Multimedia
Những đôi mắt chỉ biết buồn
Một ngày đầu tháng 6, khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận một bệnh nhân được cơ sở y tế tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng đa chấn thương, hôn mê sâu. Nạn nhân là anh Vũ Thanh Đức (20 tuổi, trú huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), bị tai nạn giao thông ngay tại thị trấn Khâm Đức. Bệnh nhân bị chấn thương sọ não, bụng, ngực.
Nhận thấy nguy cơ tử vong cao, sau cuộc hội ý chớp nhoáng, bác sĩ Huỳnh Đức Phát, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức đã tiến hành can thiệp, giành lại sự sống cho bệnh nhân bằng cách cho thở máy, đồng thời sử dụng kỹ thuật đo áp lực nội sọ nhằm bảo đảm áp lực tưới máu lên não một cách đầy đủ, kịp thời cho bệnh nhân.
Sau 15 ngày nằm mê man, bất động, đến nay anh Đức đã có thể tự thở mà không cần đến thiết bị, đồng thời thực hiện được một số y lệnh của bác sĩ như mở mắt, giơ tay, nhưng thời gian xuất viện thì chưa xác định được.
Nhiều năm cứu người tại khoa được xem là “thập tử nhất sinh”, bác sĩ Phát chia sẻ, đây là trường hợp… bình thường! Bởi xung quanh nơi ông làm việc, luôn có trên dưới 40 bệnh nhân đang ngày đêm thoi thóp, phải giành giật sự sống bằng nhiều thiết bị hỗ trợ hô hấp, lọc máu, điện tim…
Điều đáng buồn nhất, có rất nhiều bệnh nhân trong số đó nhập viện do tai nạn giao thông. “Phần lớn nạn nhân khi bị tai nạn giao thông đều bị chấn thương sọ não, cộng thêm chấn thương ngực, bụng gây mất máu cấp, nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Phát tâm sự.
Quá trình điều trị cho những nạn nhân bị tai nạn giao thông luôn kéo dài và có sự hỗ trợ của nhiều khoa chuyên ngành khác như Ngoại thần kinh, Phục hồi chức năng, Nội hô hấp, Tim mạch… Đã có những bệnh nhân tưởng chừng như rơi vào bế tắc bởi chấn thương quá nặng sau những cú va chạm. Nhưng bằng khát khao, nghị lực của bản thân mỗi người, sự tận tụy, chạy đua cùng “thời gian vàng” của y, bác sĩ, sự sống lại hồi sinh trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng nhất.
Câu chuyện mà bác sĩ Phát thường kể khi nói về sự diệu kỳ đó là trường hợp 2 cháu bé T.T.M. và T.T.K.L., 2 nạn nhân bị tai nạn giao thông rơi từ cầu Thuận Phước xuống mặt đất cao hàng chục mét vào năm 2015.
Cả 2 cháu bé nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, não, ngực bị tổn thương nghiêm trọng. Cứu chữa cho 2 cháu M. và L. là hành trình kết hợp của nhiều liên chuyên khoa do các cháu phải đối mặt cùng lúc nhiều nguy cơ.
Hơn 10 ngày sau khi nhập viện, dấu hiệu sự sống mới xuất hiện và phải gần 1 tháng sau, các cháu mới có thể ổn định sức khỏe, không phải đối mặt với nguy cơ tử vong, nhiễm trùng.
“Có nhiều nguyên nhân, nhiều lứa tuổi là nạn nhân của tai nạn giao thông, nhưng nhiều nhất trong số đó vẫn là những người trẻ. Chạy xe phân khối lớn, chạy quá tốc độ, vi phạm luật, sử dụng rượu bia là những nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả đau lòng. Nếu cần một lời khuyên, tôi chỉ mong các bạn trẻ phải biết kiềm chế, điềm tĩnh trong mọi lúc để giữ cho mình, cho người thân và cho xã hội”, bác sĩ Phát tâm sự.
Lời người bác sĩ đã từng trực tiếp cấp cứu cho hàng trăm nạn nhân tai nạn giao thông cũng là lời cảnh báo được đúc kết trong nhiều diễn đàn, phát ra trên nhiều kênh thông tin. Nhưng, tai nạn giao thông như một tai ương, mà những người hiền lành, tử tế nhất, những người tham gia giao thông đúng luật vẫn không thể tránh được.
Đã một năm trôi qua sau tai nạn, nhưng Nguyễn Thị Bích Hậu (sinh 1999, trú thôn 2, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vẫn không thể nhận biết được người thân của mình.
Sau khi thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), Hậu xin bố mẹ xuống thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) đi làm thêm mấy tháng hè, mong muốn sẽ có thêm khoản tiền đỡ đần bố mẹ ngày đầu nhập học. Sau gần nửa tháng làm thêm, vòng xe container oan nghiệt băng qua quốc lộ 1A đoạn ngã tư thị trấn Hà Lam khiến Hậu bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu.
Ngày ông Nguyễn Văn Liên, bố Hậu cầm trên tay tờ giấy báo con gái nhập học cũng là lúc ông phải xoay xở với tập giấy viện phí dày cộp được giấu trong chiếc áo sờn vai.
Một năm qua, Hậu được chuyển khắp các khoa Hồi sức ngoại, Ngoại thần kinh, Y học nhiệt đới để duy trì sự sống. Mấy hôm nay, em bị viêm phổi, các bác sĩ lại chuyển Hậu lên khu Nội hô hấp điều trị nhiễm trùng phổi.
Chứng phình não sau vụ tai nạn giao thông khiến khả năng phục hồi vận động, tri giác của Hậu khó hơn bất cứ ca bệnh nào. Từ một cô gái xinh xắn, hiền lành, Hậu giờ chỉ còn da bọc xương nằm yên bất động, khó nhọc trong từng hơi thở.
Kéo vội chiếc chăn đắp lên chân cho em, đôi mắt Nguyễn Viết Hoàng, anh trai Hậu như chùng xuống. Hoàng đang là sinh viên năm thứ 3, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (ĐH Đà Nẵng). Mấy hôm nay, ba phải chạy vội về quê đắp bờ ruộng, phun thuốc hai sào lúa vừa gieo cho kịp vụ hè thu, Hoàng phải nghỉ học, nghỉ làm thêm để vào chăm em.
“Nhà em chỉ có 2 sào ruộng làm đủ ăn, mẹ bị bệnh tim, ba phải đi làm thuê để trang trải thêm. Từ ngày em gái bị tai nạn, em cũng tranh thủ đi làm thêm nhiều hơn để phụ ba mẹ”, Hoàng chia sẻ.
Tuổi 20 của Hoàng trôi qua trong những tháng ngày cùng ba gánh vác gia đình bằng việc cặm cụi sớm tối trong các quán ăn, nhà hàng. 18.000 đồng/giờ công là số tiền Hoàng được trả, dẫu không nhiều nhưng đủ để nuôi chút hy vọng còn sót lại dành cho em gái mình.
“Em chỉ mong bệnh tình của Hậu bớt hơn cho ba mẹ đỡ vất vả, cho Hậu nhận biết được mọi thứ xung quanh. Đã một năm nay, em ấy chẳng biết gì”, nói xong, Hoàng ngước mắt nhìn lên, như để ngăn thứ cảm xúc đang dễ chực trào.
Ở bên cạnh, Hậu vẫn nằm yên, chân tay co lại, đôi mắt nhìn thẳng lên trần nhà. Sâu thẳm trong đôi mắt vô hồn, không chớp ấy, liệu có kịp nhận thấy nỗi buồn vì dang dở giấc mơ đại học năm xưa hay nỗi buồn vì dang dở luôn một kiếp làm người?
11 tháng cùng con trong bệnh viện, mong ước lớn nhất của anh Lê Văn Bình (trú phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) là được con gọi mình một tiếng: Ba! Cháu Lê Minh Vương (7 tuổi), con trai đầu của anh Bình, bị tai nạn giao thông trong một lần được người thân điều khiển xe máy chở đi chơi.
Cháu Vương bị chấn thương sọ não phải nằm ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi 3 tháng, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp 1 tháng. Và đến nay, đã là tháng thứ 7 Vương được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.
Cú va chạm chấn thương não đã khiến cháu bị mất hoàn toàn trí nhớ, không nhận biết được người thân, một nửa người bên phải bị liệt hoàn toàn. Hằng ngày, Vương được các bác sĩ, nhân viên y tế tại đây theo dõi, chăm sóc và hướng dẫn các bài tập vật lí trị liệu.
“Mỗi ngày thấy cháu đỡ hơn chút ít nhưng khả năng phục hồi hiện nay vẫn còn chậm, các bác sĩ bảo còn phải cố gắng tập luyện và điều trị một thời gian dài nữa”, anh Bình chia sẻ.
Hai vợ chồng anh vốn sống bằng nghề may giày cho các cửa hiệu bán giày dép trong phố cổ Hội An, từ ngày đứa con trai đầu lòng gặp nạn, vợ chồng phải thay phiên nhau ra chăm con tại bệnh viện, người kia tiếp tục may giày thuê, kiếm tiền trang trải cho cả gia đình.
“Trí nhớ của cháu đã mất hết, giờ phải bắt đầu lại từ đầu. Mấy tháng nay tập cho cháu gọi từ “Ba” mà gọi mãi chưa được. Các bác sĩ động viên, cần kiên trì tập luyện vì đây là một quá trình đòi hỏi phải kiên nhẫn”, đôi mắt phảng phất nỗi buồn, vừa nói anh Bình vừa nhìn con trai âu yếm.
Cháu Vương nằm yên trên giường bệnh, đôi mắt nhìn bố đăm đăm, nhưng tuyệt nhiên không hé miệng dù chỉ nửa lời.
Những bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đều đã đi qua “cửa tử” với những tổn thương hết sức nặng nề. Tuy nhiên, theo bác sĩ Huỳnh Tấn Tuệ, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, hành trình tìm lại chính mình sau biến cố tai nạn không hề đơn giản chút nào.
Chấn thương sọ não ảnh hưởng đến nhận thức, trong khi chấn thương tủy lại ảnh hưởng đến cả quá trình vận động. “Có bệnh nhân không thể tự ăn và thở được, sống đời sống thực vật nhưng gia đình vẫn miệt mài tập luyện năm này qua năm khác. Có người bệnh phải cố gắng 3 năm trời chỉ để tập nói thành công một tiếng "Mẹ" và nhớ duy nhất người mẹ của mình”, bác sĩ Tuệ cho biết.
Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng) hiện có khoảng 200 bệnh nhân đang điều trị, khoảng 1/3 trong số đó là những nạn nhân bị tai nạn giao thông. Quá trình điều trị là thử thách lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân và người nhà của họ.
Trong những ngày theo chân bác sĩ Tuệ thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân bị tai nạn giao thông, chúng tôi vô tình gặp những “người quen” cũ. 9 tháng trước, cũng tại nơi đây, ông Ngô Phước Hải (trú thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã chạy khắp hành lang bệnh viện để khoe với tất cả mọi người rằng, con trai ông đã có thể nhìn theo được những cử chỉ của ngón tay ông.
Phản xạ của ánh mắt biểu hiện cho sự hồi phục của trí não, nhận thức. Bấy nhiêu đó nhưng hai bố con ông đã phải vật lộn, ăn nằm trong bệnh viện gần 13 tháng trời. Ngô Phước Hưng, con trai ông bị tai nạn giao thông trong một lần về quê, sau khi đưa vào nhập viện thì được bác sĩ tiên lượng tỷ lệ tử vong lên đến 98%.
Sau 23 tháng “còn nước còn tát” theo lời ông nói, Hưng giờ đây đã có thể nhìn ông cười, khó nhọc vịn vai ba đi tập tễnh 5-7 bước dọc hành lang. Khi nghe tiếng vỗ tay động viên, Hưng phá lên cười, nhưng nụ cười lại nhanh chóng vụt tắt. Những lúc như thế, đôi mắt ông Hải lại nhìn con đầy lo lắng, như biết rõ mạch cảm xúc chưa ổn định và bất thường của con mình.
“Chẳng biết quá trình này sẽ kéo dài đến bao lâu nữa, chỉ mong trời phật cho con khỏe mạnh, không được như ngày xưa thì cũng được 5-7 phần, có thể tự lo chăm lo cho bản thân. Chứ cứ như ri miết, mai mốt ba già yếu rồi mất đi thì ai lo cho nó”, ông giãi bày.
So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông và số người chết, bị thương tuy có giảm nhưng không đáng kể. Hậu quả của tai nạn giao thông để lại hết sức nặng nề, nhiều gia đình vĩnh viễn mất đi người thân một cách tức tưởi, nhiều hoàn cảnh rơi vào khánh kiệt vì phải chạy vạy chữa trị cho người thân.
Không chỉ có vậy, con đường trở lại làm người bình thường của những nạn nhân đã từng nằm dưới những vòng xe oan nghiệt lại không hề dễ dàng chút nào.
“Nhiều gia đình phải bỏ dở việc điều trị giữa chừng vì kinh tế hạn hẹp, không đủ theo một quá trình dài, tốn kém. Nhưng cũng có người dù đã điều trị thành công nhưng lại thất bại trong việc trở lại cuộc sống bình thường. Họ khó khăn trong sinh hoạt, khổ sở trong vận động và đặc biệt, vấn đề tâm lý không được chuẩn bị tốt nhất”, bác sĩ Tuệ chia sẻ thêm.
Khi chúng tôi chủ động liên hệ và tìm gặp, chị Lê Thị Mỹ Hoàng (trú tổ 31, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) đã không giấu nổi sự vui mừng. Mấy tháng nay chị đang cố tìm những chỗ dựa tinh thần để hỗ trợ chị thực hiện nguyện vọng còn dang dở: thuyết phục con trai xuống bệnh viện lắp chân giả!
Tháng 2-2017, Lê Tấn Đạt (14 tuổi), con trai chị Hoàng bị xe ben chở đất cán ngang người khi đang đạp xe đi mua đồ dùng học tập. Đạt nằm viện 8 tháng trời, phải cắt bỏ hai chân, sau 3 lần cấy ghép da vào vùng mông, lưng mới thành công.
Tháng 6-2017, chúng tôi gặp Đạt trong Bệnh viện Đà Nẵng khi đang chuẩn bị cho đợt cấy ghép da lần thứ 3, từ phần da được tách ra từ cơ thể của cha mình. Cậu bé tuổi 14 chưa nhận thấy những đau đớn, mất mát thời điểm ấy, vẫn nô đùa, nghịch ngợm.
Ấn tượng nhất về Đạt là đôi mắt nhanh nhẹn, tinh nghịch. Nằm trên giường bệnh với hai chân bị cắt tới bẹn đùi còn chi chít vết bông băng, Đạt lộn trái, quay phải, nghịch ngợm đủ trò khiến các bác sĩ, y tá phải nhắc nhở liên hồi.
Nguồn an ủi dành cho người lớn khi nhìn em thời điểm ấy, đó là sự lạc quan, hồn nhiên của tuổi mới lớn, hy vọng sẽ là nguồn năng lượng giúp em vượt qua biến cố khủng khiếp này.
Nhưng đó chỉ là hình ảnh trong quá khứ. Giờ đây gặp lại, Đạt trở nên trầm lặng, ít nói. Đôi mắt vẫn sâu, sắc sảo như ngày xưa nhưng dành cho người đối diện ánh nhìn bực dọc, né tránh.
Chị Hoàng kể, tháng 11-2017, Đạt được các bác sĩ cho xuất viện về điều trị tại nhà. Theo kế hoạch, đến tháng 2-2018, Đạt sẽ được lắp chân giả, tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.
“Từ ngày về nhà đến giờ, cháu lầm lì, ít nói, cũng không muốn gặp bạn bè, chỉ thui thủi trong phòng một mình. Cứ mỗi lần nhắc đến chuyện xuống bệnh viện lắp chân là cháu lại né tránh, nói nhiều thì cháu lại cáu gắt, bực bội nên gia đình không biết phải làm như thế nào”, chị Hoàng chia sẻ.
Vốn là một cậu bé hiếu động, thích chạy nhảy và đam mê đá bóng, từ ngày đôi chân buộc phải cắt bỏ, Đạt trở nên nặng nề, bức bối, suốt ngày loay hoay trong phòng kín. Biết con thiếu thốn, chị Hoàng gom góp mua chiếc tivi để Đạt xem đá bóng mỗi ngày. Năm bữa nửa tháng, chị lại tìm niềm vui cho con bằng những bộ trang phục đá bóng đủ màu sắc.
Nhìn những bộ áo quần mới thơm tho treo dọc trên bức tường, người mẹ trẻ lại lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong. Nhà nằm khuất trong con hẻm nhỏ, nhưng hễ vẳng nghe tiếng động cơ ô-tô ở đâu vọng đến, Đạt lại thu mình lại một góc giường. “Cháu sợ tiếng ô-tô, sợ ngửi thấy mùi dầu xe, vì nó thật là ghê sợ”, Đạt khẽ trả lời.
Một ngày của chị Hoàng được chia làm hai, buổi sáng chị làm nhân viên cấp dưỡng cho một trường học trên địa bàn phường, chiều đến chị ở nhà để chăm sóc, thuyết phục và chờ đợi cái gật đầu của con trai.
“Giờ số phận cháu đã như vậy rồi, chân không thể mọc ra được nữa, chỉ mong cháu mạnh mẽ, lạc quan và đồng ý để mẹ dẫn xuống bệnh viện lắp đôi chân giả. Nó không phải là đôi chân bằng da bằng thịt nhưng cũng giúp cháu đi lại được phần nào. Còn trẻ thì có mẹ chăm, chứ lớn lên, mẹ không còn nữa thì biết làm sao”, nói xong, chị Hoàng quay đi, như để né ánh nhìn của con vào đôi mắt mình đang ầng ậng nước…
Người ta vẫn thường ví “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, và trong “ô cửa” của những nạn nhân bị tai nạn giao thông cùng người thân của họ, chúng tôi chỉ nhận thấy duy nhất một điều - nỗi buồn dai dẳng!