Thời gian qua, lãnh đạo các phường, xã tích cực xây dựng mối quan hệ phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội.
Từ chương trình phối hợp của lãnh đạo phường Hòa Khánh Bắc với Công ty TNHH Mabuchi Motor (Nhật Bản) và Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, mỗi năm hai công ty này tuyển dụng hơn 2.000 lao động địa phương. Người lao động chỉ cần có sức khỏe và siêng năng làm việc, còn chuyên môn kỹ thuật sẽ được doanh nghiệp hướng dẫn, sau đó vừa làm vừa học nâng cao năng suất, trình độ; thu nhập trung bình từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Trên là hai công ty trong số nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc hằng năm đều ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của phường nhà. Các đoàn thể phường Hòa Khánh Bắc luôn chú trọng giới thiệu việc làm cho hội viên, đem lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử như Ban Chấp hành Đoàn phường thường xuyên liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng để nắm nhu cầu tuyển dụng và đăng lên trang tin điện tử của Đoàn phường, qua đó, đã giúp nhiều đoàn viên thanh niên xin được việc làm.
Hay như CLB Giới thiệu việc làm của Hội CCB phường Hòa Khánh Bắc đã liên hệ các chủ doanh nghiệp, xin được việc làm cho hơn 20 CCB và cựu quân nhân. Đặc biệt, Hội LHPN phường Hòa Khánh Bắc tổ chức hai nhóm liên kết phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm thêm cho gần 90 lao động. Theo đó, chị em nhận gia công xâu quai xách các loại bao cho một công ty sản xuất bao bì ngay trên địa bàn phường và đan lồng lưới nuôi ngọc trai cho Công ty Sasaki Shoko (Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc vừa tận dụng thời gian nhàn rỗi, vừa có thu nhập ổn định.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Bắc Nguyễn Văn Trung, chương trình phối hợp giữa xã, phường với các doanh nghiệp ngày càng bền chặt góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội.
Ngoài phường Hòa Khánh Bắc, nhiều phường, xã khác trên địa bàn cũng có những chương trình phối hợp với các doanh nghiệp nhằm tạo việc làm cho người dân địa phương. Ví như tại xã miền núi Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), chỉ riêng Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills Đà Nẵng đã tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương, với mức lương từ 5-10 triệu đồng/tháng. Trong đó, nhiều người lớn tuổi, người không có bằng cấp được bố trí làm bảo vệ, chăm sóc cây xanh và các công việc phổ thông phù hợp. Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Đức Thương cho biết, trong các cuộc họp về chương trình phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn, lãnh đạo xã chú trọng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động tại địa phương, nhất là với những người không có chuyên môn nghiệp vụ. Còn ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) có nhóm phụ nữ nhận gia công đan lồng lưới, do chị Trần Thị Lộc làm tổ trưởng.
Chị Lộc hợp đồng với Công ty Sản xuất lưới xuất khẩu SADAVI của Nhật Bản tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, nhận lưới sợi và khung sắt về đan thành lồng lưới nuôi thủy sản các loại, với tiền công từ 10.000-25.000 đồng/lồng. “Đan lồng lưới không khó, lại tận dụng được lao động phụ và thời gian nhàn rỗi, bình quân thu nhập mỗi người từ 3-4,5 triệu đồng/tháng”, chị Lộc tâm sự.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh đá mỹ nghệ ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã tạo việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương. Hiện làng đá mỹ nghệ tại phường Hòa Hải có gần 600 cơ sở lớn nhỏ, với hơn 3.000 lao động, đa số là lao động tại chỗ, với mức lương từ 5-15 triệu đồng/tháng.
LÊ VĂN THƠM