Ảnh và Video

Chuyện của những thợ ảnh dạo

19:15, 26/07/2022 (GMT+7)

ĐNO - Những năm trở lại đây, khi thiết bị chụp ảnh kỹ thuật số ngày một phổ biến cũng là lúc những thợ ảnh dạo ngày càng vắng bóng.

Những vị khách đầu tiên của ông Mười - thợ ảnh dạo ở bãi biển Mỹ Khê
Những vị khách đầu tiên của ông Mười - thợ ảnh dạo ở bãi biển Mỹ Khê. Ảnh: THU DUYÊN

1. Một ngày làm việc của ông Mai Văn Mười (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) bắt đầu từ khoảng 5 giờ đến 7 giờ và 15 giờ đến 18 giờ tại bãi biển Mỹ Khê. Ông Mười đã có hằng chục năm gắn bó với nghề chụp ảnh dạo từ thuở còn sử dụng máy phim đến khi chuyển sang các dòng máy kỹ thuật số. Quãng thời gian gắn bó với nghề lâu đến mức, ông chẳng còn nhớ mình đã thay đổi bao nhiêu thiết bị. Chiếc máy ảnh hiện tại đã theo ông gần hai năm.

Sau khi chụp và cho khách lựa tấm ưng ý nhất, ông Mười sẽ lấy số điện thoại, địa chỉ của khách để đến giao ảnh hoặc khách sẽ lấy ngay sau khi tắm. Khi khách muốn lấy ngay, ông vội vàng chạy đi in ảnh. 

Ông Mười tâm sự: “Làm nghề này cũng giống như làm dâu trăm họ, cùng một tấm ảnh nhưng sẽ có người khen, người chê. Họ nói sao thì mình cũng phải chịu, miễn họ lấy ảnh là mừng rồi chứ có người chụp rồi lại không lấy ảnh”.

Dù lượng du khách đến bãi biển đông nhưng ông Mười và những đồng nghiệp của mình nhiều khi phải ra về “tay trắng”. Có người ba buổi chiều liên tiếp không có vị khách nào. “Giờ tụi trẻ có điện thoại, máy ảnh hết rồi, còn ai chụp nữa đâu”, ông Mười vừa nói vừa đưa mắt nhìn về phía xa xăm.

2. Khác với ông Mười, thời gian làm việc của anh Nguyễn Quỳnh (37 tuổi, thợ ảnh hành nghề ở Danh thắng Ngũ Hành Sơn) bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 17 giờ. Mười năm gắn bó với máy ảnh, anh Quỳnh đã trải qua không ít thăng trầm. Anh bén duyên với nghề chụp ảnh khá trễ. Chiếc máy ảnh đầu tiên được anh Quỳnh mua với giá 6 triệu. Một số tiền đối với anh khi đó là rất lớn.

Vào khoảng năm 2017, nhận thấy du lịch Đà Nẵng đang dần phát triển mạnh, anh Quỳnh quyết định chuyển từ Nha Trang đến đây sinh sống và lập nghiệp. Anh cho biết, thời điểm đó, không phải ai cũng có điện thoại và máy ảnh nên công việc khá thuận lợi. Thu nhập lúc ấy đủ cho gia đình anh sống dư dả. Nhưng hiện tại, mức thu nhập đã thấp hơn rất nhiều, việc chi tiêu phải cân đo đong đếm.

Để đáp ứng nhu cầu và tạo sự đa dạng cho khách hàng lựa chọn, ngoài việc in ảnh lên giấy, anh Quỳnh còn in lên vải silk, ly sứ và các kiểu đá khác nhau. Anh Quỳnh cho biết, với công nghệ in lên đá, anh phải dành khoảng vài tháng lên Đà Lạt học. Đồng thời, anh cũng tự mày mò tìm hiểu thêm.

Trước Covid-19, khách hàng của anh Quỳnh phần lớn là người Trung Quốc. Nhưng hiện tại, lượng khách Trung rất ít. Vì vậy mà quầy ảnh của anh cũng trở nên vắng vẻ hơn mọi khi. Ngoài công việc chụp ảnh dạo vào ban ngày, thỉnh thoảng, anh Quỳnh còn nhận chụp cho các buổi tiệc, sự kiện vào ban đêm để tăng thêm thu nhập.

3. Theo ông Thêm (một thợ chụp ảnh tại chùa Linh Ứng), chính tình yêu chụp ảnh đã giúp ông gắn bó với nghề đến hiện nay, dù nó đã không còn hấp dẫn như trước. Ông Thêm cũng đang đối diện với tình trạng vắng khách.

Dù lượng khách đến chùa đông nhưng số lượng du khách chụp ảnh không nhiều như những năm về trước.
Chụp ảnh cho du khách tại chùa Linh Ứng. Ảnh: THU DUYÊN

Công việc ban đầu của ông Thêm liên quan đến điện ảnh. Sau đó, ông chuyển sang quay phim, chụp ảnh cưới. Khi chùa Linh Ứng được xây dựng thì ông về đây và gắn bó với nghề chụp ảnh dạo đến nay. 

Suốt nhiều năm làm nghề, ông Thêm không thể đếm hết số ảnh mà ông đã chụp cho những du khách đến tham quan chùa. Những du khách này không chỉ đến từ mọi miền trên đất nước mà còn từ khắp nơi trên thế giới. Điều đó càng làm ông Thêm thêm tự hào về nghề của mình. Ông tin rằng, những bức ảnh ông chụp đã có mặt ở rất nhiều nơi, hiện diện trong những ngôi nhà, những cuốn album lưu giữ kỷ niệm về một hành trình mà họ đã đi.

Không riêng ông Mười, anh Dũng hay ông Thêm, những thợ ảnh dạo khác cũng vắng khách nhưng vẫn tin rằng, nghề này sẽ không bao giờ mất đi vì giá trị tinh thần mà nó mang lại. Đó là trong từng bức ảnh lưu giữ những kỷ niệm, khoảnh khắc của cuộc đời mà không dễ có lại được.

THU DUYÊN

 
.