Đà Nẵng là địa phương thứ hai trên cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP). Trong hơn 1 năm qua, việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này trên địa bàn thành phố đã có biến chuyển tích cực. Đầu tiên phải kể đến là những thói quen hằng ngày trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được thay đổi.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, một trong những mục tiêu BQL hướng đến ngay khi tiếp nhận nhiệm vụ là thay đổi thói quen trong sản xuất, tiêu dùng, bảo quản, chế biến thực phẩm.
“Rất nhiều vấn đề khi chúng tôi chỉ ra chủ cơ sở mới biết đó là hành vi vi phạm. Điều đó có nghĩa trong lĩnh vực này, lâu nay người ta vẫn đang xem nhẹ các quy định, quy chuẩn. Chính những thói quen đó làm cho thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng không còn bảo đảm chất lượng, thậm chí chứa độc tố”, ông Hải cho biết.
Xuất phát từ thực tế đó, hàng loạt cuộc thanh, kiểm tra được tiến hành, qua đó phát hiện nhiều mẫu nước uống đóng chai nhiễm coliform, trực khuẩn mủ xanh, liên cầu phân; nem, tré nhiễm ecoli, natribenzoat; phát hiện cà-phê có hàm lượng cafein, chì, orchatoxin vượt ngưỡng…
Một trong những khó khăn về kiểm soát thực phẩm thành phố phải đối mặt là phụ thuộc vào nguồn cung từ các địa phương khác. Theo thống kê, hiện có trên 80% nguồn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn Đà Nẵng, gồm: rau, trái cây, thủy sản và gia súc, gia cầm (để giết mổ) đều được nhập từ các tỉnh khác, chủ yếu qua các chợ đầu mối và cơ sở giết mổ tập trung.
Việc quản lý ATTP đối với nguồn hàng này còn bất cập. Sản phẩm trong chuỗi cung ứng phải qua nhiều khâu trung gian như cơ sở trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ bán cho cơ sở thu gom địa bàn (xã, huyện, tỉnh), đến cơ sở kinh doanh tại chợ Đầu mối Hòa Cường và các lò giết mổ ở Đà Nẵng, sau đó phân phối tiếp về các chợ truyền thống rồi mới đến người tiêu dùng cuối cùng.
“Như vậy, chuỗi cung ứng sản phẩm tươi sống như rau, trái cây, thịt phải trải qua nhiều tác nhân tham gia có liên quan trực tiếp đến ATTP. Thực tế này khiến việc quản lý, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm gặp khó khăn. Điều đáng lo ngại hơn, thịt tươi sống hiện nay nhiễm vi sinh khá cao với tỷ lệ 35 - 40%, nguyên nhân chủ yếu do điều kiện vệ sinh cơ sở giết mổ, vận chuyển và quầy hàng, dụng cụ, đồ dùng kinh doanh thịt tại các chợ không bảo đảm điều kiện vệ sinh.
Chính vì thế, việc thay đổi thói quen trong tất cả các khâu là rất quan trọng và cần thiết. Mỗi khâu, mỗi tác nhân chỉ cần hoàn thiện và bỏ dần những thói quen xấu gây mất vệ sinh thì việc bảo đảm ATTP là nhiệm vụ trong tầm tay”, ông Hải nhấn mạnh.
Tính đến hết năm 2018, thành phố đã ký kết hợp tác kiểm tra, giám sát ATTP với 7 tỉnh cung ứng thực phẩm cho thành phố. Việc ký kết nhằm tăng cường công tác quản lý ATTP đối với thực phẩm của các địa phương nhập vào thành phố, chia sẻ các thông tin về kết quả lấy mẫu giám sát ô nhiễm thực phẩm, minh bạch nguồn gốc tiếp cận, góp phần quảng bá thương hiệu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm ở phần “gốc” đã được triển khai, vấn đề còn lại nằm ở những “thói quen nhỏ” ở tất cả các khâu phân phối, vận chuyển, chế biến...
ĐẠI BÌNH