Báo Đà Nẵng xuân 2016

Đảo khỉ

12:35, 14/02/2016 (GMT+7)

Hãy tưởng tượng nỗi phiền muộn của tôi sau khi vượt cả một đại dương để tới hòn đảo này. Đảo còn ngủ yên dưới màn sương dày đặc, chẳng biết đang là ngày hay đêm. Tôi dụi mắt cố nhìn cho rõ toàn thể diện mạo của hòn đảo. Có vô số những phiến đá lớn trần trụi dốc dác nằm dài chồng lên nhau, thấp thoáng thấy có những cái miệng đen ngòm đang há hốc của các hang động. Không biết đây có phải là núi hay không. Chẳng thấy một ngọn cỏ xanh nào cả.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi lò dò đi bọc theo chân ngọn núi đá. Thỉnh thoảng nghe thấy có tiếng hú ma quái vẳng lại từ một nơi không xa lắm. Không biết đó là tiếng chó sói hay tiếng gấu. Nhưng sau khi trải qua những gian nan trên đường thiên lý, tôi trở nên gan dạ, chẳng hề bận tâm vì những tiếng hú ấy, cứ thế đi quanh khắp đảo.

Tôi ngạc nhiên vì phong cảnh trên đảo thật nhàm chán, đến đâu cũng chỉ thấy toàn là đường đá lộc cộc. Bên phải là núi đá, bên trái là những vách đá hoa cương hầu như dựng đứng, cao vút. Con đường ở giữa hai vách núi mà tôi đang đi, bề ngang gần hai thước, cứ mở ra mãi trước mặt.

Mình thử đi tới khi nào không còn đường đi xem nào. Những gian khổ và trăn trở ngày qua giúp tôi giờ có được cái nhuệ khí không biết sợ là gì.

Đi được chừng nửa dặm, tôi lại đứng ngay điểm khi bắt đầu. Tôi chợt hiểu đó là một con đường đi vòng quanh núi đá. Chắc hẳn là tôi đã đi vòng quanh tới hai lần cùng một con đường ấy. Tôi chợt hiểu rằng hòn đảo này nhỏ hơn tôi tưởng.

Màn sương dày đặc loãng dần khiến tôi trông thấy đỉnh núi án ngữ ngay trước trán mình. Có ba đỉnh núi. Ở giữa là một đỉnh núi tròn, có lẽ cao đến gần mười thước. Đỉnh núi này lát những phiến đá phẳng có vân nhiều màu, triền núi chạy thoai thoải về phía bên trái, tiếp nối với một đỉnh núi nhọn hoắt bên cạnh, phía triền núi còn lại là một vách đá cheo leo dốc dác tuột xuống cho đến khoảng lưng chừng núi thì lại nối tiếp với một cái đồi khá rộng nổi bồng lên. Ở chỗ vách đá ấy có một dòng thác nhỏ rơi xuống cái khe núi bên cạnh đỉnh đồi.     

Vách đá gần thác nước, khắp nơi trên đảo đều ẩm ướt xanh biếc vì sương mù. Tôi thấy có hai thân cây. Một ở ngay chỗ miệng thác, trông giống như là cây sồi. Trên đỉnh núi cũng có một thân cây to lớn, hình tướng cổ quái chẳng biết là giống cây gì. Và cả hai cây đều đã héo khô. Tôi đã bâng khuâng ngắm quang cảnh hoang liêu ấy hồi lâu.

Màn sương mỏng tan dần. Ánh mặt trời bắt đầu chiếu xuống. Đỉnh núi còn đẫm hơi sương sáng rực lên. Đó là ánh nắng ban mai. Tôi vẫn còn đủ thư thái để nhận ra đó là ánh nắng ban mai hay nắng chiều.  

Tôi cảm thấy phần nào sảng khoái, bèn bám vào vách đá để leo lên đỉnh núi. Đỉnh núi thoạt nhìn thì có vẻ hiểm trở, thế nhưng leo lên rồi mới thấy cũng có từng bậc để đặt chân lên hẳn hoi, không đến nỗi cheo leo. Tôi đã bò đến tận miệng thác nước. Chỗ này có ánh nắng ban mai rọi thẳng xuống, và thấy được cả làn gió nhẹ mơn man trên trán.  

Tôi chuyền sang một gốc cây trông giống như cây sồi, và ngồi xuống. Tôi nhìn mãi lên tận ngọn cây. Năm sáu cành nhỏ đã héo, còn chĩa thẳng lên trời, những cành ở gần tầm tay tôi thì đã bị gãy xơ xác. Thử leo lên xem nào.

Mưa tuyết     
Đang lên tiếng gọi ta

Có lẽ đó là tiếng gió, tôi bắt đầu leo thoăn thoắt.

Gọi ta
Thân phận tù đày

Khi mệt lả thì nghe như có nhiều giọng hát. Tôi lên ngọn cây, bèn thử rung những cành cây khô héo trên ngọn cây vài cái.

Gọi ta
Số kiếp hẩm hiu

Cành cây khô mà tôi đang đứng bỗng bị gãy kêu đánh rắc một cái. Tôi bám lấy thân cây, cứ thế mà rơi thẳng tuột xuống đất.

- Bẻ cành hả !  

Tôi nghe rõ mồn một giọng nói ấy ở ngay trên đầu tôi. Tôi vịn thân cây đứng lên, hoa cả mắt nhìn quanh tìm nơi phát ra giọng nói ấy. Ồ, tôi bỗng thấy lạnh cả sống lưng. Một con khỉ từ trên vách núi sáng rực dưới ánh nắng mai, đang chậm rãi tuột xuống. Tất cả những gì lâu nay ngủ yên trong tôi, bỗng nhất loạt sáng lóe lên.

- Xuống đây nào. Tớ làm gãy cành đấy.

- Cây ấy là của tớ.

Hắn từ trên vách đá tuột xuống, trả lời tôi như thế, rồi tiến về phía miệng thác. Tôi bèn thủ thế. Hắn nhíu mày làm cái trán bóng lưỡng nhăn lại thành nhiều nếp, đưa mắt nhìn chòng chọc bộ điệu của tôi, rồi nhe hàm răng cười trắng nhởn. Cái cười của hắn làm tôi cáu tiết. Tôi hỏi:

- Nhìn tớ buồn cười lắm sao ?

Hắn đáp:

- Ừ, buồn cười lắm. Đằng ấy vượt biển tới đây hả.

- Ừ.

Tôi vừa nhìn những gợn sóng đang sủi lên từ phía miệng thác không ngớt lan xa, vừa gật đầu trả lời hắn. Tôi đang hồi tưởng lại lúc còn phải giam mình trong cái thùng gỗ chật hẹp tù túng.  

- Tớ cũng không biết gì cả, chỉ có điều là biển rộng lắm phải không?

Tôi lại gật đầu trả lời hắn:

- Ừ.

- Vậy là cũng như tớ.

Hắn vừa lẩm bẩm thế, vừa vốc nước ở miệng thác lên uống. Không biết từ hồi nào cả hai chúng tôi đã ngồi cạnh nhau.

- Bọn mình cùng quê cả. Chỉ nhìn đằng ấy một cái là tớ biết ngay. Là vì ở xứ chúng mình, tai của ai cũng sáng rực lên.

Hắn nắm tai tôi kéo thật mạnh. Tôi nổi cáu bèn cào vào cánh tay tinh nghịch ấy của hắn. Thế rồi chúng tôi nhìn vào mặt nhau cùng cười vang. Tôi bỗng cảm thấy rất thoải mái dễ chịu.

Tiếng kêu lanh lảnh vang lên ngay gần chỗ tôi. Tôi ngạc nhiên quay lại thì thấy một bầy khỉ có đuôi to chần chẫn, lông lá xồm xoàm, đang đứng đông nghịt trên đỉnh đồi, cùng hướng về phía chúng tôi mà tru tréo. Tôi vùng đứng lên thì hắn ngăn lại:

- Đừng đừng! Đừng có quay về hướng đó. Chúng nó là giống khỉ hú. Sáng nào chúng cũng nhìn về phía mặt trời mà hú như thế.

Tôi đứng ngây người ra nhìn. Trên đỉnh đồi nào cũng có những đàn khỉ đang khom người xuống tắm ánh mặt trời.

- Tất cả đều là khỉ à ?

Tôi ngỡ mình đang nằm mơ.

- Đúng thế. Nhưng là giống khỉ khác với bọn mình. Họ khác quê với mình.

Tôi nhìn kỹ từng con trong bọn chúng. Có con lông trắng rậm dài mượt phất phơ trong gió ban mai, đang cho khỉ con bú. Có con mặt đỏ gay, cứ ngửng mặt lên trời mà hát bài gì ấy. Có con cong cái đuôi lông vằn vện thật đẹp, đu mình trong nắng. Có con mặt mày nhăn như bị cứ lăng xăng đi lại hết chỗ này đến chỗ kia.

Tôi khẽ hỏi hắn:

- Ở đây là đâu thế nhỉ?

Hắn đáp với ánh mắt u buồn:

- Tớ cũng chẳng biết nữa! Chỉ có điều là hình như không phải là ở Nhật.

Tôi thở dài:

- Vậy à. Nhưng cây kia hình như là cây sồi Kiso thì phải.

Hắn quay lại gõ bồm bộp vào thân cây đã khô, rồi nhìn lên tận ngọn cây, bảo:

- Không phải đâu! Cành cây này mọc theo kiểu khác. Vỏ cây thì khi có nắng chiếu vào chỉ hắt lên một màu đùng đục. Vả lại, cây mà không nẩy chồi non thì cũng khó biết được đó là cây gì.

Tôi vẫn đứng yên một chỗ, hỏi hắn, lúc bấy giờ đang đứng tựa vào gốc cây đã héo khô:   

- Tại sao cây lại không đâm chồi nhỉ?

- Tại vì cây đã héo khô từ mùa xuân. Khi tớ tới đây thì đã héo khô rồi. Từ đó tới nay đã qua tháng tư, tháng năm, rồi tháng sáu, tức là đã ba tháng. Không phải chỉ khô héo, mà hình như cũng không phải là cây được trồng theo kiểu cắm xuống đất đâu. Cây không có rễ, chắc là thế. Cây bên kia còn tệ hơn. Bên ấy toàn là một lũ phải gió.

Hắn vừa nói vừa chỉ bọn khỉ hú. Lũ khỉ hú đã hết tru tréo, hòn đảo cũng khá yên tĩnh trở lại.

- Ngồi xuống đây nói chuyện nào.

Tôi ngồi xuống sát ngay bên cạnh hắn.

- Chỗ này tốt đấy chứ? Trên đảo này thì ở đây là chỗ tốt nhất đấy. Có nắng này, có cây cối này, hơn nữa còn được nghe tiếng nước nữa này.

Hắn vừa nói vừa nhìn xuống dòng thác nhỏ một cách mãn nguyện.

- Tớ ra đời ở vùng gần eo biển phía bắc Nhật Bản. Đêm đêm có tiếng sóng mơ hồ vọng về. Tiếng sóng hay lắm. Cứ như là từ từ mà rót vào lòng mình ấy.

Tôi cũng muốn kể chuyện về quê mình.    

- Tớ thì nhớ cây cối hơn là tiếng nước. Vì tớ sinh ra ở tận mãi trong rừng sâu ở vùng núi miền trung nước Nhật. Lá cây có mùi thơm thích lắm.  

- Thế thì thích thật rồi. Ai cũng nhớ cây cối cả. Vì thế ở đảo này bất cứ tên nào cũng muốn ngồi ở chỗ có cây, dù chỉ một thân cây thôi.

Hắn vừa nói vừa vạch lông háng ra chỉ cho tôi xem mấy vết sẹo đỏ thẫm:

- Để chiếm được chỗ này, tớ đã phải khổ công như thế đấy.

Tôi nghĩ mình phải rời khỏi nơi đây.

- Tại tớ không biết.  

- Được mà, không sao đâu. Tớ ở đây thui thủi một mình. Từ bây giờ, coi như chỗ này là của cả hai đứa cũng được. Nhưng đằng ấy phải cẩn thận đừng làm gẫy cành nhé.

Sương tan, trời quang đãng hẳn, ngay trước mắt chúng tôi hiện ra một quang cảnh thật lạ lùng. Lá xanh. Màu xanh ngợp cả mắt tôi. Tôi đã nhận ra được lúc này đang vào mùa nào. Ở quê tôi bây giờ là mùa cây chuy ra lá non thật đẹp. Tôi ngửa cổ ngắm những hàng cây lá xanh. Nhưng chỉ một thoáng, giây phút thả hồn mộng mơ ấy đã bị đứt đoạn.

Tôi kinh hoàng giương mắt ra nhìn. Dưới vòm lá xanh có một con đường trải sỏi có vẩy nước trông mát rượi. Những người mắt xanh, mặc quần áo trắng thật sang trọng, đang lũ lượt kéo nhau đi. Có cả những phụ nữ cắm lông chim trên đầu, nhìn lóa cả mắt. Có cả người đàn ông vừa chậm rãi vung vẩy chiếc gậy lớn có bọc da rắn, vừa lần lượt quay sang hết bên phải rồi trái mà mỉm cười với mọi người.
Hắn đỡ lấy người tôi, đang mềm nhũn ra vì sợ, thì thầm thật nhanh bên tai tôi:

- Đừng ngạc nhiên, sáng nào cũng như thế này.

- Có sao không? Bọn họ đang nhắm vào chúng mình.

Tôi cắn chặt môi dưới, nhớ lại những điều thê thảm đã từng trải từ lúc bị bắt trên núi, cho đến khi được đưa tới đảo này.

- Làm trò đấy. Họ làm trò cho mình xem đấy mà. Cứ yên mà xem, sẽ thấy những điều cũng hay lắm đấy.  
Hắn vội vàng nói. Rồi một tay vẫn ôm chặt lấy người tôi, một tay chỉ vào đám người ấy, hắn giải thích cho tôi nghe:

- Kia là người vợ, một người đàn bà chỉ biết có hai cách sống: hoặc là làm món đồ chơi cho chồng, hoặc là làm người chỉ huy ông chồng, không chừng là cái rốn của con người cũng có hình dáng như thế. Kia gọi là học giả, là hạng người kỳ cục chuyên sống bằng nghề đưa ra những giải thích chỉ làm phiền cho các bậc thiên tài đã quá cố, hay lên mặt dạy đời cho các bậc thiên tài sắp ra đời; tớ cứ nhìn bọn họ là đã thấy chán ngấy, muốn buồn ngủ rũ cả người ra.

Kia là nữ diễn viên, ngày thường điệu bộ đóng kịch còn giỏi hơn cả khi ở trên sân khấu. Ối, cái răng cấm bị sâu của tớ lại nhức lên rồi. Thế còn đấy gọi là địa chủ, đồ nhát gan chỉ lo biện bạch rằng mình cũng lao động tay chân, tớ cứ nhìn cái bộ điệu ấy là thấy nhột nhạt như có con rận bò trên sống mũi.

Còn gã đàn ông đeo găng tay trắng ngồi trên chiếc ghế dài đằng kia là cái giống mà tớ ghét nhất. Nhìn kìa, gã vừa xuất hiện là có cơn lốc xoáy toàn phân màu vàng thối hoắc đầy trời đấy là gì.

Những lời hùng biện của hắn tôi chỉ nghe chiếu lệ. Là vì tôi còn đang mải nhìn một cái khác. Đó là bốn con mắt sáng rực như lửa. Những con mắt màu xanh trong vắt của lũ trẻ con của giống người. Từ nãy giờ hai đứa bé này gắng lắm mới nhô đầu lên được khỏi bức tường bằng đá hoa cương xây vây quanh đảo, để dòm vào trong này.

Cả hai có vẻ đều là con trai. Gió ban mai thổi vào mái tóc màu vàng ngắn ngủn bờm xờm của chúng. Một đứa mặt đầy tàn nhang, cái mũi đen ngòm. Một đứa có đôi má như cánh hoa đào.

Một lát sau hai đứa bé cùng ngoẹo cổ, ra dáng đang suy nghĩ điều gì. Thế rồi, đứa bé có cái mũi đen ngòm chúm môi nhọn mỏ nói bằng giọng điệu thật ghê gớm điều gì đó vào tai đứa kia. Tôi lấy hai tay lắc người hắn, gọi:

- Chúng nó nói gì thế, nói cho tớ nghe thử. Đứa bé kia đang nói gì thế.

Hắn giật mình, ngưng nói ngay lập tức, hết nhìn mặt tôi lại nhìn lũ trẻ đằng kia. Thế rồi, miệng cứ mấp ma mấp máy, hắn trầm ngâm nghĩ ngợi hồi lâu. Tôi cảm thấy có điều gì rất ghê gớm trong thái độ do dự của hắn. Bọn trẻ đã phun ra những lời gì đó dường như rất mãnh liệt về đảo của bọn tôi, rồi biến mất sau bức tường đá, thế mà hắn vẫn còn lúng ta lúng túng, hết gác tay lên trán lại gãi mông, mãi một lát sau hắn mới chậm rãi nói, với nụ cười thậm chí có cả một chút ranh mãnh nơi khóe môi:

- Chúng nó chê là: lúc nào đến đây xem, cũng thấy chẳng có gì khác.

“Chẳng có gì khác”. Tôi liền hiểu ra hết mọi chuyện. Điều mà tôi ngờ vực đã trúng phóc. “Chẳng có gì khác”. Đây là một lời phê bình. Vậy thì kẻ làm trò cho thiên hạ xem, chính là chúng tôi.

- Vậy à. Vậy thì nãy giờ đằng ấy đã nói dối tớ.

Tôi muốn thoi cho hắn chí chết.

Cánh tay của hắn đang đỡ lấy tôi như siết chặt hơn, hắn đáp:

 - Vì tớ thấy tội nghiệp.

Tôi vùi đầu vào lồng ngực rộng lớn của hắn. Tôi thấy xấu hổ cho sự ngu ngốc của mình hơn là tức giận vì lòng tử tế dễ ghét của hắn.

- Đừng khóc nữa. Khóc cũng chẳng làm gì được.

Hắn vừa vỗ nhẹ vai tôi, vừa buồn bã thì thầm.

- Phía trên tường rào bằng đá có cắm một cái biển gỗ dài, thấy không. Mặt sau của tấm biển gỗ quay về phía bọn mình thì nhếch nhác chỉ có vân gỗ nâu đỏ, nhưng phía mặt bên kia của tấm biển ghi như thế nào, đằng ấy có biết không? Giống người họ đọc những hàng chữ ghi trên ấy. Trên ấy viết rằng “Khỉ có tai sáng rực là khỉ Nhật Bản”. À mà không chừng họ còn viết điều gì coi thường mình hơn thế nữa.

Tôi không muốn nghe điều gì nữa. Tôi thoát ra khỏi vòng tay hắn, chạy bay về phía thân cây héo khô, leo lên đó. Tôi bám chặt lấy ngọn cây, đưa mắt nhìn khắp đảo. Mặt trời đã lên cao. Sương mù trắng xóa ấm áp bốc lên khắp đó đây trên đảo. Cả trăm con khỉ đang nhởn nhơ phơi nắng đùa giỡn dưới khoảng trời xanh. Tôi cất tiếng hỏi hắn, đang gục đầu ở yên một chỗ bên miệng thác:  

- Tất cả đều không biết gì cả à ?

Hắn không buồn ngửng lên nhìn tôi, từ dưới đáp vọng lên:

- Biết làm sao được! Có lẽ chỉ có tớ và đằng ấy biết mà thôi.

- Tại sao không bỏ trốn đi ?

- Đằng ấy định bỏ trốn à ?

- Tớ sẽ bỏ trốn.

Lá xanh. Đường trải sỏi. Dòng người lũ lượt.

- Đằng ấy không sợ à ?

Tôi nhắm nghiền mắt lại. Hắn đã nói ra cái điều không nên nói.

Lẫn trong tiếng gió vi vu bên tai, có tiếng hát trầm lắng vẳng lại. Có phải là tiếng hát của hắn? Tôi thấy âm ấm nơi mí mắt. Đó là bài hát đã làm tôi ngã từ trên cây xuống đất lúc nãy. Tôi vẫn nhắm nghiền mắt, lắng tai nghe.

- Đừng, đừng, hãy xuống đây nào. Chỗ này tốt lắm. Có nắng chiếu này, có cây cối này, nghe thấy tiếng nước này, và nhất là không phải lo không có cái ăn.

Tiếng gọi ấy của hắn nghe như vẳng lại từ xa, thế rồi cả tiếng cười trầm ấm nữa.

Những mời gọi này cứ như là sự thực. Hay đó chính là sự thực cũng không chừng. Tôi thấy mình mỗi lúc một chao đảo, hoang mang hơn. Thế nhưng, thế nhưng dòng máu, dòng máu ngu xuẩn được nuôi dưỡng từ khi ở trên núi của tôi vẫn một mực kêu to lên rằng:

- ... Không!

Vào giữa tháng 6 năm 1896, văn phòng sở thú thuộc Viện Bảo tàng Luân Đôn nhận được tin khỉ Nhật Bản đã bỏ trốn. Hơn nữa không chỉ một con, mà là hai con.

Truyện ngắn Dazai Osamu(*)

Quỳnh Chi dịch


(*) Dazai Osamu (1909-1948) nhà văn lớn trong thế kỷ 20 của Nhật Bản. Xuất thân từ một gia đình thượng lưu, thường tỏ ra yếm thế, tự tử hụt nhiều lần và cuối cùng đã tự vẫn ở tuổi 38. Nhiều tác phẩm của Dazai gần giống như Shisosetsu (tiểu thuyết tự truyện), được cho là thuộc Buraiha (trường phái Điêu tàn). Văn ông có cái nhìn châm biếm phê phán xã hội và mô tả tâm lý sâu sắc.

.