Báo Đà Nẵng xuân 2016

Hành trình vươn ra biển lớn

14:40, 04/02/2016 (GMT+7)

Trong những ngày đầu xuân mới này, một sự kiện góp thêm nét xuân tưng bừng cho Đà Nẵng chính là việc Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới (Clipper Race) đến thành phố biển miền Trung xinh đẹp.

Điều đặc biệt, trong đoàn đua hội tụ những anh tài ấy, có chiếc thuyền buồm mang tên Đà Nẵng – Việt Nam. Đây cũng chính là sự kiện góp phần hiện thực hóa giấc mơ vươn tầm thế giới của Đà Nẵng qua gần 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại hội thảo mới đây về thực hiện 3 đột phá chiến lược của Đà Nẵng do Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra, PGS, TS Nguyễn Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - một nhà nghiên cứu gắn bó với Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng cần có những ý tưởng đủ “điên” để tạo đột phá.

Việc thành phố chọn lựa giải pháp tài trợ và là cảng đăng cai cuộc đua cùng với một con thuyền mang tên Đà Nẵng – Việt Nam tham gia với 12 thuyền thành viên trên toàn thế giới, cũng là một trong những cái “điên điên”, cái bất thường đó. Cho đến những ngày cuộc đua đi vào chặng sôi nổi, nhất là ngày 18-1, cuộc đua xuất phát từ cảng Whitsundays (Australia) để bắt đầu chặng đến Đà Nẵng, thì ý tưởng “điên điên” ấy thể hiện rõ hiệu quả của mình.

Theo Ban tổ chức cuộc đua, hiện có 4,4 tỷ khán giả theo dõi cuộc đua này. Trong số tin tức về cuộc đua, riêng tin tức về đội Đà Nẵng-Việt Nam tính đến ngày 4-9-2015 đã đạt khoảng 118 tin với hơn 106 triệu lượt khán giả tiếp cận tin, giá trị quảng cáo tương đương đạt hơn 204.000 bảng Anh và giá trị quảng bá truyền thông (PR) đạt hơn 614.000 bảng Anh.

Dĩ nhiên, con số này sẽ tăng lên mạnh mẽ khi đoàn trong hành trình đến Đà Nẵng và nếu đội Đà Nẵng đạt vị thứ cao trong đoàn đua khi cập cảng quê hương…

Không chỉ hiện diện trong đoàn đua để thương hiệu Đà Nẵng được giới thiệu trên toàn thế giới, mà tên gọi của chặng Australia – Đà Nẵng được mang tên “Đà Nẵng - Khám phá mới của châu Á”, cùng với việc đoàn đua lưu lại thành phố biển xinh đẹp này 10 ngày chính là một trong những cơ hội tốt nhất để quảng bá Đà Nẵng, góp phần định danh Đà Nẵng trên “bản đồ” thế giới.

Nhưng trên hết, chính là qua sự kiện này, cho thấy những ý tưởng táo bạo trong việc tổ chức, tham gia các sự kiện quốc tế đang làm cho Đà Nẵng ngày càng nổi hơn trên “bản đồ” thế giới như là một điểm đến hứa hẹn hấp dẫn không chỉ trên lĩnh vực du lịch, mà còn tạo nên sức hút đầu tư mạnh mẽ, góp phần vào công cuộc đổi mới trong quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Thuyền buồm đội Đà Nẵng - Việt Nam dẫn đầu đoàn đua.   (Ảnh: Ban tổ chức cuộc đua)
Thuyền buồm đội Đà Nẵng - Việt Nam dẫn đầu đoàn đua. (Ảnh: Ban tổ chức cuộc đua)

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) do thành phố Đà Nẵng khởi xướng và tổ chức vào năm 2008 cũng là một trong những ý tưởng đột phá để tạo tiếng vang cho Đà Nẵng. Ngày càng đi vào nền nếp, cuộc thi trở thành một sản phẩm góp phần vào việc xây dựng thương hiệu “thành phố sự kiện” với sự háo hức chờ đợi của nhiều người dân trong nước và nước ngoài.

Cùng với đó, nhiều hoạt động mang tầm quốc tế đã chọn lựa Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên tại Việt Nam hoặc do Đà Nẵng đăng cai tổ chức như Cuộc thi quốc tế Ironman 70.3 thu hút hơn 1.000 vận động viên tham gia; Cuộc thi dù bay quốc tế Đà Nẵng (DIPR 2012); Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng 2015 với hơn 4.200 vận động viên tham dự từ 39 quốc gia trên thế giới…

Đặc biệt hơn, khi năm 2016, Đà Nẵng được chọn đăng cai tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) và hình ảnh chiếc đồng hồ đếm ngược đặt ở bùng binh phía đông cầu Sông Hàn cùng với các hoạt động chuẩn bị, truyền thông, quảng bá được xúc tiến, thực hiện từng ngày luôn nhắc nhớ về một cái tên Đà Nẵng không chỉ trong lòng người dân mà cả bạn bè quốc tế - những người đang tích cực chuẩn bị hoặc theo dõi ABG 5.

Tiếp đó, năm 2017, Đà Nẵng được chọn làm nơi tổ chức một sự kiện kinh tế quan trọng là Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Giữa tháng 1-2016, trên trang tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,47 giây, từ khóa “APEC 2017 tại Đà Nẵng” xuất hiện khoảng 49.400 kết quả tìm kiếm… cho thấy sức hút và tầm vóc của sự kiện này cũng như tác động của nó đến thương hiệu Đà Nẵng.

Để đi đến những kết quả cụ thể như vậy, Đà Nẵng đã có ý tưởng về xây dựng thương hiệu “thành phố sự kiện” từ rất sớm với những bước đi ngày càng rõ dần. Đó không chỉ là việc tổ chức, tham gia, đăng cai các sự kiện mang tầm vóc quốc tế; xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc kết nối với thế giới… mà chính là tâm thái cho việc sẵn sàng hội nhập quốc tế; trong đó có việc tập trung cho thương hiệu mang tên “Đà Nẵng”.

Mỗi một hoạt động, sự kiện đều gắn với việc xây dựng, quảng bá hình ảnh với bạn bè thế giới trở thành tinh thần, trách nhiệm và niềm tự hào của mỗi người dân, doanh nghiệp, tổ chức… Thế nên, không ngạc nhiên khi trong những năm qua, trên lĩnh vực du lịch, Đà Nẵng được xướng danh như “điểm đến mới nổi”, “điểm đến sáng giá”…

Các doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh đó với việc nỗ lực vươn lên, đạt các giải thưởng danh giá toàn cầu; chẳng hạn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort lần thứ 2 liên tiếp (2014-2015) đoạt giải thưởng khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới. Đó chính là những viên gạch sáng giá, góp phần vào xây dựng nền tảng bền vững hơn trên chặng đường vươn ra biển lớn của Đà Nẵng…

Trên chặng hành trình hơn 300 ngày vòng quanh thế giới của 700 người từ hơn 40 quốc gia tham gia trên 12 chiếc thuyền đua - trong đó có 58 thành viên từ thuyền buồm mang tên Đà Nẵng – Việt Nam, trong cuộc đua mang tính phiêu lưu vượt biển dài nhất thế giới và cũng được coi là một trong những thách thức sức chịu đựng khó khăn, sự dũng cảm và trí thông minh cao nhất hành tinh này, chắc chắn không thiếu những cam go, mồ hôi và nước mắt, nhưng cũng không thiếu những nụ cười vinh quang, chiến thắng, tự hào. Đó cũng là hình ảnh cho Đà Nẵng trên chặng đường từng ngày, từng giờ chinh phục cuộc đua hội nhập thế giới trong thời đại mới này…

NGUYỄN THÀNH

.