ĐNO - Ngày 13-4, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân triển khai nạo vét thí điểm khu vực thi công số 1 ở vùng nước phía đông âu thuyền Thọ Quang, đoạn từ cầu cảng số 3 về phía tuyến đường Chu Huy Mân.
Video: HOÀNG HIỆP
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường nạo vét vào chiều 12-4, do còn có nhiều tàu cá ngoại tỉnh neo đậu trong khu vực thi công nên Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân chỉ mới triển khai 1 cụm phương tiện sà lan và tàu ngoạm để nạo vét trong điều kiện chật hẹp, thậm chí là có tàu cá nhỏ còn chạy qua sát tàu ngoạm.
Mỗi gàu từ tàu ngoạm được thả xuống mặt nước để múc lên chất nạo vét với trữ lượng 2-3m3 rồi đổ vào sà lan có các khoang chứa có dung tích hơn 600m3. Máy thực hiện khoảng 250 gàu mới đầy 1 sà lan.
Mỗi vị trí đáy âu thuyền được đào sâu xuống khoảng 2m để thu gom lớp bùn bên trên với độ dày lớp bùn khoảng 0,5-0,7m, tiếp đó là các lớp bùn pha sét, lớp sét và sét pha cát với độ dày 3 lớp này 1,3-1,5m.
Sà lan sau khi chứa đầy chất nạo vét thì được điều khiển lách qua các tàu cá và tiến ra khỏi âu thuyền với tổng thời gian hơn 40 phút và di chuyển đến khu vực quy định nhận chìm tại tọa độ 16°11'25.10"N - 108°17'32.78"E vào tối 12-4 ở bên ngoài vịnh Đà Nẵng, cách phao số 0 Đà Nẵng hơn 12km về phía đông.
Các cửa xả ở dưới đáy sà lan được mở để xả chất nạo vét xuống biển ở độ sâu 29-30m và gần như không có dòng chảy trên biển. Đây là một điều kiện thuận lợi để làm lắng nhanh chất nạo vét với đa phần là sét, sét pha cát xuống đáy biển.
Ông Trần Đức Sang, đại diện Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân thông tin công ty đã huy động về âu thuyền Thọ Quang 6 phương tiện phục vụ nạo vét và nhận chìm chất nạo vét trên biển với 4 sà lan và 2 tàu ngoạm.
Tuy nhiên, do khu vực đang nạo vét thí điểm còn có nhiều tàu cá của ngư dân ngoại tỉnh neo đậu và không có người để di chuyển tàu cá nên mặt bằng thi công rất chật hẹp, dễ xảy ra va chạm với tàu cá nên công ty mới chỉ sử dụng 1 tàu ngoạm và 1 sà lan để thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
"Chúng tôi mong các cơ quan chức năng phối hợp di chuyển các tàu cá ra khỏi khu vực thi công để chúng tôi tập trung phương tiện nạo vét rồi nhanh chóng hoàn trả mặt nước cho tàu, thuyền neo đậu; đồng thời cũng quyết tâm hoàn thành nạo vét âu thuyền Thọ Quang trước mùa mưa bão năm 2022 để nâng cao sức chứa tàu, thuyền vào trú bão và giải quyết ô nhiễm môi trường tại âu thuyền này”, ông Sang nói.
Khu vực nạo vét có nhiều tàu cá đang neo đậu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. |
Chất nạo vét được đưa lên sà lan có cửa ở đáy để nhận chìm trên biển tại vị trí quy định. |
Phần lớn chất nạo vét là sét và sét pha cát nên dễ lắng xuống đáy biển sâu 29-30m tại khu vực nhận chìm. |
Một cụm phương tiện gồm sà lan và tàu ngoạm chưa được vận hành vì vướng mặt bằng thi công. |
Mất hơn 40 phút, sà lan chở chất nạo vét mới di chuyển ra khỏi khu vực âu thuyền Thọ Quang. |
Trong tối 12-4, sà lan chở chất nạo vét di chuyển đến vị trí quy định để nhận chìm chất nạo vét (Ảnh chụp màn hình thiết bị giám sát hành trình của sà lan). |
Chất nạo vét từ âu thuyền Thọ Quang đang được nhận chìm tại vị trí quy định vào tối 12-4. |
HOÀNG HIỆP