Hướng tới chợ an toàn thực phẩm

.

Trong năm 2019, Ban quản lý (BQL) các chợ quận Liên Chiểu hướng tới mục tiêu xây dựng chợ Hòa Mỹ đạt chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP). Ngoài đề xuất đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, việc thay đổi thói quen trong kinh doanh cho các tiểu thương được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra.

Gần 10 năm buôn bán các loại rau, củ, quả tại chợ Hòa Mỹ, chị Lê Thị Hoàng thường nhập hàng từ chợ Đầu mối Hòa Cường và một số hộ nông dân tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Việc giao thương, mua bán diễn ra trên tinh thần bạn hàng tin tưởng lẫn nhau mà không để ý đến việc xác minh nguồn gốc, xuất xứ.

Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, chị Hoàng sắm thêm cuốn sổ nhật ký theo biểu mẫu được BQL chợ hướng dẫn và cấp. Nội dung ghi chép trong cuốn nhật ký gồm tên, địa chỉ, số điện thoại người kinh doanh; các sản phẩm nhập về; khối lượng sản phẩm; nguồn gốc (gồm tên, địa chỉ, số điện thoại người cung cấp).

Thói quen này cũng bắt đầu được áp dụng đối với các tiểu thương khác trong chợ. Tại khu vực buôn bán hàng tươi sống, các tiểu thương ghi chép tỉ mỉ từng đơn hàng, nguồn gốc, số lượng và các chủng loại được nhập về từ cảng cá. “Mình có thể biết được số lượng hải sản này được thu mua từ chủ tàu nào, đánh bắt ở vùng biển nào trong thời gian bao lâu. Thực ra, nắm được những thông tin này cũng là một lợi thế trong việc giới thiệu cho khách hàng. Giúp họ yên tâm hơn khi lựa chọn”, tiểu thương Nguyễn Thị Ngân cho biết.

Trên địa bàn quận Liên Chiểu hiện có 3 chợ gồm chợ Hòa Khánh, Nam Ô và Hòa Mỹ với hơn 850 tiểu thương kinh doanh, buôn bán trực thuộc BQL các chợ quận. Theo ông Phan Văn Thắng, Phó BQL các chợ quận Liên Chiểu, để cung cấp thực phẩm an toàn phục vụ công nhân, sinh viên, người lao động trên địa bàn, từ năm 2019, BQL tập trung xây dựng các chợ bảo đảm ATTP theo bộ tiêu chí của UBND thành phố. Theo đó, 100% tiểu thương tại các chợ tham gia ký cam kết cung cấp thực phẩm an toàn; tham gia các lớp tập huấn kiến thức về ATTP như tìm hiểu các văn bản pháp quy; các hành vi vi phạm và mức xử phạt; bộ tiêu chí chợ ATTP. “Đặc biệt, tiểu thương tại các chợ đều thực hiện nghiêm và hoàn thiện số liệu thống kê một cách chính xác về các thông tin kê khai nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nông lâm thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau củ quả, thủy hải sản nhập vào tiêu thụ hằng ngày tại chợ. Việc làm này là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong việc thực hiện bộ tiêu chí chợ bảo đảm ATTP, thực hiện tốt Quyết định 35 của UBND thành phố về truy xuất nguồn gốc thực phẩm”, ông Thắng cho biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan liên quan đến vấn đề ATTP, việc triển khai Quyết định 5556/QĐ-UBND ngày 21-11-2018 của UBND thành phố về ban hành bộ tiêu chí xây dựng chợ ATTP là một nhiệm vụ không hề dễ dàng và không thể giải quyết dứt điểm trong ngày một ngày hai. Bởi qua thực tế kiểm tra, khảo sát hiện trạng tại các chợ, hiện nay cơ sở vật chất của các chợ đã xuống cấp, do xây dựng đã lâu và không theo một bộ khung tiêu chí nào mà chỉ phù hợp với tình hình thực tế thời điểm xây.

Hiện nay, nếu áp dụng bộ tiêu chí mới, các chợ phải đề xuất xây mới một số hạng mục. “Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc bổ sung ngân sách đầu tư xây dựng chợ. Về phía các tiểu thương, qua khảo sát và tìm hiểu, phần lớn họ đều ủng hộ, tham gia việc đầu tư, xây dựng theo phương thức xã hội hóa”, ông Thắng cho biết thêm.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng chợ bảo đảm về ATTP, trong thời gian tới, BQL các chợ quận Liên Chiểu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tiểu thương về kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm nhập về chợ; vận động các tiểu thương khám sức khỏe, tập huấn kiến thức về ATTP, xử lý dứt điểm một số tồn tại, hạn chế trong việc cấp, thoát nước đối với khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống tại các chợ...

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.