Hiệu quả từ mô hình sơ cấp cứu

.

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 15 điểm sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố quản lý. Những năm qua, mô hình này đã mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Các tình nguyện viên Chữ thập đỏ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu thăm hỏi một bệnh nhân.
Các tình nguyện viên Chữ thập đỏ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu thăm hỏi một bệnh nhân.

Giữa trưa nắng, trên đường Hoàng Văn Thái (thuộc địa phận phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa ô-tô và xe máy. Chứng kiến cảnh người điều khiển xe máy ngã xuống đường bất tỉnh, chị Huỳnh Thị Diệu (hội viên CTĐ), chủ quán cơm bình dân ở cạnh đó liền gọi điện cho ông Nguyễn Văn Thị, Chủ tịch Hội CTĐ phường Hòa Minh, phụ trách điểm sơ cấp cứu tại số 406 Tôn Đức Thắng. Lập tức, ông Thị cùng 2 tình nguyện viên (TNV) mang theo túi thuốc cấp cứu và nẹp cố định có mặt tại hiện trường. Các TNV nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi an toàn, băng bó, cầm máu, cố định xương cẳng tay bị gãy, đồng thời gọi Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng đến chở nạn nhân vào Bệnh viện Giao thông vận tải. Ông Thị cùng đến bệnh viện, giữ giúp đồ đạc cá nhân của nạn nhân và tìm số điện thoại của người nhà nạn nhân để thông báo tình hình. Khi người nhà đến, ông Thị kể lại vụ việc và bàn giao đầy đủ vật dụng, tư trang của nạn nhân cho gia đình…

Đó là một trong hàng trăm vụ tai nạn được đội ngũ cán bộ, hội viên và TNV CTĐ hỗ trợ trong thời gian qua. Từ đầu năm 2017 đến nay, các đội TNV xử lý kịp thời 52 trường hợp tai nạn giao thông, trong đó 37 nạn nhân được sơ cấp cứu và chuyển đến bệnh viện, 15 nạn nhân bị thương tích nhẹ được xử lý vết thương tại chỗ.

Các TNV hằng ngày mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau, khi có tai nạn, họ lập tức bắt tay vào nhiệm vụ sơ cấp cứu nhằm cứu giúp người bị nạn. Nhiều TNV làm nghề xe ôm, trong cốp xe thường xuyên có túi thuốc sơ cấp cứu. Cụ thể như TNV Phạm Tấn Lực (nhà ở đường Tô Hiệu, quận Liên Chiểu) đang chở khách trên đường Nguyễn Tất Thành thì thấy một người bị tai nạn giao thông ngất xỉu, liền sang khách cho xe khác để sơ cấp cứu nạn nhân và đưa nạn nhân đến bệnh viện. Xử lý xong mọi việc, ông mới về nhà…

Toàn thành phố hiện có 15 điểm sơ cấp cứu CTĐ được Sở Y tế thành phố cấp phép hoạt động với tổng số hơn 100 TNV. Tất cả TNV đã được tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu, nắm vững nguyên tắc xử lý, thành thạo các động tác băng bó, cầm máu, cố định xương gãy, phương pháp di chuyển nạn nhân và các kỹ năng thông thường, được Hội CTĐ thành phố cấp thẻ “TNV sơ cấp cứu”.

Các điểm sơ cấp cứu đều được Hội CTĐ thành phố trang bị túi cấp cứu với thuốc và dụng cụ cần thiết. Ngoài ra, có những điểm còn được các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí mua sắm thêm nhiều loại thuốc. Đơn cử như điểm sơ cấp cứu tại 223 Nguyễn Tri Phương được 51 đảng viên đồng thời là hội viên CTĐ ở khu dân cư số 17 phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) ủng hộ kinh phí, mua đầy đủ các loại dụng cụ, thuốc men bảo đảm cho việc sơ cấp cứu. Trong 4 tháng đầu năm 2017, điểm sơ cấp cứu này xử lý kịp thời, hiệu quả đối với 9 nạn nhân bị tai nạn giao thông và tai nạn lao động.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.