Mùa hè là thời điểm mà các cơ sở y tế thường xuyên tiếp nhận, cấp cứu những tai nạn hết sức hy hữu và thương tâm ở trẻ. Ngoài các biện pháp sơ cấp cứu cần thực hiện khi xảy ra sự việc, các nhân viên y tế khuyến cáo người dân chủ động, kỹ lưỡng hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ con em mình.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vừa cấp cứu thành công một bệnh nhi nuốt phải đinh vít khi đang chơi trong nhà. Theo đó, cháu T.L.N. (3 tuổi, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nhập viện trong tình trạng khó thở đột ngột, toàn thân tím tái không rõ nguyên nhân. Sau khi khám và chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện một ốc-vít nằm ở đường thở của trẻ.
Ê-kip bác sĩ lập tức đưa bệnh nhi vào phòng mổ để can thiệp kịp thời. Trước đó không lâu, Khoa Nhi Tiêu hóa, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng tiếp nhận một bệnh nhi 4 tuổi trong tình trạng khó thở do nuốt phải đồng xu và bị mắc ngang cổ họng. Những trường hợp này may mắn được phát hiện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, để xử lý và lấy được các dị vật ra bên ngoài, các nhân viên y tế phải hết sức vất vả, thậm chí phải phẫu thuật can thiệp để không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Theo bác sĩ Lê Mạnh Hoàng, Trưởng khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, hằng năm có hàng chục bệnh nhi nuốt phải các dị vật như đồng xu, viên pin, đinh bấm, đinh vít, bi... Đối tượng thường hóc dị vật là trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi - lứa tuổi bắt đầu khám phá thế giới, thích cầm nắm, cho vào miệng những vật lạ. Dị vật có thể nằm hầu họng, thực quản, dạ dày, đường ruột. Những trường hợp này sẽ dễ dàng xử lý nếu được phát hiện sớm bằng phương pháp nội soi phế quản, nội soi dạ dày. Trong trường hợp phát hiện muộn, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật và cắt đoạn ruột bị ăn mòn nếu có, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. “Đây là tình trạng khá phổ biến và rất nguy hiểm.
Vì thế để phòng tránh, các bậc phụ huynh cần thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp vật dụng gọn gàng, nhất là khu vực trẻ hay chơi đùa, để các vật dụng có kích thước nhỏ xa tầm tay của trẻ để hạn chế thói quen bỏ các vật lạ vào miệng; thường xuyên để ý các biểu hiện của trẻ như đột ngột khó thở, khó nuốt, nôn khan... Khi phát hiện những triệu chứng bất thường nêu trên, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận, cấp cứu 8 bệnh nhi bị đuối nước, trong đó có 1 trường hợp tử vong ngoại viện. Theo bác sĩ Võ Hữu Hội, Trưởng khoa Nhi cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc, đây là thực tế đáng lo ngại và báo động bởi xảy ra hằng năm, đặc biệt là mùa hè. Ngoài các nguy cơ như nuốt phải dị vật, bỏng nước sôi, côn trùng cắn thì ngạt nước và đuối nước là hiện tượng thường gặp nhất. Việc điều trị cho các cháu phụ thuộc vào mức độ của các vụ tai nạn và thời điểm các cháu được người thân chuyển vào bệnh viện sớm hay muộn. Thực tế hiện nay, thời tiết nắng nóng khiến người dân, du khách đổ dồn về các bãi biển dọc các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa để giải nhiệt.
Theo anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ thuộc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận và tổ chức tìm kiếm hàng chục trẻ em đi lạc tại bãi biển. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đuối nước, đặc biệt khi trẻ ở trong trạng thái hoảng loạn. Để bảo đảm an toàn, lực lượng cứu hộ tại bãi biển Đà Nẵng khuyến cáo người dân phải thường xuyên để mắt đến trẻ khi ra biển vui chơi và tắm, đồng thời trang bị đầy đủ áo phao, phương tiện bảo hộ cho con em mình.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Võ Hữu Hội chia sẻ thêm, có những trường hợp dù được cứu sống kịp thời nhưng để lại di chứng hết sức nặng nề do tổn thương não. “Nếu trẻ bị ngạt nước, tuyệt đối không được dốc ngược lên khiến trẻ có nguy cơ bị sặc đường thở hoặc tổn thương não, cột sống. Nếu ngưng tim, ngưng đường thở thì cần tận dụng thời gian vàng cấp cứu tại hiện trường trước khi được chuyển đến bệnh viện. Cách phòng, chống hiệu quả nhất hiện nay đó chính là cho con, em mình học bơi đúng độ tuổi”, bác sĩ Hội cho biết.
PHAN CHUNG