Tiếng loa phòng, chống tội phạm ở Khuê Mỹ

.

Sau 10 năm thành lập và đi hoạt động, mô hình “Tiếng loa phòng, chống tội phạm” ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) trở thành mô hình điển hình trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, mang lại sự bình yên cho nhân dân.

Lực lượng bảo vệ dân phố phường Khuê Mỹ đi tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật Nhà nước trên địa bàn phường theo mô hình “Tiếng loa phòng, chống tội phạm”. Ảnh: Ban BVDP phường cung cấp
Lực lượng bảo vệ dân phố phường Khuê Mỹ đi tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật Nhà nước trên địa bàn phường theo mô hình “Tiếng loa phòng, chống tội phạm”. Ảnh: Ban BVDP phường cung cấp

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Công an phường Khuê Mỹ cho biết, trên địa bàn phường có nhiều dự án triển khai, giải tỏa để mở đường, chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư mới. Một số dự án kéo dài đã và đang ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, lao động, kinh doanh, sản xuất của nhân dân. Tình hình biến động về nhân hộ khẩu kéo theo hàng loạt vấn đề phức tạp mới như số người tìm kiếm việc làm từ nơi khác đến ngày càng đông.

Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) như khách sạn, nhà trọ, căn hộ cho thuê... nguy cơ tiềm ẩn phức tạp về tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy tăng cao. Hàng nghìn lượt người nước ngoài đến lưu trú để kinh doanh, lao động ở các dự án, khiến cho công tác quản lý của địa phương gặp nhiều khó khăn. Các loại tội phạm, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng đã và đang tác động đến công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của phường.

Theo ông Huỳnh Đào Minh Duy, Trưởng ban Bảo vệ dân phố (BVDP) phường Khuê Mỹ, từ thực trạng đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, UBND phường, tháng 10-2012, Ban Chỉ đạo phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc phường xây dựng mô hình “Tiếng loa phòng, chống tội phạm”. Bước đầu Ban BVDP chỉ mới trang bị 1 bộ loa tuyên truyền, sau thời gian hoạt động có hiệu quả, trang bị thêm 6 bộ loa bổ sung để triển khai tuyên truyền mô hình “Tiếng loa phòng, chống tội phạm”.

Đến nay xây dựng được 7 tổ tuyên truyền của mô hình này. “Mỗi ngày 2 ca, sáng và chiều tối, các thành viên tổ BVDP sẽ mang loa có gắn thẻ nhớ trong đó cài đặt sẵn chương trình tuyên truyền để đến các điểm đông người, kiệt hẻm, khu vực có nguy cơ tụ tập đám đông gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông… để phát loa tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, quy định pháp luật Nhà nước”, ông Duy cho biết.

Bà Đặng Thị Dung ở đường K20, phường Khuê Mỹ chia sẻ, trước đây, tình trạng mất cắp, thanh niên phóng xe gây mất an toàn giao thông, đối tượng khả nghi xuất hiện trong khu dân cư vẫn diễn ra, do gần Bệnh viện Phụ sản  - Nhi, khiến người dân rất không yên tâm. Từ khi mô hình “Tiếng loa phòng, chống tội phạm” đi vào hoạt động đã có sức răn đe, cảnh báo các đối tượng tiềm tàng hành vi vi phạm. Vào giờ cao điểm, nghe tiếng loa tuyên truyền của các anh trong tổ BVDP là các đối tượng thanh niên hư hỏng đang tụ tập tự động tản ra chỗ khác. Người dân rất phấn khởi, yên tâm, kể cả khi vắng nhà dài ngày.

Theo ông Duy, hằng năm, Ban BVDP xây dựng kế hoạch triển khai mô hình, phân công mỗi tổ BVDP tuyên truyền 1 ngày, đêm vào những giờ cao điểm, luân phiên hết tổ này đến tổ khác, không bỏ sót một ngày nào. “Tiếng loa phòng, chống tội phạm” đã thông tin, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội để nhân dân nắm, hiểu và làm tốt công tác cảnh giác, phòng ngừa, tố giác tội phạm.

Lực lượng BVDP thường xuyên kết hợp giữa tuyên truyền lưu động với tuyên truyền tại chỗ một cách linh hoạt, tập trung vào các địa bàn trọng điểm với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Tiếng loa thật sự đi vào lòng dân, giúp nhân dân hiểu rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của từng loại tội phạm, trong tình hình mới. Kết quả mô hình đã tuyên truyền được hơn 2.000 lượt, với 8.500 lượt người tham gia.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình khẳng định, qua 10 năm triển khai mô hình, với hiệu quả rõ rệt góp phần làm giảm tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn phường. Qua đó, nhân dân đã cung cấp cho Công an phường và tổ BVDP gần 1.000 nguồn tin liên quan đến ANTT và có 500 nguồn tin có giá trị để kịp thời điều tra xử lý hàng trăm vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự và 300 vụ việc vi phạm hành chính, tệ nạn xã hội trên địa bàn phường. Với những kết quả trên, mô hình được cán bộ, nhân dân trong phường đánh giá rất cao, đồng lòng ủng hộ.

Theo Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ Nguyễn Công Hòa, sự thành công của mô hình, trước hết là được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ huy Công an phường. Nhưng hơn hết, là sự nỗ lực, nhiệt tình có tâm huyết với phong trào của từng thành viên BVDP. Lực lượng BVDP đã triển khai thực hiện mô hình “Tiếng loa phòng, chống tội phạm” đều đặn tại các khu dân cư. Nhờ vậy, những thông tin về tội phạm kịp thời chuyển đến để người dân biết, cùng tham gia. Qua theo dõi, mô hình đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, mang lại sự bình yên trên địa bàn phường.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.