Nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa hè

.

Thời tiết mùa nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh, thực phẩm nhanh chóng bị biến chất, gia tăng nguy cơ ngộ độc. Theo cơ quan chức năng, các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai, song, để hiệu quả cần có sự chung tay của người tiêu dùng.

Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng hiện đang tiếp nhận, điều trị trên 40 bệnh nhân bị viêm dạ dày cấp, mà nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng thực phẩm kém chất lượng. Các bệnh nhân nhập viện đều có những triệu chứng chung như buồn nôn, ớn lạnh, tiêu chảy, đau cơ khớp, mất nước… Theo các bác sĩ tại đây, khi bị ngộ độc thực phẩm, các virus nhiễm khuẩn có trong thực phẩm, sau khi xâm nhập vào cơ thể gây suy giảm đề kháng và dễ dẫn đến nhiều nguy cơ. Đối với các bệnh nhân lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính, việc điều trị ngộ độc thực phẩm rất khó khăn do đề kháng cơ thể không bảo đảm.

Khảo sát dọc các tuyến phố, dưới cái nắng gay gắt gần 400C là những hàng quán vỉa hè bày bán thức ăn được bảo quản hết sức sơ sài trong các tủ không có kính bọc lại, giữa nắng gió và bụi đường. Điều đáng nói là kẻ bán người mua vẫn tấp nập, những nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng Ban Quản lý (BQL) ATTP thành phố, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong giai đoạn này là kiểm soát ATTP tại các khu du lịch và cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đường phố. “Chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn cho quản lý, nhân viên các khu du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố với các nội dung như cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm, dấu hiệu nhận biết thực phẩm kém chất lượng.

Ngoài ra, việc lấy mẫu thức ăn tại các cơ sở dịch vụ ăn uống để kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh được thực hiện thường xuyên, từ đó có những cảnh báo kịp thời cho chủ cơ sở trong trường hợp phát hiện thực phẩm kém chất lượng. Đặc biệt, đơn vị thành lập các đoàn kiểm tra, phối hợp với quận, huyện, phường, xã tổ chức kiểm tra thực phẩm đường phố vì đây là loại hình kinh doanh có nguy cơ cao”, ông Tiến cho biết.

Là một trong những địa phương đi đầu trong khai thác, quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố, vừa qua, UBND quận Hải Châu đã ban hành kế hoạch gửi các hội, đoàn thể, các ngành chức năng liên quan, UBND 13 phường và hệ thống các trường học trên địa bàn tăng cường công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, kế hoạch tập trung 2 nhiệm vụ chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về ATTP và các biện pháp phòng tránh nguy cơ ngộ độc; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, các điểm dịch vụ ăn uống, phố ẩm thực... trên địa bàn quận. Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP quận Hải Châu cũng đã tổ chức kiểm tra, phát hiện và phạt 27 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng hằng ngày không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm đối với thực phẩm; không đủ dụng cụ thiết bị bảo quản thực phẩm sống và chín; không có dụng cụ che đậy thức ăn; không mang bao tay, khẩu trang… Đây là những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, để bảo đảm ATTP và phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong mùa hè, người dân không nên mua và dự trữ quá nhiều, quá lâu các loại thực phẩm tươi sống. Đối với các thực phẩm bao gói sẵn như giò, chả… nên mua ở các cơ sở uy tín và có đầy đủ nhãn mác theo quy định, tránh mua hàng trôi nổi trên thị trường có nguy cơ mất ATTP rất lớn.

Đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, phải bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ khi chế biến; sử dụng nguồn thực phẩm có nguồn gốc và bảo quản đúng cách. Khi đột ngột có những triệu chứng buồn nôn và nôn ngay, đau bụng, đi ngoài nhiều lần… người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, đồng thời phải dừng việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại.

PHAN CHUNG
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.