Nhiều "kênh" thoát nghèo

Từ việc huy động xã hội hóa các nguồn lực cho đến hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, chỉ trong 6 tháng đầu năm, thành phố Đà Nẵng đã giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo.

Đầu tháng 7 vừa qua, người dân quận Ngũ Hành Sơn đón nhận tin vui là UBND quận ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Silver Shores hỗ trợ cho gia đình chính sách, người nghèo trên địa bàn quận. Theo đó, từ năm 2017 đến 2021, địa phương và đơn vị này sẽ dành 3 tỷ đồng hỗ trợ 30 gia đình chính sách, người nghèo xây dựng, sửa chữa nhà. Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores cũng ưu tiên tiếp nhận người địa phương vào công ty làm việc.

Nhiều năm qua, chính quyền các cấp và ban, ngành quận Ngũ Hành Sơn đã đứng ra làm cầu nối với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho người dân. Theo anh Lê Văn Nghĩa, người dân ở phường Hòa Hải, trước đây anh không có việc làm do đất sản xuất nằm trong diện quy hoạch của thành phố.

Tuy nhiên, nhờ sự giới thiệu của địa phương, anh đã xin được việc làm nhân viên chăm sóc cây xanh ở khu nghỉ dưỡng Furama nên có thu nhập ổn định. Anh cũng giới thiệu một số người vào làm ở các khu nghỉ mát, khách sạn trên địa bàn quận.

Không riêng quận Ngũ Hành Sơn, từ nhiều năm nay, chính quyền các địa phương, các sở, ngành của thành phố Đà Nẵng đều có nhiều biện pháp giúp đỡ người nghèo theo hướng bền vững như: hỗ trợ đào tạo và giới thiệu việc làm, vay vốn ưu đãi... Đơn cử như từ nguồn kinh phí của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Tổng Liên đoàn Lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 550 gia đình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) vay với tổng số tiền gần 2,6 tỷ đồng; qua đó góp phần tạo việc làm ổn định cho gần 700 lao động.

Đặc biệt, thành phố thành lập Quỹ hỗ trợ vốn cho CNVCLĐ nghèo; đến nay đã có gần 700 trường hợp tiếp cận nguồn vốn này để làm ăn. Với trên 120.000 CNVCLĐ ở thành phố, đây là con số còn khá khiêm tốn, tuy nhiên với chính sách cho vay xoay vòng (thời hạn vay 24 tháng), sẽ còn nhiều CNVCLĐ tiếp tục được vay nguồn vốn này. Bên cạnh các chính sách dành cho CNLĐ nghèo, thời gian qua, thành phố cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ngoài việc nghiêm túc triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân hoạt động đánh bắt, chế biến thủy hải sản, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 3922/QĐ-UBND về việc thành lập và quy định, sử dụng Quỹ hỗ trợ ngư dân thành phố Đà Nẵng. Tính đến nay, đã có gần 410 tỷ đồng được hỗ trợ trực tiếp đến ngư dân, giúp họ khắc phục, sửa chữa tàu bị hư hỏng, đóng mới tàu vươn khơi cũng như trang bị thêm thiết bị đánh bắt hải sản hiện đại. Ngư dân Đào Anh Bình (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, nhờ nguồn hỗ trợ của thành phố, tàu đánh cá của ông được trang bị động cơ mới thay cho động cơ cũ đã trên 10 năm hoạt động thường xuyên bị trục trặc.

Song song đó, thành phố còn triển khai Quỹ vì người nghèo với cơ quan chủ quản là Mặt trận Tổ quốc các cấp từ thành phố đến phường, xã. Chỉ riêng trong năm 2016, với nguồn kinh phí huy động trên 30 tỷ đồng, Quỹ vì người nghèo đã xây dựng được trên 600 nhà đại đoàn kết, giúp gần 700 hộ nghèo phát triển sản xuất và gần 2.000 học sinh có điều kiện đến trường... Năm 2017, Mặt trận các cấp hỗ trợ sửa chữa và xây mới 500 ngôi nhà đại đoàn kết và hỗ trợ hộ nghèo có phương tiện sản xuất kinh doanh.
Với nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, công tác giảm nghèo của thành phố đã đạt kết quả rất tốt. Điều này không chỉ thể hiện ở con số giảm nghèo qua từng năm, mà còn thể hiện ở số hộ tái nghèo giảm mạnh. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH thành phố, trong năm 2016, Đà Nẵng có 7.915 hộ thoát nghèo, đạt 172,07% so với kế hoạch, hộ tái nghèo chỉ có 719 hộ.

T.S
 

;
.
.
.
.
.