Trong khuôn khổ hoạt động chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, từ năm 2013, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã triển khai mô hình trợ giúp người khuyết tật là nạn nhân bom, mìn hòa nhập cộng đồng trên toàn quốc. Tại Đà Nẵng, sau 7 năm triển khai đã thu về kết quả rất đáng khích lệ với gần 400 người được hỗ trợ để phát triển kinh tế và hòa nhập cộng đồng.
Người khuyết tật do bom mìn ở Hòa Vang trên cánh đồng rau má của mình. Ảnh: THANH VÂN |
Tham gia lớp tập huấn kỹ năng trồng rau sạch do Trung tâm Cung cấp Dịch vụ công tác xã hội thành phố (TTCCDVCTXH) tổ chức tháng 11 vừa qua, anh Trần Văn Thanh, ở Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) bộc bạch: “Việc những người khuyết tật như chúng tôi nhận được sự quan tâm của xã hội, được mời đến dạy cách trồng rau sạch để mưu sinh thật cảm động. Đặc biệt, chính ông Nguyễn Văn Tốt, một chuyên gia về trồng rau sạch đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải đáp tất cả thắc mắc của chúng tôi về việc trồng rau cũng như cho biết đây là xu hướng hiện nay nên chúng tôi rất phấn khởi”.
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc TTCCDVCTXH thành phố-đơn vị triển khai chương trình hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân bom mìn thành phố trong thời gian qua, cũng tỏ ra phấn khởi: “Kết quả từ năm 2013 đến nay cho thấy việc sâu sát từng trường hợp cụ thể để tìm loại “cần câu” phù hợp giúp họ mưu sinh là yếu tố quyết định sự thành công. Chính vì vậy, lớp tập huấn này chỉ có 7 thành viên là 7 trường hợp bị loại khuyết tật chỉ phù hợp với công việc trồng rau. Tuy nhiên, để bảo đảm thành công của chương trình, chúng tôi đã tính luôn cả việc bao tiêu sản phẩm của họ làm ra, còn họ chỉ tập trung lo sản xuất rau sạch. Nếu mô hình này thành công, chúng tôi sẽ chuyển giao cho nhóm những người khuyết tật khác”.
Ngay từ năm 2013 - năm đầu tiên triển khai chương trình, TTCCDVCTXH thành phố đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ 150 trường hợp người khuyết tật là nạn nhân bom mìn để giúp đỡ và đến nay, gần 400 người khuyết tật được hỗ trợ dưới nhiều hình thức. Cùng với đó, có gần 30 lớp tập huấn với rất nhiều ngành nghề khác nhau như sửa xe máy, làm bánh, may vá, chăm sóc cây cảnh, trồng rau sạch… được tổ chức; hàng trăm sinh kế đã được trao cho người khuyết tật. Mặc dù kinh phí dành cho chương trình không lớn, chỉ ở mức từ 150 - 200 triệu đồng/năm, song, có thể nói, chương trình thực sự có ý nghĩa đối với người khuyết tật do bom mìn. Là một trong những người khuyết tật được hỗ trợ, ông Phùng Văn Thức ở thôn Túy Loan, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) xúc động cho biết: “Tai nạn do đạp phải mìn đã khiến tôi gần như người tàn phế, không biết làm gì khi thiếu một chân, tay thì yếu; thế nhưng khi được tập huấn về kỹ thuật trồng nấm, đến nay tôi có thể sống và nuôi được gia đình từ chính nghề này. Mấy năm nay tôi còn hướng dẫn thêm cho nhiều hộ trong xã phát triển nghề”.
Ông Nguyễn Sót, ở tổ 28 phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn bị cụt một chân do giẫm phải mìn, cũng đã có cuộc sống ổn định khi được TTCCDVCTXH thành phố tặng một tủ lạnh để bán hàng. Ông tâm sự: “Sau khi cụt chân, tôi chỉ biết ngồi một chỗ, nhưng từ khi được cấp tủ lạnh và được sự tư vấn của trung tâm, tôi quyết định mở quầy tạp hóa tại nhà để bán. Bà con thương tình ủng hộ nên cuộc sống của tôi giờ đây có thể nói là yên tâm, không còn lo chuyện đói khổ như trước”.
Cũng theo bà Trương Thị Như Hoa, tính đến nay, trong khuôn khổ chương trình, đã có khoảng 400 trường hợp được tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế qua kiểm tra từng năm đều cải thiện tốt kinh tế gia đình. Đặc biệt, ở đâu chính quyền địa phương, cán bộ thôn, khu phố quan tâm thì 100% người khuyết tật cải thiện rõ rệt không chỉ về kinh tế, tinh thần mà còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Về phần mình, TTCCDVCTXH thành phố sẵn sàng hỗ trợ đội ngũ cán bộ cơ sở về kiến thức, kỹ năng truyền đạt để họ trở thành “cánh tay nối dài” của chương trình giúp người khuyết tật ngày một phát huy hiệu quả hơn.
Thanh Vân