi năm nhưng cũng có một số học sinh đạt điểm trên 24. Đây là tín hiệu, có tác dụng cổ vũ thầy trò nhà trường nỗ lực hơn nữa trong những năm đến để đạt thành tích tốt hơn.

Trước đây, ở quận Sơn Trà, những em không vào được Trường THPT Hoàng Hoa Thám (công lập), thì vào THPT Ngô Quyền (bán công). Nếu học sinh học yếu không thể vào công lập nhưng không có tiền để đóng học phí  thì phải vào tận Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) để  học. Từ thực tế đó, năm 2004, Trường THPT Tôn Thất Tùng ra đời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thành phố đối với công tác giáo dục cho con em vùng khó khăn phía Bắc Sơn Trà. Sự ra đời muộn mằn với ban đầu chỉ có 26 thầy cô giáo và 9 lớp học, trong đó có 3 lớp chuyển về từ Trường THPT Ngũ Hành Sơn, có lẽ là năm học đầy nhọc nhằn, gian khó của thầy trò nhà trường.

Cô Lê Thị Hòa (giáo viên môn Lịch sử), người gắn bó với ngôi trường từ những ngày đầu thành lập đến nay nhớ lại, ngày mới thành lập, trường không được xây mới hoàn toàn mà là sử dụng cơ sở 2 của Trường THCS Lê Độ. Bàn ghế dành cho học sinh cấp 2 nên thấp, diện tích phòng nhỏ. Sân trường chỉ có vài cây nhỏ, sức sống yếu ớt, xung quanh trường hoang vắng, cỏ lau mọc um tùm cao quá đầu người; phía bắc trường có vài hộ dân sinh sống. Ngay sau trường, sát tường rào còn thấy lác đác những ống tiêm như là có người sử dụng ma túy…

Có đến 70% học sinh là con em ngư dân theo học ở trường, do đó việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường không thể nào thuận tiện như nhiều ngôi trường khác. Mỗi khi nhà trường cần trao đổi với phụ huynh qua điện thoại, thì cha đang lênh đênh ngoài khơi, mẹ tảo tần ngoài chợ cá. Thêm vào đó, thu nhập của ngư dân bấp bênh, gần một nửa học sinh đang theo học tại trường thuộc hộ nghèo và cận nghèo của thành phố. Việc bỏ học giữa chừng của học sinh từng là vấn nạn của nhà trường. Không biết bao lần thầy cô phải đến tận nhà để động viên phụ huynh, động viên các em khi nhận thấy học trò có dấu hiệu “nhấp nháy” muốn rời lớp học.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Tôn Thất Tùng  hôm nay tự hào vươn mình trong nắng gió Sơn Trà, từng bước khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa trong khối THPT trên thành phố. Ngôi trường đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy bảo đảm cho tương lai của các thế  hệ học trò và niềm tin của nhân dân vùng Bắc quận Sơn Trà, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm ngang với mặt bằng thành phố, tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học và cao đẳng tăng dần theo từng năm, khoảng 60% vào năm 2014.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.