Báo Đà Nẵng xuân 2016
Điều chưa kể về tỷ phú Harold Chan
Những ngày cuối năm 2015, một người từ Singapore đến Đà Nẵng tự nguyện tặng các nạn nhân chất độc da cam cả tiền lẫn hiện vật tổng cộng 35 tỷ đồng. Chuyện tưởng như cổ tích ấy lại là sự thật! Ông là Harold Chan. Nhưng nếu gọi ông là “tỷ phú Harold Chan” hoặc “ông bụt của nạn nhân da cam” thì ông cũng không thích bằng tên riêng bình thường của mình. Ông tỷ phú này cũng có cách xài tiền rất thú vị.
Ông Harold Chan (áo xám) cùng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ngành y tế và trẻ em da cam tại buổi lễ tặng máy MRI. |
Thích làm những điều chưa biết
"Chúng ta cố gắng cho ngày hôm nay, còn ngày mai là một câu chuyện mới của cuộc đời mà chính chúng ta cũng không thể định đoạt được" Harold Chan |
Sau lễ ký kết tặng chiếc máy MRI (máy chụp cộng hưởng từ) trị giá 33 tỷ đồng để điều trị miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam nói riêng, người khuyết tật, người nghèo nói chung, ngay hôm sau (1-12-2015), ông Harold Chan tập hợp một số bác sĩ đến Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố tại huyện Hòa Vang để khám sàng lọc và đưa ra hướng điều trị.
Đến Bệnh viện Đà Nẵng, dù mọi người nói trước rằng ông hãy ngồi yên trên xe rồi nhắn bác sĩ ra, nhưng ông vẫn xuống xe nhỏ nhẹ chào từng người một.
Đến nơi chăm sóc nạn nhân da cam, Harold Chan ôm từng em, vuốt những đôi tay, đôi chân cong vẹo. Luôn nói mình không làm trong ngành y, không biết về điều trị bệnh, nhưng ông luôn theo sát các bác sĩ trong từng trường hợp thăm khám và trao đổi rất sâu về chuyên môn.
Ông còn đưa cho các bác sĩ xem hình ảnh về những phương pháp điều trị mới nhất trên thế giới dành cho người bị bệnh não và bại liệt mà ông đã cất công sưu tầm, tìm hiểu. Sau này, ông chia sẻ rằng, tất cả hiểu biết ấy xuất phát từ kho kiến thức khổng lồ trên Internet.
“Trước khi làm việc gì, tôi đều tìm hiểu rất kỹ, nhờ có Internet”, ông Harold Chan, người từng giữ chức vụ System Engineer (Kỹ sư hệ thống) trong hàng thập kỷ của IBM - công ty tin học lớn nhất thế giới nói.
Qua mỗi lần thảo luận cùng bác sĩ, ông gần như lại nín thở trong vài giây. Ông thấy mình đã làm tất cả những gì cần thiết nhưng vấn đề của các em nạn nhân da cam quả thật quá lớn. Ông muốn bác sĩ đừng cố tập trung làm điều gì lớn lao, mà hãy giúp các em tốt lên từng chút, từng chút một. Theo ông, chỉ cần bác sĩ thực sự cố gắng đã là dấu hiệu quan trọng nhất.
Không chỉ nghĩ đến việc điều trị cho các em, Harold Chan còn muốn những trẻ da cam dạng nặng, nằm bất động được gom về chung một mái nhà cho tiện việc chăm sóc. Riêng huyện Hòa Vang có trên 90 em bất động dạng này, nhưng chưa có tổ chức nào nhận nuôi dưỡng, bởi đâu chỉ cần cơm ăn, nước uống mà đó là cả vấn đề chăm sóc y tế và hỗ trợ sinh hoạt, đòi hỏi nhiều nhân lực và kinh phí.
Đưa ngón tay vẽ một vòng tròn, ông Chan tâm sự: “Tôi nghe một người mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam nói rằng chị ấy không có một đêm tròn giấc trong suốt 34 năm. Mà đâu có một người, rất nhiều người mẹ ở Việt Nam đã và đang chịu nỗi khổ ấy.
Nỗi khổ có thể chỉ vơi đi khi con họ không còn nữa, nhưng nếu các bà mẹ ra đi trước con mình thì sẽ ra sao, ai sẽ chăm sóc chúng? Nói rồi ông ôm tay vào ngực: Tôi là người Singapore, tôi khác các bạn, nhưng chúng ta đều giống nhau là có trái tim. Chưa gặp nạn nhân da cam, tôi chỉ nghĩ đó là vấn đề của lịch sử và có đôi chút buồn, nhưng gặp rồi, nỗi buồn càng nhiều lên”.
Từ trăn trở đó, cùng với máy MRI, ông Harold Chan đã tặng 1,4 tỷ đồng cho Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng xây dựng khu nhà lưu trú có sức chứa 20 em bất động. Ngôi nhà ấy được hoàn tất trước Tết dương lịch 2016 để đón các cháu về ở.
Ông nói: “Chỗ này (khu lưu trú cũ) nhỏ quá, tôi muốn thêm nhiều gia đình được đến đây. Tôi là người đưa ra ý tưởng, còn xây bao nhiêu, khả năng tiếp nhận bao nhiêu em do Hội Nạn nhân da cam thành phố Đà Nẵng quyết định”. Ông còn hỗ trợ Hội mỗi tháng 3.000 USD liên tục kể từ tháng 4-2015 để có thêm kinh phí hoạt động.
Dù có nhiều lời ca ngợi về nghĩa cử này nhưng trong suy nghĩ của ông Chan, chia sẻ với nạn nhân da cam cũng là cơ hội cho chính ông được học hỏi. Ông rất muốn tìm hiểu về cuộc sống rộng lớn xung quanh, đơn giản như việc xây nhà, mua thiết bị y tế, tra cứu về bệnh bại não, hay biết thế nào là chất độc da cam là một ví dụ…
Cách đây không lâu, tình cờ đọc một bài báo ở Singapore về chiến tranh Việt Nam, trong đó có một dòng ngắn gọn nhắc đến chất độc da cam, Harold Chan cảm thấy đây là thông tin… rất mới, dù cuộc chiến ấy đã lùi xa 40 năm. Tò mò về Việt Nam, về các công ty hóa chất Mỹ, ông dành nhiều ngày liền lục lọi trên máy tính và vỡ ra nhiều sự tàn khốc mà ông gọi là “tội ác chiến tranh chống lại tình nhân loại”.
Giận dữ cộng với tò mò, tháng 4-2015, ông đã đến thẳng văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng tại đường Ông Ích Khiêm, trong vai một người khách du lịch tình cờ ghé qua. Từ đó đến nay, ông quay lại gần 10 lần với một mục đích duy nhất: bàn giải pháp hỗ trợ về y tế cho nạn nhân da cam.
Ông Harold Chan theo sát trong từng ca thăm khám. |
Cách xài tiền của tỷ phú
Nếu không biết trước thông tin về sự có mặt của ông tại Trung tâm Bảo trợ chăm sóc nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng ở huyện Hòa Vang, tôi sẽ không thể hay biết mình được gặp tỷ phú chính hiệu.
Ông Harold Chan Soo York (73 tuổi) bước ra xe, khẽ cúi chào mọi người qua đôi tròng kính ngả vàng, với áo sơ-mi hồng nhạt kết hợp quần tây không còn mới. Đặc biệt, chiếc vali của ông trông thật ấn tượng.
Chuyện là sau chuyến thăm trẻ da cam hôm ấy, ông sẽ lên đường bay thẳng về Sigapore nên toàn bộ hành lý ông đều mang theo. Chiếc vali của ông được đặt nhẹ nhàng lên xe, bởi nếu kéo mạnh tay nó có thể… vỡ vì đã quá cũ mòn, bong tróc đủ chỗ.
Người đàn ông gầy gò này còn mang theo chai nước nhỏ, dường như là vitamin C, chứa trong vỏ chai nước suối tái sử dụng. Thi thoảng, ông uống một ngụm như để tiếp sức cho những công việc phải làm phía trước. Tận mắt nhìn thấy những vật dụng cá nhân của ông, nên không ai còn thắc mắc vì sao một người sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD cho người khác lại chỉ luôn chọn khách sạn 3 sao chứ không ở những khu nghỉ dưỡng hạng sang.
Vào căn phòng có những đứa trẻ da cam nằm quằn quại, khi ai nấy vẫn mang nguyên giày dép, riêng ông khựng lại vài giây rồi bỏ giày ra ngoài, để lộ đôi tất sậm màu sờn cũ. Ông cũng không chịu ngồi vào chiếc bàn trải khăn trắng muốt dành riêng cho mình, mãi đến khi các bác sĩ đồng ý cùng ngồi với ông.
Những ngày ông Chan ở Đà Nẵng, người của Hội Nạn nhân chất độc da cam có lúc rơi vào tình huống “giằng co” không xong, khi ông một mực nhảy lên xe ôm và “lùa” hết mấy đứa bé da cam lên ô-tô vì các em mới cần đi phương tiện an toàn và dễ chịu hơn. Ông ăn được bún chả cá, mì quảng, cháo vịt… Nói chung chưa khi nào ông yêu cầu đồ ăn, thức uống riêng cho mình.
Dù đã nhiều tuổi, ăn uống không được nhiều, nhưng buổi phỏng vấn kéo dài suốt giờ nghỉ trưa cũng khiến ông vui vẻ nhận lời. Ông chia sẻ hăng say trước tất cả mọi điều, duy chỉ có câu hỏi về số tiền 33 tỷ đồng mua một chiếc máy MRI là nhỏ hay lớn so với tài khoản cá nhân thì ông từ chối. “Tôi không quan trọng số tiền bỏ ra lớn hay nhỏ. Cái gì làm được thì làm. Tôi chỉ quan tâm rằng chúng ta đã cố gắng hết sức chưa”, ông Harold Chan nói.
Về tương lai của mối quan hệ với Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, ông thẳng thắn bộc bạch: “Tôi chỉ vẽ ra con đường, còn con đường đó sẽ như thế nào, đi đến đâu thì không thể hứa trước điều gì. Chúng ta cố gắng cho ngày hôm nay, còn ngày mai là một câu chuyện mới của cuộc đời mà chính chúng ta cũng không thể định đoạt được”.
Được biết, ông Harold Chan đang sở hữu trang trại tại New Zealand và là chủ một công ty chuyển đổi tiền tệ tại Singapore. Trước đó, ông được IBM cử đi làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian dài. Hai con gái của ông đã trưởng thành và tự lập trong cuộc sống. Tự nhận là người may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong điều kiện giàu có, nhưng tiền với ông “không phải duy nhất và quan trọng nhất. Sử dụng đồng tiền như thế nào cho đúng là mới điều rất quan trọng”.
Trong hành trang trở về quê hương của ông còn có xấp báo dày cộm chứa đầy tin tức trong nước về sự xuất hiện của ông cùng những món quà vô cùng giá trị dành cho trẻ em da cam. Hỏi ông có vui trước sự quan tâm của dư luận, bất ngờ ông chùng giọng: “Tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Vì sao phải cần một người nước ngoài như tôi làm điều này mà không là những người Việt giàu có khác? Tôi biết, trước tôi, nạn nhân da cam nhận được rất nhiều sự quan tâm từ nhiều nơi, nhiều người, nhưng riêng sự nghiên cứu, hỗ trợ về y tế thì hầu như là khoảng trống”.
THU HOA