Báo Đà Nẵng Xuân 2015

TRUYỆN NGẮN

Có cây ngô đồng

15:35, 09/02/2015 (GMT+7)

"Có cây ngô đồng cho chim phượng đậu
Có người đứng đó cho tình thương sâu..."

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đêm đó không trăng không sao.

Bầu trời thành phố bị vẩn đục vì những ánh đèn màu trộn lẫn những thứ bị người ta quăng quật ném ra khắp mọi xó xỉnh. Ngày đã đi qua không để lại chút thương nhớ.

Cô quyết định đóng cửa, khóa bằng cái khóa cũ. Khi nào chồng cô về nhà, anh ta sẽ moi được cái khóa để sâu dưới lớp gỗ mục bên ngoài hàng rào. Giờ này anh đang ngồi nốc hết ly bia này đến ly bia khác, bụng chảy mỡ vì bia hàng chiều, mà vẫn cứ thấy lên cơn thèm ngồi chém gió với bia, mặt căng phừng, giọng nói có hơi men như được chất thêm hàng đống kiến thức.

Tần ngần hồi lâu trước cửa. Giống như người sắp từ giã chốn quen thuộc để dấn thân vào cõi u minh. Chắc chỉ vài tiếng nữa, cô sẽ về lại nhà, xếp gọn gàng đôi giày đặt trước bậu cửa, thay bộ quần áo ngủ và rồi sẽ nằm lên giường của mình.

Nhưng liệu khi ấy cô có còn là cô như giây phút này không?

Cô ngồi vào một quán cà-phê nhỏ. Một quán cà-phê gần bên hồ, khách thưa thớt.

Một vài người ngồi quây quanh bàn cờ bên ngoài quán, tiếng lạch cạch của những quân cờ đập xuống, tiếng cười rộ lên rồi lắng xuống.

Một người đàn ông bước qua họ, mấy đôi mắt ngước lên nhìn rồi lại quay lại bàn cờ. Không ai chú ý đến cô, một thiếu phụ ngồi lặng lẽ bên góc bàn, đang nhìn cái lá vừa rơi xuống mặt hồ bị gió thổi quay quay lập lờ rồi cứ thế nửa chìm nửa nổi. Thực ra tim cô đang bấn loạn. Cô cần tĩnh tâm để có thể đứng dậy và bước đi đến một nơi…

Cô nhớ vào cái ngày ấy, khi cô mới quen anh, cũng tại cái quán này. Khi ấy cô và anh đều cùng quan tâm đến một đề tài, đó là một dự án tương đối lãng mạn: Đưa đào núi xuống phố.

Vào năm ấy, cô chưa lấy chồng. Còn anh dường như không nhìn thấy gì sáng rỡ hơn những gốc đào phai mang từ những miệt rừng về. Khi ấy đất canh tác màu của thành phố vẫn còn trống khá nhiều. Những người dân làng trồng rau bắt đầu biết cách chọn lựa thửa đất để trồng đào, cho họ thu nhập cao hơn những luống cải để nở hoa lấy hạt giống.

Cô và anh bước vào quán cà-phê, ngồi xuống cái bàn bên cửa sổ.

Quán lác đác khách.

Anh nhìn quanh:

“Ở đây có cái hồ thật là đẹp. Mình đã bỏ phí một nơi lạ lùng như thế này”.

Anh kể với cô về miền quê của mình. Kể về một cây ngô đồng đứng đơn độc giữa cánh đồng.

“Sau này khi về cõi, tôi chỉ mong được nằm bên cạnh một cây ngô đồng. Phía xa, ngút ngát là những vườn đào phai…”.

Cô cười, sao anh ước chết sớm thế? Anh còn nhiều nhiều lắm những việc phải làm, những chặng đường phải đi qua.

Giờ đây, cái cảm giác ngồi nhâm nhi bên tách cà-phê, nghe nhạc, và ngoài kia là rác thật lạ. Mùi rác lẫn với cà-phê thơm nức. Nó khiến cô nhớ đến cồn cào tiếng người con trai ấy năm nào.

Khi màn đêm phủ bóng kinh thành
Sẽ chẳng có giọt rượu nho nào cho nàng lau
nước mắt…

Gió đưa hương đêm vượt qua rác vào cửa quán, gió vần vũ mơ hồ.

Rồi cô cũng đứng dậy và quyết định đi đến nơi mà suốt bao lâu nay cô cứ nấn ná. Nơi ấy, anh đang âm thầm sống và đang dần thực hiện nốt những ước mơ của mình.

Chiếc xe của cô chớm vào xóm bãi. Gió luồn qua những vườn đào mi ni mà anh đã giúp dân xóm bãi trồng xen kẽ, lấn dần những bãi rác đổ vô tội vạ xung quanh. Gió thốc vào mặt cô mùi hương ngai ngái của những cành đào đang mùa tỉa lá.

Bầu trời bỗng nhiên đen kịt. Cả khu xóm bãi chìm trong tiếng thở dài.

Thi thoảng có tiếng chó sủa. Tiếng những chiếc xe ôm đưa đón những nàng cave đi hành sự.

Cô đi qua lối có mấy người thanh niên hình như đang chụm đầu làm điều gì đó mờ ám. Ai đó buông câu: “Đi đêm vào khu này mà như đi dự hội…”.

Hai thanh niên dật dờ ngồi chích trong bóng đêm. Bóng họ trải dài như hai hình nhân. Thấy có tiếng xe đến gần, họ xích vào sâu hơn trong bóng tối.

Những ánh đèn bảo vệ đỏ quạch lắp bên vệ cây đủ soi sáng cho những mũi kim tiêm đâm sâu vào mạch máu trên những cánh tay gầy nhẳng đen đúa.

Hai nàng cave đang đứng lui vào bóng tối. Họ đứng đó, ngước nhìn lên những vì sao đang đổi ngôi. Xóm bãi nơi họ đang ở chìm dần vào bóng đêm.

Không còn cả ánh sao vì mây đen đang kéo đến.

Những chú chó nhỏ nhớ mẹ đang rên rỉ trong bếp, bên cạnh đống tro tàn.

Đây đó có tiếng tưới cây.

Mầm cây đang bật lách lên giữa những nách lá.

Tiếng chị phát thanh viên trên chương trình truyền hình phấn khởi thông báo mấy ngày nay hoa Hà Nội đang lên giá vì xuất được sang các nước trong khu vực khá nhiều. Người làng hoa sẽ khá lên vào độ xuân về.

Cô đỗ xe trước căn nhà của anh, ngập ngừng. Rồi lấy di động soi cái địa chỉ viết trên mẩu giấy nhỏ.

Cô lấy hết can đảm gõ cửa.

Anh đứng sững nhìn cô, như không tin vào mắt mình.

Năm ấy họ đã có lời hẹn, khi nào một trong hai người thấy nhớ người kia thì sẽ được phép tìm đến, dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Đám cưới cô, anh vùi đầu vào dự án trồng đào của mình. Cô bước lên xe dâu, mắt mơ hồ nhìn thấy từng vườn đào phai đang trút hết những cánh hồng, từng lớp từng lớp phủ hồng gốc đào, những giọt sương mai rơi xuống như những giọt lệ âm thầm.

Anh khẽ cười, buông một câu chẳng ăn nhập gì với việc cô xuất hiện trước cửa nhà anh, sau ngần ấy năm:

- Thực ra ở đây vào ban ngày có khi lại còn sợ hơn. Chứ ban đêm người ở đây ai cũng phải làm việc hết, không chú ý ai ra vào đâu. Vì người ra vào ban đêm có khi đông hơn ban ngày. Em vào nhà đi.
Cô bước vào căn phòng, kín đáo quan sát nơi ở của anh.

Cô cũng buông câu lơ lửng:

- Lúc em đi vào đây còn thấy cả trăng nữa. Ở đây lãng mạn. Nhưng cũng thấy ghê ghê thật.

Lúc ấy có tiếng chó hoang tru lên trong đêm.

Cô nhìn quanh căn phòng anh ở với những bức tranh dán kín mít và loang lổ, cho thấy chủ nhân không phải người lạnh lùng như anh vẫn thể hiện. Nhưng căn phòng đạm bạc không có gì.

Mấy lần cô thò tay vào cái xắc nhỏ, định rút ra cuốn sổ nhật ký, nhưng rồi lại từ bỏ ý định sắp sẵn từ nhà.

Dường như vợ chồng cô chỉ là góp gạo thổi cơm chung. Chồng cô hầu như không mấy khi có mặt ở nhà cả buổi, trừ ban đêm phải về để ngủ. Anh luôn có lý do để đi khỏi nhà. Thói quen ấy ngấm sâu bào mòn. Anh thậm chí còn không hề sốt ruột khi họ chưa có con. Anh nhất quyết không chịu đi cùng cô vào bệnh viện để xét nghiệm. Không gian sống của vợ chồng cô đẫm mùi ẩm mốc của bia rượu, thức ăn dư thừa, thiếu vắng nụ cười con trẻ.

Cô cảm thấy mình đang dần cứng đanh lại như khúc tre ngâm dưới ao tù. Lập trình sống hằng ngày có thể bấm được từng đốt thời gian. Và giữa những thời gian đếm được đó không hề có những câu chuyện cổ tích.

Trong giấc mơ mệt mỏi của những đêm dài mòn mỏi đợi chồng về, những con búp bê gỗ trong những câu chuyện cổ tích rơi ra.

Rơi mãi như đang trôi về phía vực thẳm…

Cô đi đến những nơi người ta chỉ cho để xem số phận của mình. Pháp sư gieo quẻ và nói, số cô có đủ cả con trai và con gái. Cô phàn nàn về chồng, về sự nhạt nhẽo của anh, sự lãnh đạm của anh, sự kỳ quặc khác người của anh. Pháp sư phán: không có ông đàn ông nào lại không muốn có con. Sở dĩ chồng cô không thích có con là vì mồ mả tổ tiên anh ta đang bị sụt nghiêm trọng. Cô nên tìm cách báo cho chồng biết để sắm lễ cúng âm.

Nhưng cuối cùng cô vẫn không sao thuyết phục được chồng về chuyện mồ mả tổ tiên bị sụt lở. Anh quát cô: Sao cô mê tín đến kinh hoàng vậy? Tôi không nhận ra cô nữa đấy.

Bạn gái cô buông một câu: Thiếu gì cách mà sao phải khổ vậy? Chẳng có người đàn ông nào không mong có con. Chồng mày bị hỏng hệ thần kinh NGƯỜI rồi. Còn mỗi phần CON thôi. Đi tìm ngay NGƯỜI nào giúp cho.

Và cô quyết đi tìm người xưa, để mong những con búp bê gỗ sẽ hiện hữu thực sự trong cuộc sống của cô. Sẽ là nụ cười và niềm vui thực sự.

Giờ đây, anh đang ngồi trước mặt cô. Cả hai đều lúng túng không biết nói gì với nhau. Cô kín đáo liếc nhìn cái giường rất gọn gàng của anh. Có cảm giác anh không hề vướng lụy tình ái. Trên bàn, vẫn là những trang tài liệu về việc cắt ghép cành đào. Cô nhìn thấy một bức ảnh của một người con gái. Ánh mắt cô dừng lại trên gương mặt người ấy, dò tìm nguyên cớ.

Anh giải thích:

- Cô ấy đang làm nghiên cứu sinh bên Nhật. Anh đợi cô ấy về sẽ làm đám cưới.

Cô khẽ cười:

- Vậy sao? Bao giờ cô ấy về?

- Cuối năm nay cô ấy sẽ về cùng con trai riêng. Em sống thế nào?

Cô không nghe thấy anh nói gì, hỏi gì. Cô cũng không hỏi vợ sắp cưới của anh làm nghiên cứu sinh về đề tài cấy ghép đào hay cấy ghép tế bào người? Cũng không muốn hỏi anh quen cô ấy ra sao? Cô chỉ muốn một điều duy nhất. Điều cháy bỏng đó cứ chực thoát ra khỏi đôi môi cô, nhưng những thanh âm mà cô sắp sẵn trong lòng từ bấy lâu nay vẫn im lìm lặng lẽ, như trốn chạy. Cô định đưa cuốn nhật ký cho anh. Cuốn nhật ký cô viết khi hai người chưa chia tay, khi cô chưa đi lấy chồng. Nhưng cô vẫn ngồi im bất động trên ghế.

Trong cuốn sổ nhật ký xưa cũ, cô chép nguyên những câu thơ ai đó đã làm và đám sinh viên truyền tay nhau chép vào sổ lưu niệm:

Sẽ chẳng có ngô đồng để nàng ngủ vùi bên gốc
Chẳng có hiện hữu dáng chàng

Rồi cô đứng lên sau khi uống hết ly nước mát anh đưa.

- Thôi, em về nhé. Đến thăm anh, thấy anh khỏe và yên ổn là em vui rồi.

Anh ngạc nhiên:

- Sao không thấy em kể gì về gia đình em thế? Có ổn không?

Cô cười, nụ cười tươi tắn:

- Ổn anh ạ. Có điều mấy bữa nữa chúng em phải vào bệnh viện nhờ can thiệp tây y…

Anh gật đầu:

- À, vậy là…

Cô nhìn đống tài liệu trên bàn anh:

- Em sẽ làm lại cái dự án trước đây chúng mình bỏ dở. Nhưng chắc phải hai năm nữa, khi con em đã có mặt trên đời.

Anh tiễn cô ra cửa.

Rồi họ còn đi cùng nhau thêm một đoạn ra đến gần con đường lớn dẫn ra phố.

Những nhóc nghiện, những nàng cave chân ngắn không còn lượn lờ bên ngõ nhỏ nữa. Hai bên ngõ, trên những vạt đất trống, cô nhìn thấy những gốc đào vừa mới được tỉa lá.

Nhạc nhà ai đang vỗ về lữ khách, giống như cả bầy tiên nữ xống áo màu hồng đào đang uốn lượn bên con mương dài không còn mùi xú uế:

“Có cây ngô đồng cho chim phượng đậu
Có người đứng đó cho tình thương sâu...”

Lát nữa cô sẽ ào vào nhà mình. Sẽ lăn ra giường và mỉm cười với chồng. Cô sẽ dịu dàng với anh. Sẽ vun tưới cho cây ngô đồng, nơi trú ngụ của cô thật xanh tươi.

Dù thế nào thì mùa xuân cũng đang sắp tràn về xứ sở. Hoa đào đang chuẩn bị ra những nụ hồng.

Hà Nội, đêm 4-1-2015

VÕ THỊ XUÂN HÀ
 

.