Multimedia

Những người "lái đò" thầm lặng

14:03, 18/11/2022 (GMT+7)

 

 

 

 

 

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô Phạm Thị Lệ Trinh (SN 1989) về giảng dạy tại Trường Mầm non Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Thời gian thấm thoắt trôi, thoáng chốc đã 12 năm cô Trinh gắn bó với các em miền núi.

Vượt quãng đường gần 12km, càng thêm ngưỡng mộ những thầy cô giảng dạy ở miền núi. Trời lạnh thì có thể mặc thêm áo để giữ ấm, nhưng đường xá ổ gà, ổ voi chằng chịt đi cùng với bụi, đất, bùn thì chỉ có thể cố gắng cầm chắc tay lái mà vượt qua. Trên chiếc xe máy đã gắn bó hơn 10 năm, cứ vài đoạn, cô Trinh lại bị xóc vài lần cho đến khi gặp tuyến đường DT601 đã được đổ nhựa.

 

Bồi hồi nhớ về khoảng thời gian khó khăn, cô Trinh rưng rưng kể: “Khi đường xá chưa được hoàn thiện, mỗi mùa mưa đến, đôi giày và chiếc xe đồng hành cùng tôi lại được “nhuộm” màu bùn đất. Chưa kể trời mưa, đường xá bị sạt lở, dòng nước chảy xiết, đường từ trường về nhà lúc đó càng thêm xa. Phải cho đến khi đã an toàn băng qua những đoạn đường nguy hiểm đó, tôi và đồng nghiệp mới ôm nhau khóc òa”.


12 năm trôi qua, nhiều kỷ niệm đã dần phai nhạt. Nhưng cô giáo trẻ vẫn nhớ như in về người học trò, là trẻ khuyết tật đầu tiên sau khi về công tác tại trường. Biết kỹ năng cầm bút, tô màu của trẻ còn gặp nhiều khó khăn, sau giờ dạy chính, cô nán lại để cùng bé rèn luyện. Kết quả, học trò đã có thể tự cầm bút, tô màu. Chứng kiến sự tiến bộ của trò, sự vui mừng của phụ huynh, bản thân cô Trinh không thể giấu nổi niềm hạnh phúc. Chính những điều ấy đã tạo thêm động lực để khích lệ tinh thần, giúp cô giáo trẻ gắn bó lâu dài với miền núi.

 

Không chỉ thực hiện tốt các công tác giảng dạy, cô Trinh còn tham gia hoạt động hỗ trợ học sinh. Cô đã cùng một số giáo viên khác tự làm hoa giấy và bán. Số tiền thu được, các cô dùng để giúp đỡ các em học sinh nghèo. Ngoài ra, trước đây, đời sống phụ huynh ở miền núi còn khó khăn nên chưa chú trọng đến việc đưa trẻ đến trường. Cô Trinh phải đến từng hộ gia đình để tuyên truyền và huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp.

Hơn một thập kỷ trôi qua, nhiều cô giáo đã đến và rời đi, chuyển công tác đến những ngôi trường gần nhà hơn. Nhưng cô Trinh vẫn chọn ở lại dù bản thân cũng có thể như thế. Vì đối với cô, hơn cả một công việc để mưu sinh, là tình cảm yêu mến, sự gắn bó thương yêu của học trò, của phụ huynh đã níu cô tiếp tục giảng dạy tại miền núi.

 

Gắn bó với miền núi thời gian dài, cô Trinh hiểu được những thiệt thòi đối với trẻ Hòa Bắc, đặc biệt là trẻ người đồng bào Cơ tu thuộc xã miền núi còn nhiều khó khăn. Điều mong muốn của cô lúc này là trong thời gian đến, các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đồ dùng, trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại để các em tại xã có môi trường vui chơi, trải nghiệm phù hợp trong tình hình giáo dục hiện nay.

 

 

Sau chuyến đi tình nguyện, chứng kiến những trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, chàng sinh viên kinh tế Phan Văn Tính (SN 1984) đã rẽ hướng theo học ngành Giáo dục đặc biệt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, với mong muốn làm điều gì đó cho các em, dù không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Vượt qua khó khăn, định kiến, đến nay, thầy Tính đã có 13 năm đồng hành cùng trẻ đặc biệt tại Trường Chuyên biệt Tương lai (quận Hải Châu).

 

 

Năm 2009, thầy Tính về công tác tại Trường Chuyên biệt Tương lai, được phân dạy cấp mầm non. Lúc đó, lớp học của thầy có 16 em là trẻ tự kỷ.

Giữ trẻ bình thường đã khó, giữ trẻ đặc biệt lại càng khó khăn hơn vì các em gặp vấn đề trong giao tiếp. Thầy giáo trẻ khi ấy còn chưa có gia đình, vậy mà hằng ngày, một tay bồng bế, một tay chăm sóc cho từng em nhỏ. Dạy được vài năm, thầy được nhà trường điều chuyển sang cấp tiểu học. Hiện, thầy đang đảm nhận lớp học có 14 em, bao gồm nhiều dạng tật ở từng mức độ khác nhau. Có mặt trong tiết dạy của thầy Tính, tôi càng thêm thấu hiểu nỗi vất vả của thầy cô giáo tại đây.

 

Đối với những học sinh đặc biệt, thầy Tính chú trọng đến việc chỉ dạy các kỹ năng sống như: chào hỏi, vệ sinh cá nhân, giúp đỡ những người xung quanh. Thầy truyền tải bài học với tốc độ chậm rãi, giọng nói hiền từ nhưng to và rõ để thu hút sự chú ý và không bị lấn át bởi những âm thanh “rù rù” do một số học trò phát ra. Chốc chốc, có em bật dậy, chạy ra khỏi chỗ ngồi, thầy dừng lại, ân cần nhưng nghiêm khắc nhắc nhở học trò.

Em Lâm Nguyễn Thục Nhi (SN 2015) liên tục bày tỏ sự thích thú với những giờ học cùng thầy Tính. Sau vài tháng học tập, nhờ sự tận tình của thầy, Nhi đã có thể viết chữ, dù vẫn còn nguệch ngoạc. Khi được hỏi về cảm nhận lúc học với thầy Tính, em mỉm cười thật tươi rồi reo lên: “Vui lắm!”. Với mỗi câu hỏi thầy Tính đưa ra, Nhi luôn nhiệt tình xung phong phát biểu.

Sự nỗ lực ấy được thể hiện khi trong năm nay, thầy Tính đã hoàn thành thêm hai bằng đại học. Trong đó, một bằng ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng. Một bằng ngành Sư phạm tiểu học tại Trường Đại học Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định)”.

Chia sẻ về việc học thêm hai văn bằng, thầy Tính cho biết, việc học tiếng Anh giúp thầy có thể chủ động trong quá trình đọc hiểu, nghiên cứu, cập nhật nhanh nhất những thông tin về phương pháp giáo dục trẻ đặc biệt ở các nước khác. Còn đối với bằng tiểu học, thầy mong muốn qua quá trình học tập, có thể tìm hiểu, đúc kết được những hạn chế, thua thiệt của trẻ đặc biệt so với trẻ bình thường. Để từ đó, thầy sẽ điều chỉnh chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Đối với thầy Tính, hạnh phúc là mỗi ngày được nhìn thấy các em tiến bộ hơn. Hạnh phúc ấy tưởng chừng đơn giản nhưng đối với thầy cô dạy học tại Trường Chuyên biệt Tương lai, đặc biệt là lớp học của thầy Tính thì hạnh phúc ấy là sự ao ước rất lớn.

 

 

Ba mất sớm. Vài năm sau, mẹ cũng đi theo ba. Cậu bé Phan Ngọc Sang (SN 1984) khi ấy mới học lớp 2 đã lần lượt trải qua những nỗi đau không thể diễn tả thành lời. Tuy nhiên lúc đó, Sang vẫn chưa cảm nhận rõ nỗi mất mát. Mãi đến khi học cấp 3, nhìn bạn bè có ba mẹ đưa đón, còn bản thân cùng bạn bè trở về Làng trẻ SOS Đà Nẵng, Sang mới thầm ao ước “giá như mình còn ba mẹ”.

Vượt qua nghịch cảnh, giờ đây, cậu bé ấy đã trở thành thầy giáo dạy nhạc của trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Năm 2007, sau khi tốt nghiệp ngành Biểu diễn với chuyên ngành Sáo trúc tại Huế, trải qua một số công việc trong thời gian ngắn, thầy Sang đã về dạy nhạc tại Trung tâm. Thời gian chạy nhanh đến mức, lúc nhìn lại đã 15 năm trôi qua.

 

Đưa ánh mắt nhìn về xa xăm, thầy Sang bồi hồi nhớ lại những ngày đầu dạy học tại trường. Lúc ấy, chưa có kinh nghiệm giảng dạy trẻ khiếm thị nên thầy Sang luôn trăn trở với câu hỏi “Phải làm sao để học trò có thể tiếp nhận bài học khi không thể nhìn thấy?”. Với niềm trăn trở đó, với mong muốn học trò tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất, sau mỗi tiết, thầy và trò lại cùng nhau trao đổi những điều đã được và chưa được. Nhờ đó, các tiết học ngày một hiệu quả hơn.

Thầy Sang luôn khuyến khích học trò hãy chia sẻ, hãy xem thầy là cha và học trò là con. Chính sự chân thành ấy đã dần thu hẹp khoảng cách giữa thầy và trò, giúp các bạn tự tin bày tỏ ý kiến.

 

Với tính cách hài hước, tiết học của thầy Sang bao giờ cũng ngập tràn tiếng cười. “Học với thầy Sang em cảm thấy rất vui. Em rất mong tới thứ Hai để học cùng thầy”, em Đoàn Thị My My chia sẻ.

Ngày mới ra trường, đứng trước những khó khăn về giảng dạy, về kinh tế, về đời sống, đã có lúc, thầy Sang muốn từ bỏ công việc này. Nhưng vì một chữ “thương” đã níu giữ bước chân người thầy ở lại.

“Tôi bị mất ba mẹ từ sớm, thiếu thốn tình thương của gia đình, còn các em thì khiếm khuyết về cơ thể. Vì vậy, tôi luôn tìm thấy sự đồng cảm của mình đối với các em”, thầy Sang tâm sự.

Dưới sự chỉ dạy của thầy Sang cùng nhiều thầy cô khác, các em tại Trung tâm đã mạnh dạn thể hiện tài năng âm nhạc trước nhiều khán giả, tham gia tranh tài tại các hội thi cấp thành phố và cả toàn quốc.

 

Thầy Sang mong muốn âm nhạc không chỉ là một người bạn đồng hành, mang đến niềm vui cho các bạn khiếm thị. Mà nó còn là một nghề để học trò có thể tự trang trải cuộc sống của mình về sau.

Trải qua nhiều năm công tác, điều trăn trở lớn nhất của thầy là mọi người có thể đồng cảm, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các bạn trẻ khiếm thị nói riêng và khuyết tật nói chung có cuộc sống tốt hơn khi hòa nhập cộng đồng.

Trong ký ức về hành trình đã qua, tình cảm của học trò, của phụ huynh, của đồng nghiệp, của những con đường quen thuộc là điều quý giá mà các thầy cô mãi mãi không thể quên. Chính những tình cảm ấy là sợi dây gắn kết giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Bao chuyến đò là bao thế hệ học trò đã khôn lớn, trưởng thành. Với mỗi chuyến đò đi là sự gửi gắm, mong mỏi, trăn trở, hy vọng với một điều duy nhất: học trò được hạnh phúc.

 

 

 

 

 


 

 

.