Doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch

.

Với dân số hơn 1 triệu người, thị trường Đà Nẵng hằng năm tiêu thụ số lượng thực phẩm nông sản, thủy sản tươi sống khá lớn. Đây là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, có một số doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất nông nghiệp sạch nhưng mới ở quy mô nhỏ lẻ. Thiếu vốn, thiếu quỹ đất là hai trở ngại lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khi họ muốn tham gia lĩnh vực này.

Một góc khu trồng trọt áp dụng các tiêu chí sạch của anh Phan Tuấn Anh ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. 						                Ảnh: HOÀNG LINH
Một góc khu trồng trọt áp dụng các tiêu chí sạch của anh Phan Tuấn Anh ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG LINH

Anh Phan Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Hoàng Phúc (số 6 Phan Đăng Lưu), đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp cho biết, từ năm 2016, ngoài mảng kinh doanh chính, ông còn thuê 1 ha đất ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) hình thành khu chăn nuôi, trồng trọt bảo đảm sạch, an toàn, nói “không” với thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, với số vốn đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, khu nuôi trồng đã đi vào ổn định với hàng chục loại gia súc, gia cầm được nuôi thả; hơn 20 loại rau và cây ăn quả cho thu hoạch thường xuyên, phục vụ gần 100 hộ gia đình. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, tại địa chỉ của công ty ở số 6 Phan Đăng Lưu còn có cửa hàng chuyên bán các sản phẩm rau, củ, quả sạch được lấy từ khu nuôi trồng này.

Tuy nhiên, theo anh Phan Tuấn Anh, với quy mô như hiện nay, khu nuôi trồng chỉ ở mức kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún. Mong muốn của anh là thuê được diện tích đất rộng hơn để triển khai ý tưởng về nông nghiệp sạch mà anh ấp ủ. “Để làm nông nghiệp sạch bài bản, quỹ đất là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tôi muốn hình thành một khu nuôi, trồng, chăn thả hoàn toàn tự nhiên. Bên cạnh việc cung cấp thực phẩm sạch cho người dân trên địa bàn và các vùng lân cận, sẽ hình thành các khu giải trí, tham quan cho học sinh, người lớn có thể đến trải nghiệm. Trẻ em ở thành phố bây giờ học đến bậc THCS nhưng chỉ thấy động vật, cây trồng qua sách vở chứ không có trải nghiệm thực tế. Để thực hiện ý tưởng này, tôi cần 30 - 40ha đất nhưng chưa thuê được”, anh Tuấn Anh cho hay.

Là người đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Trần Quang Minh, Giám đốc Công ty CP Tổ chức sự kiện Gala Việt cho rằng, muốn làm nông nghiệp sạch, phải có quỹ đất lớn và vị trí thích hợp. Hơn 2 năm nay, anh Minh tìm tòi, học hỏi các phương pháp thủy canh và hình thành vườn rau, củ, quả, đủ để tự cung tự cấp cho gia đình. Bên cạnh đó, do chưa tìm được mặt bằng cần thiết nên từ năm 2015, anh Minh chủ động góp vốn đầu tư cùng một số bạn bè thuê đất và hình thành nên khu nông nghiệp sạch với diện tích hơn 1.000m2 ở thành phố Đà Lạt với số vốn đầu tư nhà xưởng, cơ sở vật chất hơn 1 tỷ đồng. Từ cuối năm 2015, khu vườn này đã xuất ra thị trường các tỉnh, thành phố như Đà Lạt, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... khoảng 400kg rau, củ sạch các loại trong một tháng.

Anh Phan Tuấn Anh và anh Trần Quang Minh là những doanh nhân trẻ trên địa bàn thành phố quan tâm và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Song, hai anh đều cho rằng, quy mô triển khai của mình còn nhỏ bé, trong khi hiện nay nhu cầu thực phẩm sạch của người dân rất lớn, đây là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nếu được thuê đất với diện tích hợp lý.

Trên địa bàn thành phố hiện chỉ có một số hợp tác xã, đơn vị tham gia làm nông nghiệp sạch nhưng còn nhỏ, lẻ, chưa hình thành chuỗi cung ứng chuyên nghiệp. Các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn phần lớn kinh doanh theo hình thức mua đi bán lại. Các sản phẩm mới chỉ đáp ứng được tiêu chí an toàn, chưa đúng nghĩa “sạch” (không phân bón, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu...). Muốn có sản phẩm “sạch”, phải nuôi, trồng theo phương pháp hữu cơ, áp dụng công nghệ tiên tiến với các tiêu chí khắt khe.

Thực tế, trong chương trình “Thành phố 4 an”, thành phố cũng triển khai nhiều biện pháp để lo bữa ăn an toàn cho người dân và du khách. Thành phố cũng đã quy hoạch một số vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các xã Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Phong (huyện Hòa Vang), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn)... Tuy vậy, những nỗ lực kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn vì nguồn hàng thực phẩm rau, quả cung cấp cho người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng chủ yếu được nhập từ ngoài tỉnh với số lượng rất lớn. Tại các hội nghị của Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãnh đạo thành phố nhiều lần nhấn mạnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, có tinh thần cầu thị lắng nghe và giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có các vấn đề về vốn, mặt bằng. Đặc biệt, thành phố đã có chủ trương hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích từ 100-200ha nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu có thể tham gia.

HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.